Girlhood: Cuốn nhật ký chứa đựng tâm tư của các thiếu nữ khắp thế giới
(Sóng trẻ) - Cuốn sách "Girlhood" của tác giả Masuma Ahuja hiện đang thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người, đặc biệt là phái nữ.
Ra mắt vào tuần trước, cuốn "Girlhood" do nữ tác giả Masuma Ahuja thực hiện nhanh chóng được công chúng đón nhận. Đây là một cuốn sách đặc biệt, tổng hợp những trang nhật ký của 30 thiếu nữ tuổi teen ở 27 quốc gia trên thế giới.
Lý giải về mục đích thực hiện cuốn sách này, tác giả Masuma Ahuja cho biết: "Mọi người thường biết rất ít về cuộc sống thường nhật của các cô gái, cũng như hình ảnh về đời sống dưới con mắt họ. Tôi muốn tạo ra một thứ gì đó tựa như một bức chân dung thu nhỏ, có thể phản ánh những câu chuyện về các thiếu nữ sống tại những nơi khác nhau. Một thứ mà họ có thể cầm, xem và cảm nhận".
"Girlhood" tập hợp những trang nhật ký của nhiều cô gái thuộc các độ tuổi khác nhau, ở trong những điều kiện sống, môi trường và hoàn cảnh không giống nhau. Mỗi người lại có một có một cách nhìn riêng về cuộc sống, một ước mơ riêng cho bản thân.
Trong trang nhật ký của Merisena, 13 tuổi, sống tại khu vực xảy ra bạo động liên miên tại Haiti, em chia sẻ: "Mỗi khi có chuyện xảy ra, mình lại tự hỏi sao nhà mình không thể sống ở một đất nước khác, sao gia đình mình chẳng có tiền, nhất là những lúc chúng mình đói khát, và bạo động vẫn diễn ra". Mặc dù cuộc sống gặp khó khăn, song Merisena vẫn luôn cố gắng hết mình, với ước mơ trở thành một nữ y tá.
Một cô gái khác, Emilly, sống tại São Paulo, Brazil. Mới 19 tuổi nhưng Emilly đã phải làm mẹ. Cô viết trong trang nhật ký: "Mình không có tiền để học đại học, để trở thành người phụ nữ mà mình hằng mong ước, nhưng mình vẫn giữ vững niềm tin và lòng quyết tâm".
Halima, 17 tuổi lại bày tỏ sự lo ngại về thân phận người phụ nữ ở Afghanistan: "Mình muốn được độc lập và cùng với mọi người dựng xây đất nước. Nữ giới chúng mình sẽ còn là nạn nhân của xã hội truyền thống trong bao lâu nữa đây? Phụ nữ không chỉ có ở nhà và làm nội trợ, họ có đủ năng lực và khả năng làm việc cũng như có thể độc lập về tài chính".
Tác giả Ahuja đã liên hệ với các cô gái thông qua bạn bè, một số tổ chức cũng như trường học. Toàn bộ những trang nhật ký trên đều được thu thập vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 hoành hành.
"Nữ giới thường là những người quan tâm tới các luật lệ, chính sách, nhưng họ hiếm khi được quyền tham gia thảo luận và quyết định. Ngoài kia còn biết bao cô gái phải sống trong cảnh nghèo đói, phải làm việc nhà cật lực, và bị buộc phải nghỉ học? Rõ ràng những điều này đều chỉ ra rằng những người đưa ra các luật lệ, chính sách là những người đàn ông có quyền lực, và họ chẳng có liên hệ gì tới đời sống của các cô gái cả. Chính từ điều đó, chúng ta phải thay đổi để phái nữ cũng có quyền quyết định" - nữ tác giả khẳng định.
Nguồn: The Guardian