Triển lãm “Phía sau cánh cửa” khuyến khích phụ nữ “Hãy nói ra” vì bản thân mình
(Sóng Trẻ) - Sẽ chẳng có Nhà bình yên nào nếu người phụ nữ không đứng lên để giải thoát và tìm kiếm sự hạnh phúc cho chính mình.
Theo thống kê của Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2011- 2015, có 117.206 trên tổng số 157.859 (tương đương 74,24%) vụ bạo lực gia đình có nạn nhân là phụ nữ trong độ tuổi từ 16- 59 tuổi. Nhìn vào con số này và những vụ chồng hành hạ vợ, nhiều người sẽ tự hỏi tại sao người phụ nữ lại cam chịu như thế trước những tủi nhục, nguy hiểm về thể xác, tâm hồn lẫn kinh tế; tại sao họ không tìm cho mình một con đường giải thoát. Triển lãm “Phía sau cánh cửa” được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) tổ chức để người xem tìm hiểu câu chuyện đằng sau của những người phụ nữ.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”. Triển lãm "Phía sau cánh cửa" mở cửa chào đón khách tham quan từ ngày 23/11/2018 đến ngày 31/12/2018, tại 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – nơi diễn ra buổi triển lãm.
Với thông điệp "Hãy nói ra", triển lãm khuyến khích nạn nhân BLGĐ và cộng đồng lên tiếng chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình. Đến với buổi triển lãm, người xem được nghe người trong cuộc kể câu chuyện về nỗi tủi nhục, sự hy sinh của họ, về định kiến xã hội và nghe cả những người đàn ông gây cho họ đau khổ.
Nài đối tượng chính là phụ nữ trong độ tuổi lập gia đình, triển lãm cũng thu hút các cô gái trẻ như T.N. T.N (22 tuổi,Hà Nội) nói: “Mình thấy sự kiện này rất ý nghĩa để cộng đồng hiểu hơn về những người phụ nữ bị bạo hành. Xem xong triển lãm thì mình cảm thấy đồng cảm vì gia đình mình cũng từng ở trong hoàn cảnh đó. Mình nghĩ trong hoàn cảnh như thế thì người phụ nữ cần cố gắng mạnh mẽ để thoát ra và tìm sự giúp đỡ của cộng đồng và các tổ chức.”
Bên cạnh nói lên câu chuyện của những người phụ nữ nạn nhân của bạo lực gia đình, buổi triển lãm còn cho thấy những nỗ lực và thành quả của những mô hình: Nhà bình yên, địa chỉ tin cậy mà Hội LHPNVN đã và đang thực hiện. Đây là những nơi điều trị tâm lý, sức khỏe, là mái ấm cho những con người có cùng cảnh ngộ tìm lại bản thân.
Tổng hợp những hoạt động của Nhà bình yên.
Bà Lê Phương Thúy, trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ Phát triển, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phát biểu: “Nhà bình yên cung cấp các kiến thức, kỹ năng để chị ấy có thể ứng phó với bạo lực và chị tổ chức cuộc sống mới. Ví dụ những kỹ năng về khẳng định giá trị bản thân, ký năng ra quyết định, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kỹ năng ứng phó với bạo lực. Và chị ấy bước ra khỏi nhà bình yên với sự tự tin, không mặc cảm, sự độc lập, không ràng buộc về vị trí cũng như kinh tế.”
Ban tổ chức tương tác với khách tham quan bằng các câu hỏi
Sau cùng, điều triển lãm muốn truyền tải đến người xem, giống như thông điệp “Hãy nói ra”, đó là người phụ nữ cần dũng cảm đứng lên để giải thoát và tìm kiếm sự hạnh phúc cho chính bản thân mình, sẽ chẳng có Nhà bình yên nào nếu người phụ nữ không tự làm điều đó.
Nguyên Hạnh
Cùng chuyên mục
Bình luận