“Thái độ nghiêm túc với công việc sẽ quyết định phần nhiều chất lượng tác phẩm báo chí"

(Sóng trẻ) - Đó là những chia sẻ của phóng viên Đoàn Bổng - báo VietNamNet khi nhìn lại hành trình tác nghiệp ở tâm dịch Bạch Mai đến thành công của giải Báo chí Quốc gia đầu tay.

Trên tổng số 112 tác phẩm được trao giải tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV, loạt 5 bài viết “14 ngày không thể quên ở ‘tâm dịch’ Bạch Mai” của nhóm tác giả Nguyễn Đình Đoàn Bổng - báo VietNamNet đã xuất sắc giành giải C hạng mục Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử). 

245999376_1715846855291444_6247851606906746046_n.jpg
Phóng viên Nguyễn Đình Đoàn Bổng tại Lễ trao giải Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020.

Mới đây, BBT Sóng Trẻ News đã có buổi trò chuyện với anh Nguyễn Đình Đoàn Bổng - cựu sinh viên lớp Báo mạng điện tử K32 khoa Phát thanh - Truyền hình, để lắng nghe những câu chuyện nghề rất đời phía sau “14 ngày không thể quên ở ‘tâm dịch’ Bạch Mai”.

Đầu tiên, thay mặt Trang tin điện tử Sóng Trẻ, xin chúc mừng anh với những thành tích xuất sắc tại giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV. Thành công với giải Báo chí quốc gia đầu tay - giải thưởng lớn đối với những người làm báo, cảm xúc của anh lúc này thế nào?

Giải báo chí Quốc gia là mục tiêu của tôi từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường Học viện Báo chí. Khi nhận tin tác phẩm của mình được giải lúc đó cảm xúc rất vui và hạnh phúc. Niềm hạnh phúc như nhân lên khi sản phẩm đoạt giải là những ngày không thể quên khi tác nghiệp ở vùng tâm dịch Covid-19.

Trong một bài phỏng vấn với Báo Công luận, anh đã chia sẻ “đã lấy hết can đảm vào Bạch Mai thì sản phẩm phải tương xứng”. Rõ ràng, anh đã đặt kỳ vọng và tâm huyết vào tác phẩm rất nhiều. Vậy khách quan đánh giá, thành công trong Giải báo chí quốc gia có phải là sự tương xứng mà anh đã nhắc đến? 

Tôi vẫn luôn làm việc với suy nghĩ phải hoàn thiện tốt nhất sản phẩm của mình. Việc dù nhỏ hay lớn thì thái độ nghiêm túc với công việc sẽ quyết định phần nhiều đến chất lượng tác phẩm báo chí. Với tuyến bài 14 ngày ở tâm dịch Bệnh viện Bạch Mai cũng vậy, tôi dồn nhiều tâm huyết để hoàn thiện tác phẩm. Còn việc tác phẩm đoạt giải tôi cho rằng đó là chút thành quả, sự ghi nhận, động viên cho những cố gắng đã cống hiến với nghề.

Theo dõi facebook cá nhân, được biết khi được hỏi về việc vào Bạch Mai tác nghiệp anh đã xin 5 phút để suy nghĩ rồi quyết định đi vào tâm dịch ở thời điểm đó. Điều gì khiến anh do dự? 

Thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 2020 dịch Covid-19 diễn biến ở mức độ rất đáng lo ngại. Toàn quốc lần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội. Cả nước thời điểm này dồn nhiều sự chú ý đến bệnh viện Bạch Mai – bệnh viện tuyến cuối của cả nước. Thời điểm trên, hầu hết mọi người đều rất lo ngại nếu có yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh viện Bạch Mai, ai nấy đều lo sợ khi đến gần, thậm chí là đi ngang qua cổng bệnh viện… Tôi cũng không ngoại lệ, với lo lắng khi dịch bệnh nguy hiểm tôi có chút do dự, và như một tâm lý bình thường, tôi định thần và cho mình chút thời gian để cân nhắc các phương án trước khi quyết định vào Bạch Mai. 5 phút tuy ngắn nhưng tôi nghĩ là cần thiết để có một sự chuẩn bị cho bản thân tinh thần tốt nhất và để tham vấn ý kiến của người bạn đời của mình.

db.jpg
Trên mọi bước đường thành công là sự đồng hành của gia đình - Gia đình nhỏ đã có mặt tại Lễ trao giải để cùng nhau chia sẻ niềm vui với Giải Báo chí đầu tay của Phóng viên Đoàn Bổng

Phải chăng có điều gì thôi thúc anh quyết định lên đường thực hiện nhiệm vụ? 

Gạt qua những lo sợ, với một người làm báo, tôi xác định việc vào Bạch Mai tác nghiệp sẽ không lặp lại hai lần, lịch sử sẽ không lặp lại nên quyết định vào tác nghiệp có chút gì đó phiêu lưu, một chút gì đó mạo hiểm nhưng lại đầy cuốn hút. Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc khoác ba lô đứng trước cổng bệnh viện, cảm giác rất đặc biệt khi nghĩ về những ngày sắp tới sẽ sống cùng bệnh viện. Rồi khi đặt chân vào Bệnh viện, mọi suy nghĩ lo lắng biến mất, điều tôi lo nhất là làm sao để khai thác được nhiều thông tin, cho ra nhiều sản phẩm chất lượng.

Hoạt động báo chí thời COVID, nhiều nhà báo thay vì lao vào tác nghiệp ở tâm dịch thì họ chọn cách an toàn hơn, bằng hình thức phỏng vấn từ xa song anh lại lựa chọn tác nghiệp trực tiếp. Không chỉ có tuyến bài ở Bạch Mai mà đã có nhiều tác phẩm khác được ghi nhận và sản xuất ngay tại hiện trường. Tại sao anh lại lựa chọn cách làm “tiềm ẩn nhiều nguy hiểm”?

Việc tác nghiệp từ xa được ưu tiên sử dụng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, để có một tác phẩm báo chí trọn vẹn thì việc người viết có mặt trực tiếp tại sự kiện, tại hiện trường đóng vai trò quyết định. Ở đó bản thân người viết có góc nhìn riêng của mình, cảm nhận bằng các giác quan thay vì nghe kể lại từ một người khác. Những câu chuyện từ thực tế sẽ giúp cho ngòi bút mềm mại hơn, sinh động hơn và mang đến cho độc giả những câu chuyện chân thực nhất.

Trong “14 ngày không thể quên ở ‘tâm dịch’ Bạch Mai” anh đã gọi những ngày cách ly của gần 3.500 nhân viên  y tế, bệnh nhân và người thân vào chăm nom là “những ngày không dễ dàng”. Vậy với anh thì sao? Anh có thể chia sẻ về những khó khăn của mình trong thời gian tác nghiệp ở Bạch Mai? Anh đã khắc phục và vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Nói về khó khăn, bản thân tôi không phải theo dõi mảng y tế, nên quá trình tác nghiệp có nhiều tình huống hay các kiến thức chuyên ngành tôi còn lúng túng và tra cứu thêm.

Những ngày ở Bạch Mai, thật sự tôi đã nhận được sự giúp đỡ tối đa của các bác sĩ và nhân viên bệnh viện. Tôi nhớ có một bác sĩ nói với tôi rằng “đã vào đây rồi thì chúng tôi xem cậu như người nhà” và nếu cần hỗ trợ gì thì các bác sĩ sẵn sàng hỗ trợ. Sự quan tâm của các bác sĩ đơn giản là việc tặng tôi vài chiếc khẩu trang N95 và hướng dẫn cách sử dụng hiệu quả, là những buổi chiều về tập thể thao cùng nhân viên bệnh viện… Nói vậy để thấy, quá trình tác nghiệp ở đây, tình cảm của bệnh viện đã giúp tôi quên đi những mệt nhọc, gác lại những tâm tư để tập trung làm việc.

Nếu ví những ngày tác nghiệp ở Bạch Mai là một thước phim thì trong thước phim ấy, phân cảnh nào để lại ở anh nhiều ấn tượng nhất và cảm xúc nhất? 

Đó là buổi lễ sinh nhật của cô gái 18 tuổi tại khoa hồi sức tích cực, các bác sĩ để động viên bệnh nhân đã làm lễ sinh nhật nhỏ tại bệnh viện với nến, bánh kem và hoa. Cô gái bước sang tuổi 18 khiến tôi xúc động khi dành điều ước tuổi 18 của mình để mong cho mọi người luôn khỏe mạnh.

14-ngay-khong-the-quen-o-tam-dich-bach-mai-9.jpg
Sinh nhật tuổi 18 của cô gái Huyền My tại khoa Hồi sức tích cực. (Nguồn: "14 ngày không thể quên ở 'tâm dịch' Bạch Mai - VietNamNet)

Với người làm báo, mỗi lần tác nghiệp là thêm một lần trải nghiệm. Tin chắc là những năm tháng học tập ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng những hoạt động tích cực ở trang tin Sóng Trẻ News đã mang đến cho anh nhiều trải nghiệm đáng giá. Anh có nghĩ rằng quãng thời gian đó, những hoạt động ngoại khó đó cho anh có thêm kinh nghiệm, tự tin hơn khi tác nghiệp, sản xuất?

Tác phẩm báo chí đầu tay của tôi được đăng trên trang tin Sóng trẻ. Sóng trẻ tạo được môi trường sinh hoạt nghiệp vụ giúp những năm tháng sinh viên của tôi thêm sôi động và nhiều kỉ niệm. Những bài học từ những lần tác nghiệp ở Sóng trẻ, những động viên của thầy, cô và các anh chị đã giúp tôi dần hoàn thiện bản thân, để khi ra trường, bước vào môi trường tòa soạn báo chuyên nghiệp thì tôi bước qua được những bỡ ngỡ ban đầu để nhập cuộc chủ động hơn.

Cuối cùng, xin chúc lửa nghề trong anh mãi sáng, hy vọng anh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong công việc và cuộc sống. Cảm ơn anh về những chia sẻ!

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN