Trăn trở của người nghệ sĩ ở làng sản xuất kèn tây duy nhất cả nước

(Sóng Trẻ) - Làng nghề làm kèn tây nức tiếng duy nhất cả nước đã tồn tại hàng thế kỉ tại vùng đất Nam Định, song thời hoàng kim của món nghề này cũng đã cách xa đến 15 năm so với thời điểm hiện tại. Người vẫn luôn gìn giữ, nâng niu món nghề này vẫn luôn trăn trở về hướng đi phát triển nghề trong tương lai. 

cba42ff1e_anh_1.png
 
Tiếp đón chúng tôi ngày hôm nay là ông Nguyễn Văn Đông, thế hệ thứ 3 làm nghề kèn đồng trong cả dòng họ. Được biết dòng họ nhà ông Đông là gia đình đặt nền móng cho nghề đúc đồng làm kèn tây duy nhất trên cả nước Việt Nam.

Ông Đông theo học nghề làm kèn đồng từ khi còn nhỏ, cho đến tận bây giờ ông vẫn đang tiếp tục truyền nghề của mình cho các thế hệ con cháu. Tuy nhiên, theo thời gian chẳng ai nói trước được món nghề này sẽ tồn tại được đến bao giờ khi những công đoạn làm kèn theo năm tháng tại ngôi làng này vẫn thô sơ và thủ công.

Thời hoàng kim của món nghề "kèn tây"

Một ngày của người thợ làm kèn tây nổi tiếng nhất nhì vùng Phạm Pháo bắt đầu với việc lau dọn, sắp xếp tủ trưng bày kèn, trống của mình. Ông nói, những thứ quý giá này là kỉ niệm cả một thời, ông quý chúng như vàng.

cba42ff1e_anh_2.png
 
Ông Đông cho hay, nhiều thợ kèn ở làng Phạm Pháo đã mày mò, tự tháo những chiếc kèn do nước nài sản xuất để học sửa kèn, làm kèn đồng. Từ trao đổi kinh nghiệm cho nhau, nhiều người đã trở thành thợ giỏi, nhận sửa kèn, làm kèn cả cho các đội kèn vùng khác.

Lúc đầu, chỉ có khoảng gần 10 gia đình trong làng theo nghề làm kèn. Nhưng nhờ phong trào thổi kèn đồng ở Nam Định cũng như các tỉnh lân cận phát triển mạnh nên hơn 70% các hộ trong làng đã theo nghề làm kèn, hình thành làng nghề làm kèn Phạm Pháo duy nhất ở Nam Định.

cba42ff1e_anh_3.png
 
Được người dân hưởng ứng, rất nhanh, tiếng kèn đồng trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu ở các vùng quê Nam Định và phát triển với tốc độ chóng mặt. Hầu như tất cả thanh niên Công giáo ở xã Hải Minh đều đi học nhạc kèn khi tròn 16 tuổi.

Ông nói, cách đây 10 - 15 năm có những thời điểm cả làng đã phải làm việc hết công suất thì mới đáp ứng được nhu cầu thị trường. Các con ông ai cũng thành thạo các công đoạn để tạo ra một chiếc kèn hoàn chỉnh, còn có người đã theo ông học làm kèn từ khi học cấp hai. 

cba42ff1e_anh_4.png
 
Được biết, công đoạn để tạo ra một chiếc kèn hoàn chỉnh rất vất vả và cần sự tỉ mẩn, kiên nhẫn của người thợ. Tuy nhiên sẽ có một cảm giác vô cùng tự hào và vui sướng vì mình được làm công việc mình yêu thích - ông Đông nói trong sự hào hứng.

 cba42ff1e_anh_5.png

Nguyên liệu chính của một chiếc kèn là đồng, đồng có thể thu mua từ bãi phế liệu, hoặc lấy những xác kèn đã hỏng về đúc và tái chế lại. 

Ông cứ mãi say sưa nói với chúng tôi về cái thời "hoàng kim" của món nghề ngày, khi cứ mỗi dịp sản xuất xong xuôi ra một chiếc kèn hoàn chỉnh, số tiền thu về có thể đổi lấy một con "xe rem" (hãng xe Dream), quý giá đến độ như vậy, nghe cách ông nói chúng tôi có thể hình dung ra được sự vui sướng của ông khi nhớ về một thời đã qua. 

Công nghệ lỗi thời theo thời gian

Toàn bộ quá trình tạo ra một chiếc kèn hoàn toàn là thủ công, chứ không phải mô hình sản xuất hàng loạt hiện đại như các nhà máy tại nước nài. Muốn tạo ra được một chiếc kèn thủ công có thể mất đến 6 tháng hoặc hơn. Do vậy một năm, cũng chỉ có thể sản xuất ra nhiều nhất là 2 - 3 chiếc kèn. Vừa nói ông Đông vừa giải thích các công đoạn làm ra một chiếc kèn và chỉ cho chúng tôi xem các bộ phận của một chiếc kèn tây. 

Ông tiếp tục say sưa với câu chuyện của mình, về việc làm sao để có thể biết được âm thanh của chiếc kèn đã chuẩn chưa, rằng ngày xưa phải đo đạc âm thanh chuẩn của chiếc kèn một cách rất thủ công, nhưng giờ đã có máy móc để hỗ trợ trong việc đo lường các nốt bấm nên cũng nhẹ gánh hơn rất nhiều cho người thợ làm kèn. Tuy vậy, nhưng đó vẫn chưa phải đã là tất cả.

8e1c54253_anh_6.png
 
Ông Đông chia sẻ, công nghệ để tạo ra một chiếc kèn hiện nay tại làng gần như là không có gì thay đổi so với những giai đoạn trước, do vậy những yếu điểm về mặt kĩ thuật cũng như thời gian trả hàng cho khách sẽ mất rất nhiều thời gian, đó cũng là lí do mà khách tới đây đặt làm kèn ngày một ít dần đi. Khách đến đây chủ yếu chỉ để sửa kèn, còn ai đặt làm đến đâu thì sản xuất đến đấy, chứ nếu sản xuất trước thì .. chết đói, vừa nói ông vừa cười. Vì một chiếc kèn được làm ra có tuổi thọ kéo dài gần như là vĩnh viễn, rất ít khi hỏng hóc. Hoặc thay vào đó, họ có thể mua kèn bán sẵn, vừa tiện lại đỡ mất thời gian chờ đợi thời gian làm kèn nếu đặt ở các nhà làm gia công như chúng tôi. 

Hơn nữa, con cái của ông bây giờ, chúng cảm thấy thích cái gì hơn thì chúng theo làm cái đó, không thể bắt chúng theo cái nghề này mãi được. 

8e1c54253_anh_7.png

Ông nói thêm, còn sống ngày nào thì sẽ tiếp tục làm nghề đến đó, vì mỗi lần sửa xong xuôi được một chiếc kèn lại đúc rút thêm được kinh nghiệm cho những lần sau, đó là một điều quý báu.

Người "nghệ sĩ" mang nhiều trăn trở

Ông nói với chúng tôi bằng cả sự nhiệt huyết và say sưa về các công đoạn để tạo ra một chiếc kèn, chỉnh âm làm sao cho chuẩn và cả những kỉ niệm về thời hoàng kim của món nghề này. Và ông cũng không quên chia sẻ và gửi gắm đến chúng tôi những trăn trở của một người tuổi đã quá đầu 6. Ông nói, muốn có thật nhiều người biết đến nhạc cụ kèn đồng, kèn đồng của làng Phạm Pháo, vì nó cũng như những nhạc cụ khác, đều có sự thú vị và khác biệt riêng.

Ngập ngừng một hồi lâu, ông bắt đầu thể hiện ra sự lo lắng của mình về tương lai của món nghề này. Ông chia sẻ, để làm được nghề đã là cả một sự quyết tâm gắn bó không hề dễ dàng, huống gì là xác định đi với nó mãi mãi, quan trọng là có lâu dài được hay không. Vì "món làm kèn đồng" này đòi hỏi sự kiên trì, tình yêu nghề, niềm đam mê và sự tỉ mẩn, quyết tâm. 

"Hơn nữa tôi cũng mong muốn các con mình có thể phát triển nghề, nâng cấp máy móc hiện đại hơn, công nghệ cao hơn, sẽ có nhiều khách hàng tới đây hơn, biết đến làng Phạm Pháo đã đặt nền móng cho nghề sửa kèn đồng như thế nào. Cũng mong muốn thế hệ con cháu sẽ kế nghiệp mình, nhưng cũng không muốn bắt ép chúng, vì nghề này phải xuất phát từ niềm đam mê, thì mới bền được."

Được biết, tất cả những người thợ sửa kèn trong làng, đều biết chơi kèn, có điều chơi không hay như những người nghệ sĩ. Nhưng chúng tôi vẫn xin phép gọi ông là người "nghệ sĩ mang nhiều trăn trở", bởi lẽ tiếng kèn của ông thật chẳng kém gì so với những người nghệ sĩ thực thụ, tiếng kèn ấy còn mang một nỗi niềm đến với mọi người, đó là một nỗi niềm muốn phát triển nghề kèn tây rộng rãi, để mọi người biết đến món nhạc cụ này nhiều hơn, và có thêm nhiều phương tiện sản xuất kèn hiện đại hơn đáp ứng được nhu cầu của xã hội. 


Ông Đông thổi một đoạn nhac ca khúc Bèo Dạt Mây Trôi

Quả vậy, thời thế thế thời là điều mà bất cứ nghề nghiệp nào cũng phải xác định sẵn tư tưởng ngay từ khi nó bắt đầu manh nha ra đời. Xã hội thì ngày càng phát triển, nhu cầu và thị hiếu của người dân dĩ nhiên cũng vì thế mà cao hơn, khắt khe hơn, những cái mới ra đời thay thế cho những lối làm thủ công đã cũ. Vô hình chung điều này cũng đã đúng và đã được thực tế chứng minh cả với những thứ mang giá trị vô hình như truyền thống văn hóa. 

Liệu làng nghề kèn tây có thể tiếp tục sống mãi với những giá trị của mình trong tương lai? Điều gì đã khiến cho những khách hàng thờ ơ với sản xuất kèn theo lối thủ công cho dù đây là làng kèn tây duy nhất trên cả nước? Giá trị âm nhạc của kèn tây được sản xuất bởi bàn tay của người thợ Việt Nam đã được nhân rộng và truyền tải được đến đông đảo mọi người hay chưa? 

Một chuỗi những câu hỏi như vậy cứ theo bám trong suy nghĩ của chúng tôi khi rời khỏi ngôi làng ấy, trên quãng đường trở về thủ đô.

Đỗ Hồng Vân

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN