Trưng bày các ứng dụng hiện đại trên giấy Dó Ngô Đức
(Sóng trẻ) – Sự kết hợp giữa chất liệu giấy Dó truyền thống Ngô Đức với kỹ thuật sáng tác hiện đại của các nghệ sĩ trẻ đã tạo nên những tác phẩm đặc biệt thu hút.
Triển lãm nằm trong chuỗi sự kiện Bóng “Dó”, tái hiện lại câu chuyện xưa, nay, và tương lai của tờ giấy Dó từ góc nhìn nghiêm cẩn của một người trẻ - thế hệ kế thừa trực tiếp cái đẹp từ trong suy nghĩ tới thực hành của thế hệ trước. Bên cạnh đó còn là hình thức thể hiện những ứng dụng hiện đại của người trẻ đương thời – những trụ cột không thể thiếu khi tạo nên sức sống của một nguyên liệu cổ truyền.
Sự kiện được tổ chức bởi nhà sáng lập Giấy Dó Ngô Đức – chị Ngô Thu Huyền, kết hợp cùng những nghệ sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia tài năng như Jeet Zdung (Họa sĩ truyện tranh – minh họa); Đào Huy Hoàng (Thợ làm bút thủ công và sơn mài Urushi); Nguyễn Kim Long (Nhiếp ảnh gia đã có 11 năm kinh nghiệm nghiên cứu và thực hành nhiếp ảnh); Huỳnh Lân (Nghệ sĩ thực hành các kỹ thuật đồ họa); Nguyễn Cẩm Anh (Họa sĩ minh họa tự do) và Vũ Kim Thư (Nghệ sĩ thể nghiệm chất liệu).
Với mục đích gia tăng tính ứng dụng của giấy Dó trong đời sống hiện đại, Giấy Dó Ngô Đức đã lựa chọn kết hợp với những nghệ sĩ trẻ đương thời để đem đến sự gần gũi và cái nhìn rõ nét hơn về chất liệu đặc biệt này khi đặt bên cạnh những tác phẩm truyền thống.
Trên chất liệu giấy Dó Ngô Đức, các nghệ sĩ hiện đại đã sử dụng những kỹ thuật điêu khắc giấy, in khắc nổi linoleum, in khắc gỗ, cyanotype, cùng những công cụ sáng tác khác nhau như màu nước shin gansai và gouache, mực nhũ vàng,... Do đặc tính xốp nhẹ, bền dai theo thời gian và có độ đàn hồi cao, giấy Dó đã làm nổi bật nên những nét vẽ, nét điêu khắc và in ấn, tạo ra sự bất ngờ đối với chính người nghệ sĩ và sự thu hút đối với người xem triển lãm.
Thử nghiệm điêu khắc trên giấy Dó Ngô Đức, Vũ Kim Thư – tác giả của tác phẩm “Nơi ở trọ” hoàn toàn bất ngờ trước thành quả sáng tác này: “Là một người yêu thích giấy và nét, tôi luôn muốn tìm hiểu ngôn ngữ của các loại giấy khác nhau dưới tác dụng của hồ, mực và ánh sáng trong các tạo hình. Lần đầu tiên thử nghiệm với giấy Dó Ngô Đức, quy trình này thực sự là một thử thách vì độ mỏng rất tinh tế và khá mong manh khi tiếp xúc với hồ, nhưng hiệu quả lại rất đặc biệt với ánh sáng mà đến những phút cuối cùng tôi mới phát hiện ra".
Bên cạnh trưng bày những ứng dụng hiện đại trên giấy Dó Ngô Đức, triển lãm còn giới thiệu tới người xem những nguyên liệu, vật liệu hình thành nên tờ giấy Dó. Bắt đầu từ vỏ Dó khô được nấu cùng nước vôi và ủ 24 tiếng để chín mềm, thông qua nhiều công đoạn nghiền, giã, tạo khuôn, ép khô, phơi khô để trở thành tờ giấy hoàn thiện. Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công một cách tỉ mỉ, cần thận, đây cũng là nguồn cảm hứng để các nghệ sĩ hiện đại tái hiện quy trình làm giấy Dó trên chính tờ giấy Dó Ngô Đức.
Đồng thời, triển lãm còn trưng bày một số loại giấy Dó khác nhau, phù hợp với nhu cầu sáng tác của từng nghệ sĩ. Nhà sáng lập Giấy Dó Ngô Đức – chị Ngô Thu Huyền có những chia sẻ về chất liệu giấy Dó truyền thống: “Bởi vì tính chất riêng biệt của vật liệu, công cụ sáng tác nên mỗi nghệ sĩ khi sáng tác thì họ cần những chất liệu giấy Dó có tính chất khác nhau. Từ đó mình cũng cần điều chỉnh giấy phù hợp hơn so với từng thế loại nghệ thuật”.
“Khi mình có giấy để các nghệ sĩ sáng tác thì họ cũng gửi những phản hồi về cho mình, và từ những phản hổi đó thì mình cũng có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp với nhu cầu sử dụng”, chị Huyền chia sẻ.
Triển lãm diễn ra từ 9 giờ ngày 12/8 đến 17 giờ ngày 14/8, tại Viện Goethe Hà Nội. Diễn ra đồng thời cùng triển lãm là chuỗi workshop “Học làm giấy Dó” và “Ứng dụng giấy Dó trong kỹ thuật in ấn Cyanotype”.