Truyền thông toàn cầu và khán giả nói gì về lễ khai mạc Olympic Paris 2024
(Sóng trẻ) - Lễ khai mạc diễn ra vào sáng 27/7( theo giờ Việt Nam) có sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng với quy mô hoành tráng. Tuy nhiên, không ít khán giả thẳng thắn phê bình ý tưởng và xem lễ khai mạc Olympic Paris 2024 là lễ khai mạc gây thất vọng trong lịch sử thế vận hội.
Truyền thông toàn cầu cũng đã có những nhận xét rất khác nhau về sự kiện khai mạc chưa từng có trong lịch sử này. Các trang truyền thông lớn trên toàn cầu ghi nhận nỗ lực để tổ chức một kỳ thế vận hội chưa từng có trong lịch sử, tuy nhiên cũng đã chỉ ra không ít “sạn” khiến lễ khai mạc Olympic Paris 2024 đã phải đối diện với nhiều tranh cãi đến vậy.
Tờ Guardian của Anh cho biết "tham vọng lớn nhưng đã không thành công do sự kết nối không đồng đều. Paris nổi tiếng với gu thẩm mỹ của mình nhưng lần này lại trông giống như một bộ trang phục hỗn tạp được ghép lại với nhau". Tân Hoa Xã nhận định: "Nếu có nhược điểm nào trong buổi lễ thì đó là bất kỳ sự kiện nào được thực hiện trên một khoảng cách xa như vậy đều phải vật lộn để đảm bảo tính liên tục, và sự khác biệt lớn giữa buổi lễ này với những buổi lễ khác là đoàn diễu hành của các vận động viên đã được hòa lẫn với các màn biểu diễn."
Điều này bắt nguồn từ việc thế vận hội có cấu trúc trình diễn không như tổng thể một lễ khai mạc như các kỳ Olympic trước đây. Các đoàn diễu hành trên sông Seine sẽ trình diễn theo thứ tự tên nước, xen kẽ các phần diễu hành sẽ là các phần trình diễn được rải đều khắp các địa điểm nổi tiếng ở Paris. Đây được xem là một ý tưởng táo bạo khi biến cả Paris trở thành một sân khấu khổng lồ.
Tuy nhiên với điều kiện thời tiết khách quan, sự kết nối giữa các sân khấu chưa trọn vẹn đã khiến tổng thể lễ khai mạc tương đối rời rạc, dàn trải. Bên cạnh đó, sự kết nối và liên kết của nội dung chương trình đã bị không gian tổ chức quá lớn làm bị loãng đi trông thấy. Tất cả các tiết mục dàn trải, không có tiết mục nào được đầu tư đủ mạnh, đủ tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.
Ở phía chủ nhà, Le Monde của Pháp đã viết trong một bài đánh giá tích cực rằng đạo diễn Thomas Jolly "đã thành công trong thử thách nhằm mang đến một chương trình nhập vai tại một thủ đô, nơi đã được chuyển đổi thành một sân khấu khổng lồ". Tờ Le Figaro cũng của nước Pháp cho biết chương trình "tuyệt vời nhưng một số phần thì lại thái quá”, đặc biệt những hình ảnh khiêu khích không cần thiết bao gồm cả việc tái hiện rõ ràng bức tranh Bữa Tiệc Ly của Chúa Jesus và các tông đồ trước một buổi trình diễn thời trang của các drag queen.
Hình ảnh này gây tranh cãi khắp toàn thế giới khi nhiều khán giả đã chỉ ra, cách sắp xếp đội hình và tư thế của các drag queen là khung hình mô phỏng theo tác phẩm Bữa tiệc ly của đại danh họa Leonardo Da Vinci. Đây là một trong những kiệt tác mỹ thuật của nhân loại ra đời vào cuối thế kỉ 15, với đề tài vẽ về bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Jesus cùng các môn đệ của mình trước khi ngài bị phản bội bởi Judas. Đây là một trong những bức ảnh thiêng liêng, được các tín đồ Thiên Chúa Giáo tôn sùng suốt nhiều thế kỷ.
Ngay sau đó, Nhà mạng C Spire đã viết bài tuyên bố: "Chúng tôi rất sốc và đang rút dần quảng cáo khỏi kỳ Olympic này". Các nhãn hàng khác cũng chỉ trích Ban Tổ chức Olympic Paris 2024 khi biến lễ khai mạc trở thành "thảm họa".
Trước làn sóng chỉ trích của khán giả và truyền thông toàn cầu, người phát ngôn của Olympic Paris 2024 đã lên tiếng xin lỗi khán giả. Tại buổi họp báo ngày 28/7, bà Anne Descamps - phát ngôn viên của Thế vận hội - cho biết Ban Tổ chức không có ý thiếu tôn trọng bất kỳ cộng đồng tôn giáo nào. Tuy nhiên, họ muốn gửi lời xin lỗi những người cảm thấy bị tổn thương bởi tiết mục gợi liên tưởng bức tranh The Last Supper (Bữa tối cuối cùng) của danh họa Leonardo da Vinci.
Dù đã lên tiếng xin lỗi và nhận được đa phần các trang báo lớn trên thế giới khen ngợi về sự “độc đáo” trong phong cách trình diễn của thế vận hội, tuy nhiên phản ứng của cư dân mạng lại cho thấy một khía cạnh hoàn toàn khác, nhiều người cho rằng những lời khen từ truyền thông là thành quả của đội ngũ PR "booking" cho Olympic Paris.
Trên các nền tảng MXH, không khó để thấy netizen nhận xét tổng thể của chương trình năm nay rời rạc, buồn chán, quá dàn trải đến mức Bên cạnh đó, nhiều người cũng lập tức đặt lên bàn cân so sánh những lễ khai mạc trước đó, đặc biệt là “huyền thoại” Olympic Bắc Kinh 2008. Khán giả cũng chỉ ra Olympic Athen 2004 cũng mang đến bức tranh tổng thể tuyệt đẹp về nền văn minh Hy Lạp cổ đại, cách nước Anh mang đầy đủ những gì “quốc hồn quốc túy nhất” vào Olympic London 2012 hay sự giản đơn và nhiều triết lý của Olympic Tokyo 2020.