Từ thiện nửa mùa - Có tiếng nhưng là tai tiếng
(Sóng trẻ) - Từ vụ việc từ thiện của hot TikToker Nờ Ô Nô, trong giới trẻ rộ lên 1 thuật ngữ mới mang tên “Từ thiện nửa mùa” và dần trở thành xu hướng trong cộng đồng.
Từ thiện - Đã lựa chọn hãy làm trọn
Từ thiện là một hành động trợ giúp người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống mà tự họ không thể thay đổi được. Tuy nhiên, không ít người lợi dụng từ thiện để khoe mẽ trên mạng xã hội, tạo dựng hình ảnh hay kiếm tương tác, thậm chí là chuộc lợi từ vấn đề này. Hành động ấy được gọi là “từ thiện nửa mùa” - một thuật ngữ mới trong giới trẻ.
Từ ngữ này bắt nguồn từ một video của hot TikToker Phạm Thoại đăng tải trên kênh của mình để nói về vụ việc từ thiện của TikToker Nờ Ô Nô. TikToker Nờ Ô Nô tên thật là Phạm Đức Tuấn, ngụ ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Thời gian qua anh nổi lên vì clip “Người nghèo ăn gì Nờ Ô Nô cho ăn đó” được đăng tải vào ngày 25/11. Trong đoạn clip có những câu nói xúc phạm người già, người nghèo như “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn”, “Giờ hỏi lại có ăn hay không?”.
Từ sau video chỉ trích của hot TikToker Phạm Thoại dành cho Nờ Ô Nô, cụm từ “từ thiện nửa mùa” trở nên nóng hơn với hàng loạt các video reaction và đu trend đến từ cộng đồng mạng. Các video đều nhận được lượng tương tác tốt và những bình luận ủng hộ TikToker Phạm Thoại.
Thực tế, đã có không ít những hành động “từ thiện nửa mùa” đã bị lên án và chỉ trích, điển hình như vụ việc của nghệ sĩ Hoài Linh và hàng loạt nghệ sĩ Việt năm 2021. Những lùm xùm đó khiến cho cư dân mạng luôn đặt những hoài nghi trước những hành động từ thiện của bất kì người nổi tiếng nào. Từ thiện dần trở thành một con dao hai lưỡi, nếu không làm trọn thì đừng nên lựa chọn.
Từ thiện nửa mùa, tai tiếng quanh năm
Sau khi TikToker Nờ Ô Nô đăng tải video gây bão, một làn sóng phẫn nộ và tẩy chay diễn ra trong cộng đồng mạng. Dưới clip, rất nhiều người đã chỉ trích và thậm chí đe dọa anh. Hàng loạt TikToker và người nổi tiếng đồng loạt lên tiếng phản đối hành động phản cảm của chàng trai này.
Đồng thời, cư dân mạng cũng lập danh sách các nhà hàng mà nam TikToker từng hợp tác để tẩy chay. Chỉ 3 ngày sau, kênh @tuanbrice của TikToker Nờ Ô Nô đã bị khóa vĩnh viễn vì đăng tải những nội dung không phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng. Thậm chí anh đã phải lên gặp cơ quan chức năng và bị xử phạt hành chính vào chiều ngày 29/11.
Chị Thủy - một người tích cực hoạt động thiện nguyện tại TP. Hà Nội cũng thể hiện thái độ bức xúc trước hành động của chàng trai trẻ này. Chị chia sẻ: “Khi xem đoạn clip trên của bạn thanh niên kia, tôi không đồng tình với ngôn ngữ bạn ấy nói với cụ bà”.
Chị chia sẻ thêm: “Với tôi, làm từ thiện là xuất phát từ trái tim, của cho không bằng cách cho. Vì thế mỗi khi mang 1 suất cơm hay một hộp cháo đem đến cho những mảnh đời thiếu may mắn trong xã hội, tôi thường nói: “Con biếu cô, bác, chú,…”, còn với những bạn bé nhỏ tuổi thì tôi thường nói : “Cô tặng các con”. Nói như vậy thì người nhận họ cũng đỡ bị tủi thân, họ có xin gì mình đâu mà mình “cho”, đây là mình tự mang đến đưa họ mà”.
Bạn Hiếu Minh - chủ kênh @pipistudi - kênh TikTok về đời sống, giáo dục với 11,6K followers cho rằng: “Định hướng nội dung của TikToker Nờ Ô Nô theo hướng chiêu trò, gây sự chú ý. Đây là một cách mà rất nhiều TikToker khác sử dụng để thu hút người xem, khiến bản thân nổi tiếng. Tuy nhiên đó là điều rất mạo hiểm vì dễ gây phản cảm, tạo tai tiếng xấu. Theo mình, để phát triển bền vững, chúng ta vẫn nên trung thành với những nội dung sạch, ý nghĩa và tích cực”.
Có thể thấy việc từ thiện nửa mùa, từ thiện để kiếm like, câu view chắc chắn không phải một hành động tốt. Nó sẽ gây nên hậu quả “gậy ông đập lưng ông” khiến chính người làm bị chỉ trích, tẩy chay và thậm chí bị xử phạt.