[Infographic] Cần làm gì khi xảy ra cháy ?
(Sóng trẻ) - Gần trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trong đó có những vụ cháy kinh hoàng, để lại nỗi ám ảnh, đau xót, mất mát khôn nguôi. Vậy khi có hỏa hoạn, mọi người cần xử lý như thế nào?
Phải luôn đề cao cảnh giác, chấp hành nội quy phòng cháy chữa cháy
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ hỏa hoạn đau thương là do không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình hàn xì, sửa chữa, xây dựng, cải tạo nhà cửa, cơ sở kinh doanh...
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy khuyến cáo, người dân, người quản lý lao động, thợ hàn và chủ các cơ sở kinh doanh... luôn cần đề cao cảnh giác và đặc biệt phải chấp hành nội quy phòng cháy chữa cháy.
Trong quá trình hàn cắt kim loại phải che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt. Không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, phải có biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy và phương án xử lý cháy, nổ.
Phải có người có mặt thường xuyên trong suốt quá trình hàn cắt, đồng thời kiểm tra thật kỹ trước khi kết thúc việc hàn cắt.
Trong nhà luôn phải trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy cần thiết như bình chữa cháy, thang dây, mặt nạ khí,...
Khi xây dựng và cải tạo nhà ở nói chung và nhà phố, nhà ống nói riêng cần hết sức lưu ý phải có tối thiểu 2 lối thoát nạn.
Một lối thoát nạn ra mặt trước ngôi nhà (cửa chính). Còn lối thoát nạn thứ hai có thể là qua bancông, qua nhà hàng xóm, lên sân thượng, qua mái, công trình lân cận.
Trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, người dân cũng phải sắp xếp hàng hóa đồ đạc trong nhà gọn gàng, đảm bảo không cản trở cầu thang, lối thoát nạn ra cửa đề phòng khi xảy ra hỏa hoạn.
Trong tình huống phòng, hành lang, cầu thang ngập khói do cháy, người dân nên nhanh chóng dùng khăn ướt bịt mũi, men sát tường, cúi thấp trọng tâm để di chuyển ra hướng cửa thoát nạn.