Trần Đình Cường: Phấn đấu vì chữ “Thực” trong thư pháp
(Sóng Trẻ)- Ông Trần Đình Cường, thành viên CLB UNESCO Thư pháp Việt Nam từ nhiều năm nay luôn được biết đến với tư cách một trong những người viết chữ Hán ở Hà Nội có tâm, có tài và có lòng yêu nghề một cách sâu sắc. Ông còn nổi tiếng với tên gọi “người cho chữ tỷ phú Bill Gates” khi cùng thầy mình, thư pháp gia Trần Đức Cảnh tặng chữ “Phúc” cho Bill Gates nhân dịp vị tỷ phú bậc nhất thế giới sang thăm Việt Nam năm 2007.
PV đã có buổi trò chuyện trao đổi với ông Trần Đình Cường về con đường sự nghiệp cũng như quan điểm, nhìn nhận của ông đối với thư pháp hiện nay.
Ông Trần Đình Cường, một trong những người viết chữ Hán đã tạo được chỗ đứng nhất định trên đất Hà thành
PV: Là một người đã có những thành công nhất định trong lĩnh vực nghệ thuật thư pháp, ông có thể chia sẻ đôi chút về con đường đi tới thư pháp của mình với độc giả được không?
Ông Trần Đình Cường: Về học chữ Hán, năm 6 tuổi, gia đình tôi đã gửi sang chùa để học, nhưng chỉ là học thuộc lòng, đọc vanh vách nhưng khi hỏi mặt chữ thì lại không biết. Những năm 60,62 thì được học một chút về chữ Bắc Kinh. Nhưng sau đó tôi đi làm và bỏ bẵng đi không để ý đến chữ Hán nữa.
Đến khi về hưu, rảnh nên đi học kinh dịch, thầy kinh dịch thì khuyên nên đi học lại chữ Hán. Quyết định đi học chữ Hán thì thầy chữ Hán lại khuyên nên đi theo thư pháp. Từ đó tôi mới bắt đầu đi vào con đường thư pháp. Lúc đầu chỉ học để chơi, viết để cho nhớ chữ chứ không hề có ý định viết để được cái này cái kia. Ban đầu tôi viết chữ rất xấu, nhìn nguệch nạc, nhưng dần dần được các thầy dạy thì chữ bắt đầu vào khuôn khổ. Khi nghỉ hưu, lúc đó, tôi theo học các thầy như tiến sĩ Nguyễn Danh Đạt (chuyên ngành Hán Nôm), lương y Trần Văn Quảng, sau đó học thư pháp căn cơ hơn thì được thầy Lại Cao Nguyện giúp đỡ, 2 lần được học thầy Phan Khánh Trung (người Đài Loan)… Tôi học rất nhiều người, kể cả những người trẻ tuổi như thầy Tiểu Hạng, thầy Nam Long.
Cho đến khi thấy được chữ bản viết tay của thầy Trần Đức Cảnh do một người giới thiệu đẹp quá thì tìm đến thầy học. Học được 7 tháng, thì Việt Nam vinh dự đón tiếp tỷ phú Bill Gates, tôi thì không có tài cán gì, may mắn được ban tổ chức mời để đóng vai ông đồ với mục đích giới thiệu văn hóa Việt Nam chứ không có ý định tặng chữ. Ban tổ chức cũng có nói nếu được sẽ tặng chữ cho Bill Gates nên tôi mời thầy Trần Đức Cảnh, một người viết chữ tương đối vững vàng, cũng là hàng có tiếng ở Hà Nội bấy giờ đi cùng để viết. Viết trước ở nhà 10 chữ. Đến lúc gặp thì mình giới thiệu và tặng chữ cho người ta.
Trong quá trình tham gia vào nghệ thuật này, tôi cũng đã nhận được nhiều kỷ niệm chương và giấy khen từ những hội viết như báo Xuân, Sắc màu hoa đào…
PV: Theo học khá nhiều thầy trong một khoảng thời gian dài, một bức thư pháp đẹp, theo ông nó hội tụ những yếu tố gì?
Ông Trần Đình Cường: Một bức thư pháp hoàn chỉnh cần đòi hỏi rất nhiều thứ. Trước hết, với thư pháp, phải nói chữ đẹp là một yếu tố. Sau đó đến chương pháp, tức là bố cục một bức thư pháp. Rồi đến lạc khoản thế nào cho đúng, ấn chương đóng thế nào cho chuẩn. Nội dung cũng là một vấn đề quan trọng. Nói tóm lại, nội dung hay, chữ đẹp và bố cục chặt chẽ mới tạo nên thư pháp đẹp. Người ta gọi là “thư họa đồng nguyên”, tức là giữa tranh và chữ có cùng một nguồn gốc, khi người ta treo chữ lên thì cảm giác như nó là một bức tranh thì mới cuốn hút được người xem.
PV: Để đạt được cảnh giới của cái đẹp như vậy, liệu rèn luyện có phải là điều kiện tiên quyết?
Ông Trần Đình Cường: Xưa nay người ta vẫn ca ngợi sự rèn luyện, dày công. Nhưng dày công mấy mà không có năng khiếu thì cũng có hạn chế. Sự thành công chỉ đạt được khi kết hợp cả năng khiếu lẫn rèn luyện. Có năng khiếu nhưng không chăm chỉ thì không thể thành công, mà chăm chỉ nhưng không có năng khiếu thì rất khó đạt. Với tôi, nếu không bận việc gì, một sáng dành ít nhất 30 phút để luyện chữ, đều đặn.
Thư pháp, muốn thành công, phải kết hợp năng kiếu và dày công rèn luyện
PV: Ông có đặt riêng cho mình một nguyên tắc viết và cho chữ nhất định nào không?
Ông Trần Đình Cường: Cái này cũng khó lắm, tùy thuộc vào người xin chữ. Người dân bình thường người ta chỉ mong mỏi những điều đơn giản, những người có văn hóa, trình độ, thẩm mỹ thì đòi hỏi cao hơn. Khi mà cho chữ, nếu mình hỏi được hoàn cảnh, mong ước, tâm tư của người ta thì mình sẽ cho chữ sát ý. Tất nhiên một người xin được đúng chữ tâm đắc với mình thì không gì hạnh phúc bằng.
PV: Có ý kiến cho rằng, thư pháp hiện nay được ví như viết chữ xin tiền, thư pháp trở thành một thứ hàng được thương mại hóa, ông suy nghĩ như thế nào?
Ông Trần Đình Cường: Cái thực trạng này cũng rất đáng buồn. Thư pháp là một văn hóa thanh cao. Hiện giờ có nhiều người đi vào nghệ thuật là chính, nhưng cũng không thiếu người vì mục đích mưu sinh. Chính vì mưu sinh nên nó hạ thấp cái văn hóa ấy xuống. Nhiều người bỏ công sức học hành khó khăn, người ta muốn có thu nhập một chút để mà bù đắp những khó khăn đã trải qua thì tôi nghĩ nó cũng chính đáng. Nhưng nếu mà từ cái đó mà nâng tầm lên nghệ thuật mới là cái tốt. Một khi đã đạt đến tầm nghệ thuật thì đồng tiền cũng không là gì, mà nó trở nên vô giá.
PV: Có bao giờ ông từng có suy nghĩ dùng cái danh “người cho chữ Bill Gates” để đánh bóng tên tuổi không?
Ông Trần Đình Cường: Cái đó để làm gì khi có danh mà không có thực. Tung hô mình là thế này thế kia nhưng thực tế chữ không viết được thì cũng không để làm gì. Giữa cái danh và cái thực phải có thực tế liên kết với nhau. Cho chữ Bill Gates là một kỉ niệm vinh dự với tôi chứ không phải tôi tài đến mức mà cho chữ người ta. Bảo nổi tiếng về cái danh người cho chữ Bill Gates tôi không biết thế nào chứ đối với tôi thư pháp phấn đấu cả đời vẫn chưa hết. Ngay bản thân tôi luôn cảm thấy chữ mình chưa thực sự hoàn thiện nên chưa dám nhận mình nổi tiếng. Vậy nên không có cớ để tôi dựa hơi cái danh ấy mà sống. Mà giả sử có dựa hơi, nhưng chữ không đạt yêu cầu thì người ta cũng không thể chấp nhận được. Nhiều người nghĩ mình dựa vào cái này cái kia để mà sống, mình không thể ngăn nổi miệng dâng sóng biển. Những ý nghĩ như vậy chỉ có thể là không lành mạnh.
Ông Cường khẳng định mình không hề có suy nghĩ dựa hơi Bill Gates để nổi tiếng
PV: Với tư cách một người viết chữ Hán có chỗ đứng trong nghiệp thư pháp, ông có kỳ vọng gì cho thư pháp tương lai?
Ông Trần Đình Cường: Tôi chỉ mong muốn nó ngày càng tốt đẹp hơn chứ không mong gì hơn cả. Mong muốn chữ nghĩa phục vụ cho đời sống, nâng cao trình độ thẩm mỹ. Nhìn chữ đẹp làm người ta hút hồn, phấn chấn lên thì đó là cái tôi rất mong muốn. Chữ nghĩa mà đẹp thì cũng đánh giá người Việt Nam có tầm văn hóa trong lĩnh vực thư pháp được nâng lên.
Lớp trẻ hiện nay nhiều người rất giỏi, học một cách cơ bản, căn cơ, thậm chí còn đạt đến trình độ hướng dẫn cho các lớp cao tuổi. Như vậy càng có căn cứ kỳ vọng tương lai thư pháp phát triển.
Xin cảm ơn ông về buổi phỏng vấn này!
Trần Thị Hải Linh,
Báo in K34A1
Cùng chuyên mục
Bình luận