Về quê ăn Tết trong đại dịch - Kỳ 1: Gánh nặng mang tên “Tết”
(Sóng trẻ) - Chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết nguyên đán, với những người công nhân, lao động tự do thì đây là thời điểm “tăng ca” nước rút chạy đua với thời gian kiếm thêm từng đồng bạc lẻ để lo Tết.
Thu nhập bấp bênh
Trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, một số ngành nghề đã hoạt động trở lại nhưng vẫn còn rất nhiều những người công nhân, lao động tự do vẫn chao đảo trước làn sóng của dịch COVID-19 trong khi dịp Tết Nhâm Dần đã cận kề.
Chị Phạm Thị Chinh (36 tuổi, Lạng Sơn) hiện đang làm việc ở Công ty Giày da Sao Vàng tại Hải Phòng đến nay đã được 6 năm. Công việc hằng ngày của chị chủ yếu xoay quanh sản xuất lót và đế giày. Nhưng kể từ khi COVID - 19 xuất hiện thì công việc dần bị cắt giảm gây ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập. Cho tới khi phải thực hiện việc nghỉ luân phiên ở nhà bởi dãn cách xã hội, chỉ khi có ca đi làm mới được đi thậm chí có những lúc phải nghỉ không lương là chuyện thường. Với chị, Tết năm nay vẫn còn xa lắm.
“Lương của công nhân chúng tôi cũng không cao lắm. Chỉ đủ chi tiêu trong gia đình, nuôi hai con cái ăn học, tiền ăn uống hàng tháng, tiền nhà, tiền điện nước sinh hoạt. Nếu mà tăng ca đều thì cũng dư ra một chút ít còn nếu không tăng ca thì cũng chỉ đủ chi tiêu quay vòng trong một tháng.”, chị Chinh chia sẻ thêm với PV.
Trong khi đó, chị Trần Lan Phương (31 tuổi, Hạ Long) - một tiểu thương buôn bán tự do cũng cảm thấy khá mù mịt khi nhắc tới việc sắm sửa Tết năm nay.
“Quả thực, COVID - 19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của tất cả mọi người trong đó có cả tôi. Bản thân là kinh doanh tự do nên phần lớn thu nhập của tôi là từ việc buôn bán cho khách du lịch tới Hạ Long tham quan là chủ yếu nhưng từ khi dịch bệnh thì hầu như công việc của tôi phải dừng lại hoàn toàn dẫn tới thu nhập không ổn định nên cuộc sống hay chi tiêu phải dè dặt hơn rất nhiều”, chị Phương tâm sự, đợt dịch vừa rồi khó khăn, giãn cách phải ở nhà suốt không có việc, chút tiền dành dụm cũng tiêu hết sạch.
Chạy đua để có “bánh chưng, con gà”
Những người lao động tự do như xe ôm truyền thống, người bán vé số, buôn bán cũng như những người công nhân làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp... trong những tháng cuối năm đều không dám nghĩ đến Tết vì tiền kiếm được chỉ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng, đủ ăn 3 bữa mỗi ngày, có người còn không có việc làm và chấp nhận “không có Tết”.
Mặc dù Tết chỉ hơn chục ngày nữa là tới nhưng phải sống xa nhà với vô vàn vất vả chị Chinh nói rằng hiện chị cũng chưa chuẩn bị gì nhiều. Thường mọi năm về quê ăn Tết với gia đình thì cũng cho bọn trẻ đi sắm tết, mua đào mua quất đấy còn năm nay có lẽ phải ở lại Hải Phòng bởi tình hình dịch tại đây đang rất phức tạp nên bố mẹ chị sẽ gửi bánh chưng, gà xuống để ăn Tết.
“Về phía công ty, hầu hết các anh chị em công nhân chúng tôi mọi năm đều được hưởng tiền thưởng Tết cùng một gói quà gồm có mì chính, hạt nêm, dầu ăn, bánh kẹo,....Còn năm nay vì dịch bệnh khó khăn nên chưa thấy công ty thông báo sẽ thưởng Tết như thế nào cả”, chị Chinh bày tỏ.
Còn với chị Phương,người phụ nữ không giấu được sự ngậm ngùi : “Ai chẳng muốn về quê đón Tết cùng gia đình người thân chứ nhưng điều kiện, hoàn cảnh không cho phép thì phải chịu chứ sao. Nhớ nhà thì đành phải gọi điện hỏi thăm thôi vì một phần do tình hình dịch bệnh hiện còn rất phức tạp không thuận tiện cho việc di chuyển nơi này nơi kia, phần là do tình hình kinh tế năm nay khó khăn, thu nhập không ổn định nên không dành dụm được gì nhiều nên năm nay tôi quyết định ở lại xóm trọ đón Tết cùng với một vài anh chị em khác cũng không về quê. Thôi thì năm nay không về được thì cố gắng kiếm tiền để dành năm sau về vậy, anh chị em chúng tôi đều động viên nói với nhau như vậy.”
Hàng năm, lượng người từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM về quê có thể lên tới hàng triệu. Theo Tổng cục Thống kê chỉ tính riêng lượng người về quê trong đợt dịch thứ tư vừa qua đã khoảng 2,2 triệu, trong đó khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TP HCM; 600.000 người trở về từ các tỉnh thành phía Nam và hơn 676.000 người từ các địa phương khác.
Tết với là quãng thời gian để nghỉ ngơi, để trở về với gia đình, cùng nhau quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Thế nhưng, năm nay, Tết vớicủa những người lao động tự do, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn giờ đây đang là gánh nặng xoay quanh “cơm áo gạo tiền”, có những người sẵn sàng làm xuyên Tết chỉ để đủ ăn hằng ngày.