Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong bảo tồn ký ức văn hóa
(Sóng trẻ) - Chiều ngày 10/11, tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Ký ức nhân văn và trí tuệ nhân tạo - Vai trò công nghệ với bảo tồn ký ức văn hoá”.
Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, buổi tọa đàm thảo luận về quá trình phục dựng bức tranh “Thăng đường nhập thất” hiện đang được triển lãm tại chính hội trường Ngụy Như Kom Tum. Từ đó, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra vai trò cũng như những góc khuất của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc bảo tồn và gìn giữ những hình ảnh, tư liệu lịch sử.
Mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS. Trần Thị An nhận định nhân loại đang tiến rất nhanh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. AI cũng đang can dự vào nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác với khả năng tái tạo hình ảnh một cách chân thực, sống động đến khó tin.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng AI đang được sử dụng và đánh giá quá cao so với khả năng thực tế. Thạc sĩ, nghệ sĩ Triệu Minh Hải, một trong những người trực tiếp tham gia vào quá trình phục dựng bức tranh “Thăng đường nhập thất” khẳng định: “Qua quá trình sử dụng, tôi thấy AI không vạn năng như nhiều người vẫn nói. Đáng buồn nhất là AI không có bất kỳ dữ liệu nào về hội họa Việt Nam. Nó cũng không thể phân biệt được đâu là tranh sơn dầu thật và đâu là ảnh tranh sơn dầu.”
Đồng quan điểm với anh Hải, kỹ sư Viên Hồng Quang cho biết: “Với bức tranh “Thăng đường nhập thất”, chúng tôi chỉ sử dụng AI từ 10-20%, còn lại chủ yếu là dựa vào Photoshop và những tư liệu lịch sử về văn hóa, nghệ thuật mà các nhà nghiên cứu cung cấp. Tôi không phủ nhận nhờ trí tuệ nhân tạo, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều tư liệu và ký ức lịch sử hơn, nhưng nó chỉ là công cụ, không phải thứ quyết định.”
Theo các diễn giả, AI không chỉ đưa ra những thông tin vốn có mà nó còn có thể đưa ra thông tin chúng ta muốn có. Điều này đã đặt ra những thách thức về vấn đề đạo đức của công nghệ trong bối cảnh xã hội hiện nay nói chung và với nghệ thuật nói riêng. Chính vì thế, trong quá trình ứng dụng AI để phục dựng và bảo tồn ký ức văn hóa, chúng ta cần có “cái tâm” với kiến thức lịch sử.
Bàn luận rõ hơn về vấn đề này, thạc sĩ, nghệ sĩ Phạm Trung Hưng cho biết: “Khi phục dựng một ký ức hay tư liệu đã mất với công cụ hỗ trợ là trí tuệ nhân tạo, nhất thiết phải song hành cùng với những nghiên cứu khoa học. Mọi công đoạn đều phải dựa trên những thành quả nghiên cứu xác thực của lịch sử để đảm bảo tính chính xác và đến gần với nguyên mẫu nhất.”
Buổi tọa đàm đã đem đến cho công chúng nhiều kiến thức hữu ích về những ứng dụng của AI trong phục dựng và gìn giữ tư liệu lịch sử. Với sự phát triển nhanh chóng, các diễn giả cũng hy vọng trong tương lai tới, AI có thể khắc phục được những nhược điểm của mình và trở thành công cụ đắc lực của con người trong hành trình bảo tồn văn hóa nhân loại.