Tục ‘bắt vợ’ biến tướng: Khi nét đẹp văn hoá trở thành vấn nạn
(Sóng trẻ) - Những năm gần đây, tục “bắt vợ” - một trong những mỹ tục truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông đã biến tướng, kéo theo nhiều hệ luỵ làm xấu đi tập tục ngàn đời xưa của dân tộc.
Từ xưa đến nay, tục “bắt vợ” được biết đến như một mỹ tục lâu đời của các dân tộc vùng cao Tây Bắc, thể hiện sự tự do hôn nhân và mưu cầu hạnh phúc của mỗi người.
Theo truyền thống của dân tộc Mông, đôi trai gái phải đang trong quá trình tìm hiểu và khi xét đến yếu tố “môn năng hộ đối”, nhà trai cần đến nhà gái ít nhất hai lần để bàn chuyện cưới hỏi. Sau đó chàng trai sẽ cùng nhóm bạn giả vờ đi “bắt vợ” để hoàn thành hôn sự.
Những “khoảng tối” trong hủ tục vùng cao
Xét về bản chất, tục “bắt vợ” xuất phát từ quan điểm hôn nhân tiến bộ dựa trên cơ sở tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ những luồng văn hóa xấu bên ngoài và sự yếu kém trong nhận thức hôn nhân, ngày nay tục lệ này ít nhiều đã bị thay đổi.
Gần đây trên các trang mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip bắt vợ có phần man rợ của nam thanh niên người Mông mặc sự phản kháng kịch liệt của cô gái. Sự việc xảy ra có sự chứng kiến của người dân xung quanh nhưng không ai can ngăn và chỉ kết thúc khi một cán bộ công an xuất hiện giải cứu bé gái.
Theo PGS. TS Phạm Ngọc Trung, Nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc “bắt vợ” như trên clip là vấn đề biến đổi văn hóa hết sức phức tạp, vậy nên cũng không thể trách những người dân xung quanh không ra tay giúp đỡ. Vì trước khi chưa biến chất đây là tục lệ sinh hoạt văn hóa quen thuộc của người Mông trong thời gian đầu mùa xuân.
Tục “bắt vợ” ngày càng biến tướng so với truyền thống ban đầu bởi có nhiều trường hợp, đôi trai gái không hề quen biết nhau cũng như không đồng ý về chung một nhà. “Bọn em lên đây chơi xong tự nhiên có người kia chạy ra làm vậy. Bố mẹ em có can ngăn nhưng không được nên đi về rồi”, bé gái trong đoạn clip chia sẻ.
Biến tướng của tục bắt vợ đã đẩy nhiều cô gái rơi vào bi kịch hôn nhân không lối thoát, trở thành “người mẹ nhí” mang theo nỗi đau thiếu nữ suốt phần đời còn lại. Thậm chí nhiều đối tượng còn sử dụng hủ tục này để bao che hành vi buôn bán phụ nữ qua biên giới.
Nét đẹp văn hóa biến tướng thành vấn nạn
Trước việc những phong tục tập quán đẹp đẽ của dân tộc ngày càng biến tướng và để lại những hệ lụy tiêu cực, không ít người đã lên tiếng chỉ trích, bài trừ hủ tục “bắt vợ” và mong cơ quan sẽ đưa ra chế tài xử lý những hành vi văn hóa xấu.
Hiện nay, dù ở một số vùng người dân đã tiến bộ hơn về nhận thức, song tục lệ này vẫn còn tồn tại. Khả năng phản kháng của các em gái, thiếu nữ hầu hết yếu ớt, còn chính quyền rất khó xử lý bởi đây được coi là nét văn hóa của dân tộc.
“Trong luật pháp Việt Nam cũng như trong quá trình xây dựng văn hóa làng xã từ lâu đã bỏ qua và không công nhận hủ tục “bắt vợ”. Trong một số lễ hội nhất định, có thể cư dân trong các làng bản sẽ diễn kịch để tái hiện lại nếp sinh hoạt văn hóa xưa, còn trong thực tế cuộc sống, người làm theo hủ tục biến tướng có khả năng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, PGS. TS Phạm Ngọc Trung chia sẻ.
Thực trạng của tục “bắt vợ” cũng đặt ra trách nhiệm đối với chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó tiến tới loại bỏ và cải tiến một số hủ tục, giữ lại nét đẹp văn hóa truyền thống trong khuôn khổ của pháp luật, phù hợp hơn cuộc sống hiện đại.