“Ngọc xanh” Tràng Cát: Càng cuối năm, càng bận lại càng vui

(Sóng trẻ) - Cứ vào tháng 12 âm lịch, người dân làng Tràng Cát lại tấp nập ra đồng gặt lá dong, chuẩn bị phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán cho người dân khắp cả nước. Nhiều hộ dân thu về hàng chục triệu đồng nhờ nghề truyền thống này.

Thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng lá dong. Người dân ở đây cho biết, lá dong là ngành nghề truyền thống có từ thời thành lập làng đến nay (Theo gia phả làng Tràng Cát là từ thế kỉ XVI-XVII). Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, thương lái trên khắp cả nước lại đổ về đây thu mua lá dong với số lượng lớn để phân phối đến các chợ nhỏ hơn. 

Năm nay, lá dong bán chạy hơn các năm trước vì không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19. Do đó, việc buôn bán, vận chuyển diễn ra thuận lợi hơn. Lá dong làng Tràng Cát không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân khu vực nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận mà còn được vận chuyển vào các tỉnh phía nam, thậm chí xuất đi nước ngoài. Vài năm gần đây, lá dong được xuất khẩu tới các nước như Đài Loan, Trung Quốc, Anh, Mỹ,... để phục vụ bà con Việt kiều đón tết. 

Ông Nguyễn Đức Tâm, một người dân trồng lá dong lâu năm cho biết, chỉ tính trong giai đoạn giáp Tết, gia đình ông thu về khoảng 6 vạn lá với 4 sào. Được biết, khách lẻ đến làng mua lá dong không nhiều, mà phần lớn là thương lái về tận làng để đặt hàng trước. Nhiều gia đình tất bật ra đồng gặt lá, những hộ không đủ người làm sẽ phải thuê thêm nhân công để kịp công việc với giá 400.000 đồng/người/ngày. Đến làng vào thời điểm cận Tết, sân nhà nào cũng xếp chồng lá dong, người thì rửa lá, người xếp lá, người lại ra đồng cắt lá.

slide2.PNG
Từ tháng 12 âm lịch, thôn Tràng Cát bắt đầu nhộn nhịp. Người dân tấp nập cắt lá dong phục vụ thị trường Tết. (Ảnh: Thanh Hà)

Lá dong được chia ra thành 2 loại: lá dong loại 1 có chiều dài khoảng 60cm có giá bán dao động từ 100.000-140.000 đồng/100 lá, lá dong loại 2 dài khoảng 40-50cm có giá bán dao động từ 50.000-70.000 đồng/100 lá. Việc trồng, thu hoạch lá dong đỡ vất vả hơn so với làm nông nghiệp như trồng lúa, trồng rau; đồng thời, thu nhập từ cây lá dong cũng cao hơn. Vào dịp Tết, nhiều gia đình có khả năng thu về 60-80 triệu đồng. 

Đây là loại cây trồng một lần nhưng lại có thể thu hoạch nhiều năm. Cứ sau mỗi lần cắt, người dân lại chăm bón để cây tiếp tục cho lá. Lá dong không chỉ phục vụ dịp Tết Nguyên đán mà còn được thu hoạch vào các tháng khác trong năm, mặt khác việc chăm sóc cho loại cây này cũng không có gì quá khó khăn. Để bảo quản lá dong, bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Sau khi rửa nước, xếp lá thành từng bó, muốn giữ lá dong tươi lâu cần phủ lá chuối hoặc bạt lên trên, sau đó tiếp tục tưới nước hằng ngày để giữ độ ẩm cho lá”. 

slide10.PNG
Lá dong được xếp thành từng bó và buộc cẩn thận sau khi rửa với nước. (Ảnh: Thanh Hà)

Khác với lá dong rừng, lá dong làng Tràng Cát là loại lá dong quê, được ưa chuộng bởi tàu lá dẻo. Lá dong nơi đây thường được dùng để gói bánh chưng, khi luộc lên sẽ cho màu xanh vô cùng đẹp mắt cùng hương vị đặc trưng. Theo bà Hoa, lá dong đạt tiêu chuẩn phần lớn là nhờ đất, đất càng chắc thì lá càng đẹp, ngoài ra còn phụ thuộc vào công chăm bón. Người dân trong làng cũng đầu tư hệ thống tưới tiêu hiện đại, hàng tháng đều phải ra vườn làm cỏ, bón phân. 

Được biết những năm qua, tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ cạnh sông Đáy, nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây ăn quả như cam, bưởi,... để có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, chỉ được một vài năm, cây cam dần thoái hóa và cho năng suất thấp, vì vậy, người dân trong vùng vẫn tiếp tục trồng lá dong để cho thu nhập ổn định, kết hợp trồng thêm ổi, mít, chuối,...

slide6.PNG
Người dân kết hợp trồng lá dong và nhiều loại cây ăn quả để có thu nhập ổn định. (Ảnh: Thanh Hà)

Làng Tràng Cát càng trở nên bận rộn và náo nhiệt hơn vào dịp cận Tết, xe cộ tấp nập đi lại để chở lá đi muôn nơi. Trước Tết, niềm vui của người dân nơi đây là bán được nhiều lá để phục vụ người dân cả nước, đồng thời cũng có thêm một khoản tiền chi tiêu cho gia đình dịp cuối năm. Lá dong Tràng Cát nổi tiếng đã lâu, người dân nơi đây vẫn luôn mong giữ được nét đẹp của một làng nghề truyền thống giữa thủ đô Hà Nội, cũng là giữ “linh hồn” cho ngày Tết quê hương. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN