Xóa miễn học phí có xóa bỏ hiện trạng “chuột chạy cùng sào, mới vào sư phạm”?
(Sóng trẻ) - Cùng có chính sách miễn học phí, song, nếu các khối trường công an, quân đội luôn được sĩ tử ưu ái thì nhiều năm trở lại đây, ngành sư phạm lại có những mùa tuyển sinh “thất bát”, với những kỷ lục không mong muốn.
Dù miễn học phí, khối ngành sư phạm vẫn kém thu hút
Bộ GD&ĐT đã đề xuất bỏ chính sách miễn học phí sư phạm, thay bằng chính sách cấp học bổng, cho “vay tín dụng”. Cụ thể, nếu trong 2 năm sau khi ra trường, sinh viên không công tác trong ngành sư phạm sẽ phải hoàn trả lại số tiền học phí đã miễn. Sinh viên ra trường có làm đúng ngành, tuy nhiên thời gian công tác không đủ 5 năm cũng phải hoàn trả lại khoản “vay tín dụng”.
Sau khi thông tin công bố, nhiều người đã ủng hộ bởi “chỉ cần chất lượng đào tạo nâng cao, việc làm cho sinh viên được đảm bảo thì chuyện đóng học phí cũng không làm giảm động lực cho các em lựa chọn, theo học”.
Tại các khối trường công an, quân đội, dù luôn có tỉ lệ chọi ngất ngưởng, với nhiều yêu cầu khắt khe nhưng vẫn trở thành điểm đến mơ ước của đông đảo sĩ tử. Điểm khác biệt giữa mức độ thu hút của khối trường công an, quân đội và các trường sư phạm dù cùng được miễn học phí chính là sự đảm bảo “đầu ra” cho sinh viên, mức lương và chế độ đãi ngộ. Học sinh nếu đã trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát Nhân dân, hay Học viện An ninh, đều sẽ yên tâm về “chỗ” công tác ngay sau khi tốt nghiệp theo đúng chỉ tiêu, chính sách của nhà nước. Ngược lại, nhiều bạn sinh viên cầm bằng giỏi từ Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn phải “trầy mình” đi làm trái ngành, từ bỏ giấc mơ giảng đường.
Miễn học phí sư phạm vẫn chưa đủ yếu tố thu hút sinh viên
Miễn học phí còn phù hợp?
Sau hơn 20 năm triển khai chính sách miễn học phí, phần lớn các trường sư phạm đều than thở bởi ngân sách bù lỗ của nhà nước không đủ, rất khó để đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới giáo dục, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, khó phát triển chuyên môn.
Năm 2017, điểm tuyển sinh vào một số trường sư phạm thấp kỉ lục với con số chỉ từ 9-15 điểm. Tuyển sinh tràn lan, sinh viên chất lượng thấp nhưng vẫn chọn nghề bởi không phải đóng học phí đã đặt ra câu hỏi “thầy yếu liệu trò có giỏi?”
Thầy Nguyễn Quốc Huy (giảng viên Đại học Sư Phạm Hà Nội) tỏ ra đồng tình với việc bỏ miễn học phí và cho rằng “sinh viên nên có tín dụng sư phạm, sau này làm đúng ngành nghề thì miễn, không thì sẽ truy hồi”
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, miễn học phí không chỉ gây bất công cho những ngành học khác mà còn làm giảm chất lượng đào tạo. Thực tế, có không ít những bạn không hề yêu thích công tác giảng đường nhưng vẫn lựa chọn bởi được miễn học phí, chỉ cần có một tấm bằng đại học trên tay.
Khảo sát sinh viên sư phạm về đề xuất này, những ý kiến không ủng hộ vì lý do sẽ có nhiều bạn hoàn cảnh khó khăn không thể theo học. Song, mục đích chính của các trường sư phạm là đào tạo ra đội ngũ giáo viên thực lực, là ngành nghề có tính quyết định đối với sự phát triển của đất nước chứ không phải là nơi cấp bằng đại học miễn phí.
N.T.H.My (Đại học Sư phạm Hà Nội): “Nhiều giảng viên cho rằng miễn học phí là một trong những nguyên nhân khiến chúng mình chểnh mảng, coi thường học tập, không nghiêm túc nghiên cứu. Bây giờ chất lượng cuộc sống đã tốt hơn, vấn đề chúng mình lo lắng là không có việc làm chứ không phải việc đóng học phí”.
Chỉ cần đảm bảo được đầu ra, sinh viên sư phạm sẽ không ngần ngại đóng học phí đến trường
Bỏ miễn học phí chưa phải giải pháp tối ưu
Để cải thiện chất lượng sinh viên, bỏ miễn học phí chưa là giải pháp tối ưu. Quan trọng nhất, cần đảm bảo “đầu ra”, nâng cao mức sống cho giáo viên, có các chế độ đãi ngộ phù hợp, thu hút nhân tài và thắt chặt chỉ tiêu tuyển sinh, để cung tương ứng với cầu.
Hiện nay cả nước có đến 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Hầu như tại địa phương nào cũng có cơ sở đào tạo sư phạm, chất lượng đào tạo không đồng nhất, sinh viên thiếu nên các trường thường hạ điểm chuẩn để “chèo kéo”. Vì vậy, cần quy hoạch lại các khối trường sư phạm, địa phương nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn nên mạnh dạn cắt bỏ, tránh “lấy ung bù thiếu”.
Hiện trạng “chuột chạy cùng sào, mới vào sư phạm” sẽ không còn nếu “đầu ra” cho sinh viên được ổn định, nâng cao, cho dù được miễn học phí hay không./
Nữ Huyền
Cùng chuyên mục
Bình luận