Tổng kết diễn đàn: Làm cách nào để học sinh không quay lưng với môn Lịch sử?
(Sóng trẻ) - Sau một thời gian chủ đề: “Làm cách nào để học sinh không quay lưng với môn Lịch sử?” được đưa ra bàn luận. Ban biên tập Sóng trẻ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của quý độc giả gửi về. Có rất nhiều giải pháp khác nhau trong việc tìm lại tình yêu của học sinh đối với môn Lịch sử, nhưng hầu hết đều thống nhất là hiện nay, môn Lịch sử chưa có phương pháp dạy và học phù hợp, muốn học sinh hứng thú với môn khoa học này thì phải tăng tính tương tác, tính thực tiễn trong mỗi tiết học Lịch sử ở trường.
Nguyên nhân do đâu?
Trong nhiều năm gần đây môn Lịch sử không tạo được sự yêu thích, cảm hứng học tập cho rất nhiều học sinh. Thêm vào đó việc không cải tiến phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức Lịch sử đến các em trong nhà trường thiếu hấp dẫn, rất khô khan làm cho việc học mất hứng thú.
Bạn đọc Nguyễn Thị Hồng Lương, giảng viên chuyên ngành lịch sử, Đại học Sư phạm Thái Nguyên đưa ra nhận xét: “Không thể phủ nhận thực trạng có rất nhiều học sinh chán ghét môn Lịch Sử. Biểu hiện cụ thể, qua kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2 năm gần đây, có rất ít học sinh đăng kí thi, thậm chí có phòng thi chỉ có một thí sinh dự thi môn Lịch sử. Trở lại vấn đề nguyên nhân là do đâu: Đổi mới là phải đổi mới toàn diện, ở nước ta tôi đánh giá đổi mới giáo dục rất khó vì không thống nhất các khâu từ đào tạo nhân lực tới phương pháp giảng dạy…
Lịch sử nước ta có một nội dung đồ sộ, phong phú, bao gồm hàng trăm đề tài để giáo viên Lịch sử có thể khai thác. Nhưng một bộ phận không nhỏ giáo viên lại dạy qua loa, theo phương pháp đọc chép; không có hình ảnh, không có âm thanh, không có sức sống... thì thử hỏi làm sao các em học sinh có thể yêu Lịch sử nước mình?
Ngay chính trong các trường sư phạm, các nghiệp vụ, kĩ năng sư phạm còn nhiều hạn chế, đó là những giáo viên tương lai nhưng lại không trang bị cho mình một kiến thức vững chắc, một nhiệt huyết dạy Lịch sử thì những thế hệ trẻ cũng không thể nào lĩnh hội được kiến thức về lịch sử. Hãy đầu tư hơn cho môn Lịch sử, hãy cho những giáo viên Lịch sử một chỗ đứng, không còn là môn phụ”
Nhiều học sinh học môn lịch sử theo lối đọc vẹt, đối phó với kì thi (nguồn ảnh:internet)
Bên cạnh đó, nguyên nhân được nhiều độc giả chỉ ra nhiều nhất đó là do môn lịch sử hiện nay nặng về lý luận thiếu tính thực tiễn, sự tương tác giữa người dạy và người học thấp. Độc giả ở địa chỉ mail [email protected] bày tỏ : “Trước tiên chúng ta cần phải nhìn nhận lại vấn đề tại sao học sinh lại quay lưng với môn lịch sử. Với giáo trình hiện nay, môn học trở nên vô cùng nhàm chán và khô khan do phương thức dạy và học - tất cả những gì học sinh được yêu cầu làm là học thuộc và học thuộc, hết trang sử này qua trang sử khác, so với những môn học mang tính thực hành hoặc áp dụng cao như Lý, Hóa hay Tiếng anh. Một vấn đề nữa là môn học mang tính tương tác khá thấp - trong lớp học 80% thời gian là giáo viên sẽ giảng giải và kể cả khi học sinh được giơ tay phát biểu thì hầu hết thời gian đều là đọc vẹt từ trong tài liệu học. Do vậy, học sinh sẽ không cảm nhận được sự hào hứng và thách thức của môn học, cũng như lợi ích của việc học lịch sử trong cuộc sống sau này.”
Còn theo độc giả có địa chỉ mail [email protected] thì nguyên nhân khác khiến học sinh sợ học Lịch sử còn do chương trình dạy quá nặng: “… Chương trình giảng dạy của bộ giáo dục quá nặng. Môn Sử trở thành một môn "phụ", với số tiết hàng tuần không nhiều nhưng cuốn sách giáo khoa thì dày ngang quyển ngữ văn, cộng với đó là chuỗi các sự kiện dày đặc, những con số khô khan rất khó nhớ…
Muốn học sinh không quay lưng với môn này thì hoặc là đẩy nó lên môn chính hoặc là giảm tải kiến thức, sao cho tiết sử còn tạo điều kiện cho thầy cô áp dụng các phương pháp giảng dạy theo kinh nghiệm khác như diễn kịch, lấy ví dụ so sánh , đố vui...”
Đồng tình với quan điểm trên, độc giả có địa chỉ email [email protected] nêu rõ: “Theo tôi nghĩ có hai vấn đề quan trọng cần giải quyết để không chỉ môn sử mà những môn học khác không khiến học sinh phải... sợ: Thứ nhất về tư tưởng của đại đa số các gia đình Việt Nam hiện nay đều nghĩ rằng đã đi học là phải giỏi toán giỏi lý giỏi hóa, không thì cũng phải giỏi văn giỏi nại ngữ mới là được gọi là giỏi. Còn các môn còn lại có giỏi hay không cũng không quan trọng nhiều. Thứ hai vì sao lại có tình trạng học để thi và học để quên? Vì chương trình học quá dày và nặng, sách giáo khoa quá nặng. Số môn phải học thì nhiều và kiến thức rất dàn trải khiến học sinh chỉ có thể đầu tư thời gian vào một số môn quan trọng để đi thi…”
Các giải pháp đưa ra
Đưa ra nguyên nhân khiến học sinh quay lưng với môn Lịch sử, đông đảo bạn đọc cũng tìm được một số biện pháp để cải thiện thực trạng “sợ” Lịch sử hiện nay của học sinh. Trong đó các biện pháp đưa ra đều nhấn mạnh việc dạy môn Lịch sử phải gắn với thực tiễn, dạy đi đôi với hành, có phương pháp dạy phù hợp và sáng tạo thì mới có hiệu quả.
Từ địa chỉ mail [email protected], độc giả cho rằng nếu muốn người học hứng thú với môn học thì trước tiên người dạy phải có cách truyền đạt kiến thức hay: “Mình nghĩ, đầu tiên để học sinh có cảm hứng với môn lịch sử thì người dạy phải là người truyền cảm hứng tốt. Biết đưa những mốc lịch sử khô khan từ trong sách trở thành những câu truyện gần gũi, giản dị, dễ ghi nhớ. Khi người dạy tạo được cảm hứng cho học sinh, ắt học sinh sẽ đam mê, tìm tòi, và tìm hiểu về lịch sử.”
Cần tăng cường hơn nữa tính chủ động của học sinh trong các giờ học, thay vì thụ động tiếp nhận kiến thức
(nguồn ảnh: internet)
Đồng quan điểm với ý kiến trên, độc giả [email protected] nhận định: Nếu có thầy giỏi thì môn học lịch sử không phải là môn học buồn tẻ, toàn là những con số khô khốc, những chi tiết bề bộn, thật khó cảm và khó nhớ. Ngược lại, với phương pháp trên thì các sự kiện lịch sử sống động gắn với những nhân vật điển hình của mỗi giai đoạn lịch sử sẽ dễ dàng khắc sâu vào tâm khảm của học sinh. Đấy cũng là cách dạy truyền cảm và có sức thuyết phục cao, giúp học sinh biết phân tích ý nghĩa của những sự kiện lịch sử, hệ thống được mối liên hệ giữa chúng với nhau để làm nên đặc điểm của mỗi giai đoạn lịch sử.”
Một phương pháp khác nhằm tăng tính tương tác và tính thực tế của môn Lịch sử được độc giả Quang Hùng từ địa chỉ [email protected] chia sẻ: “Chúng ta cần phải xem xét sửa đổi phương pháp dạy và học của môn lịch sử để môn học không còn khô khan và nhàm chán do thiếu tính tương tác hay thực tế cao. Chúng ta có thể liên kết những dấu mốc lịch sử với các sự kiện đương đại và chỉ ra những điểm tương đồng trong 2 chuỗi sự kiện để các em có thể hiểu và cảm nhận cách mà các nhân vật lịch sử suy nghĩ và giải quyết vấn đề và cho các em thấy nhiều phương thức giải quyết vấn đề trong sử sách vẫn có thể áp dụng vào đời sống hiện nay.
Chúng ta có thể cho các em đọc và thử giải quyết những vấn đề được đặt ra trong quá khứ trước khi tiếp tục giảng giải về cách mà những nhân vật lịch sử giải quyết các vấn đề đó nhằm nâng tính tương tác của môn học. Chúng ta có thể thay vì ép buộc các em học thuộc từng sự kiện lịch sử một thì đặt câu hỏi về lô-gíc - rằng tại sao những chuỗi sự kiện này lại dẫn đến chiến thắng hay thất bại, rằng sự thành lập hay tan rã của một hay nhiều tổ chức đã góp phần như thế nào vào một sự kiện lịch sử nhất định - làm cho các em phải tìm mối liên kết giữa các sự kiện thay vì học vẹt cả một chuỗi sự kiện dài.”
Nên tổ chức các chuyến tham quan thực tế để bài học trong sách vở trở nên sống động hơn, trực quan, sinh động hơn cũng như khơi dậy tình yêu của các em về lịch sử dân tộc (ảnh: Internet)
Cụ thể hơn, bạn đọc ở địa chỉ [email protected] cho rằng: “Chúng ta nên sử dụng phương pháp kết hợp giữa việc dạy trên lớp với việc tham quan thực tế, hàng tháng tổ chức cho học sinh đến thăm các di tích lịch sử, các viện bảo tàng nhằm mang lại cho các em các ví dụ, hình ảnh trực quan, giúp các em hào hứng hơn với môn lịch sử… Có thể chuyển tải đến cho học sinh những thông điệp ý nghĩa thông qua bài học lịch sử, có thể mời các chứng nhân lịch sử đến trường kể chuyện, giao lưu cùng học sinh để khơi dậy cho các em truyền thống yêu nước, thái độ và ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với tổ quốc.”
Các bình luận gửi về của độc giả đã có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng diễn đàn “Làm cách nào để học sinh không quay lưng lại với môn Lịch sử?”. Thực tế vấn đề này đã và đang là một bài toán khó giải đối với các nhà làm giáo dục, ý kiến từ thực tiễn của quý độc giả gửi về sẽ có đóng góp nhất định để góp phần làm cơ sở tham khảo cho các nhà giáo dục hoặc định chính sách giáo dục cuả Việt Nam nói chung cũng như có biện pháp cải thiện thái độ của học sinh đối với môn Lịch sử nói riêng.
Diễn đàn “Làm cách nào để học sinh không quay lưng lại với môn Lịch sử” chính thức được khép lại tại đây. Ban biên tập Trang tin điện tử Sóng trẻ chân thành cảm ơn sự ủng hộ của quý độc giả và mong rằng BBT sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của quý độc giả trong các chủ đề bàn luận sau.
Nguyễn Đình Đoàn Bổng - Phùng Thị Như Quỳnh -
Lê Thị Linh - Lê Thị Lan Chi - Hoàng Khánh Hiển
Nhóm 3 - Lớp Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận