Tràn lan bánh trung thu không rõ nguồn gốc trên thị trường
(Sóng trẻ) - Dù đã có rất nhiều lời cảnh báo đến người tiêu dùng nên cẩn thận với bánh kẹo không rõ nguồn gốc, song tại các cửa hàng tạp hóa, những mặt hàng này vẫn được rất nhiều khách hàng tìm mua.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua bánh trung thu giá rẻ của người dân có thu nhập thấp, hoặc các tập thể và tổ chức cần mua số lượng lớn với chi phí thấp, nhiều tiểu thương bất chấp nhập nguồn hàng kém chất lượng để bán ra thị trường.
Tại khu chợ Đồng Xuân, sau khi tiếp cận một cửa hàng bánh kẹo có lượng khách ra vào tấp nập, phóng viên ghi nhận hàng loạt bánh trung thu có giá "siêu" rẻ. Các sản phẩm bày bán dao động từ 15.000 đồng/chiếc đến 25.000 đồng/chiếc với bao bì bắt mắt, nhân bánh đa dạng. Tuy nhiên, trên bao bì các sản phẩm lại không cung cấp tên thương hiệu, cũng như bảng thành phần bánh, thậm chí có những mặt hàng không in hạn sử dụng.
Khi phóng viên hỏi về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm bánh Trung thu được bày bán tại đây, người bán có thái độ lảng tránh vấn đề. Vị tiểu thương trên chỉ quảng cáo đại khái, không rõ ràng: “Bánh rất ngon, người ta mua đầy chưa ai chê bao giờ”.
Sau khi tham khảo và tiếp cận thêm những cửa hàng tạp hóa khác trong khu chợ Đồng Xuân, phóng viên bắt gặp nhiều gian hàng kinh doanh mặt hàng bánh trung thu gia công không rõ nguồn gốc xuất xứ nằm xen kẽ những thương hiệu bánh lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị,...
Không chỉ được bày bán tại các khu chợ, bánh trung thu không đảm bảo chất lượng còn xuất hiện tràn lan trên các sàn thương mại điện tử và hội nhóm mua bán trên mạng xã hội. Một tài khoản mạng xã hội có tên Lê Thủy cho biết, bản thân có thể cung cấp số lượng lớn bánh trung thu tới khách hàng thông qua hình thức đặt hàng trực tuyến với giá bán 14.000 đồng/chiếc. Trong tin nhắn trao đổi với khách hàng, tài khoản Lê Thủy khẳng định mình bán bánh trung thu đảm bảo chất lượng. Nhưng khi được hỏi sâu hơn về các địa điểm phân phối sản phẩm, tài khoản này đã đưa ra những thông tin chung chung, thiếu tính cụ thể.
Ban đầu, tài khoản Lê Thủy xác nhận đang bán bánh trung thu ở quận Hà Đông. Tuy nhiên, khi có yêu cầu mua hàng tận nơi từ khách hàng, người này lại cung cấp một địa chỉ khác tại huyện Thanh Oai. Trước những thắc mắc của khách hàng về sự không thống nhất trong thông tin địa chỉ, người bán cố tình né tránh và không đưa ra lời giải thích hợp lý. Thay vào đó, người này liên tục đưa ra các ưu đãi giảm giá để thuyết phục khách hàng mua bánh.
Không chỉ riêng tài khoản trên, rất nhiều các tài khoản mạng xã hội khác rao bán bánh trung thu giá rẻ nhưng không thể cung cấp thông tin chính xác về nơi bán, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Điều này gây hoang mang cho người tiêu dùng, dấy lên nỗi lo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp lễ Trung thu năm nay.
Chị Nguyễn Thu Trang (37 tuổi, Hà Nội) cho biết chị cảm thấy e ngại trước những sản phẩm bánh trung thu “sáng tạo” được bán trên mạng xã hội. “Các loại bánh trung thu giá rẻ khiến tôi thấy bất an về nguồn gốc của nguyên liệu thực phẩm. Dù khá thích bao bì và hình thức của những loại bánh ấy nhưng tôi vẫn quyết định không mua”, chị Trang chia sẻ.
Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần tỉnh táo trong việc lựa chọn bánh trung thu. Người tiêu dùng nên ưu tiên mua bánh tại các cửa hàng, đơn vị phân phối uy tín, có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, thành phần và hạn sử dụng. Đồng thời, cần tránh tâm lý “tham rẻ” hay mua bánh theo "trend” để tránh những rủi ro không đáng có.