“Xanh hóa” với giao thông thân thiện với môi trường
(Sóng trẻ) - Việc không ít người chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường đã góp một phần quan trọng trong việc giảm thiểu các vấn đề môi trường hiện tại.
Giảm phát thải khí nhà kính là một vấn đề nóng liên tục được nhắc đến trong vài năm trở lại đây. Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng khí nhà kính bị phát thải có xu hướng tăng trong giai đoạn 2014 - 2030. Khi những cảnh báo về khí nhà kính đã đến mức trầm trọng và con người có ý thức rõ ràng hơn về ảnh hưởng của nó đối với môi trường, xu hướng lựa chọn phương tiện giao thông xanh xuất hiện như một giải pháp tất yếu nhằm “cứu nguy” cho môi trường.
Thân thiện với người dùng
Theo công bố của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2023, hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt của Hà Nội ghi nhận đã vận chuyển hơn 417,2 triệu lượt khách, đạt 96,4% so với kế hoạch và tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Một trong những lý do khiến nhiều người chọn di chuyển bằng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường là tính tiện lợi và an toàn của nó. Một ví dụ điển hình là xu hướng di chuyển bằng tàu điện trên cao. Nhiều người lựa chọn sử dụng phương tiện này với mong muốn không phải đối mặt những tình huống tắc nghẽn giao thông - một vấn đề nổi cộm ở các thành phố lớn. Ngoài ra, các phương tiện này cũng được trang bị hệ thống camera chất lượng và các công cụ cứu hộ khẩn cấp, mang lại cảm giác an toàn cho hành khách.
Là hành khách quen thuộc của tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông, bà Nguyễn Thị Trinh (65 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: “Giao thông bây giờ phức tạp và nguy hiểm nhất là vào tan tầm nên tôi hay lựa chọn di chuyển tàu điện. Thêm vào đó, con tôi cũng muốn mẹ đi tàu điện cho an toàn”.
Với hệ thống phương tiện công cộng phủ rộng và sự phát triển của công nghệ, người dân không gặp quá nhiều khó khăn để tiếp cận và sử dụng chúng. Mỗi người hoàn toàn có thể dễ dàng tự tra cứu để biết trước lịch trình, tuyến đường và thời gian chờ đợi các phương tiện, từ đó sắp xếp thời gian một cách hiệu quả hơn.
Cũng sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường để đi học và về nhà, sinh viên Lã Thanh Tùng (21 tuổi, Hà Nội) bộc lộ: “Việc sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt khá tiện ích cho mình trong việc di chuyển bởi trong thời đại phát triển của công nghệ, mình chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể dễ dàng tra cứu lộ trình và tối ưu thời gian di chuyển”.
Bên cạnh đó, thực tế phương tiện giao thông xanh ngày càng được ưa chuộng còn bắt nguồn từ chính nhận thức của nhiều cá nhân, tổ chức về tầm quan trọng của việc phát huy tác động tích cực của giao thông xanh đối với môi trường.
Ngày 6/3/2023, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng đã công bố thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM, hay còn được biết đến rộng rãi hơn với cái tên Xanh SM. Dịch vụ của Xanh SM vận hành hoàn toàn bằng ô tô điện, xe máy điện, là thế hệ phương tiện không mùi xăng dầu, không tiếng ồn động cơ, tốt cho sức khỏe người dùng và thân thiện với môi trường. Đây là minh chứng cho thấy các nhà cung cấp dịch vụ giao thông đang nỗ lực lan tỏa những giá trị của loại hình giao thông này.
Thường xuyên đặt những chuyến xe của Xanh SM để đến cơ quan, anh Trần Minh Quân (26 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) giải thích lý do lựa chọn loại hình giao thông này: “Ban đầu, tôi thấy đây là một dịch vụ mới nên muốn thử trải nghiệm, thấy thái độ phục vụ của nhân viên Xanh SM cũng rất chu đáo. Sau đó, tôi tìm hiểu nhiều hơn về dịch vụ này và biết được những lợi ích của nó đối với môi trường, nên rất yên tâm khi sử dụng”.
Anh Quân cho biết sẽ tiếp tục sử dụng Xanh SM trong tương lai và khẳng định việc sử dụng xe điện chính là một phương thức để giảm thiểu lượng C02 và tạo ra một “bầu khí quyển” xanh, sạch, đẹp cho cộng đồng.
Tín hiệu tốt từ xu hướng “xanh hóa”
Sự phát triển theo chiều hướng tích cực của hệ thống giao thông xanh đã góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân, khiến họ lựa chọn các phương tiện thân thiện với môi trường cho từng chặng đường.
Trong thời gian đầu khi mới lên Hà Nội để theo học đại học, Lan Hương (21 tuổi, Bắc Giang) còn khá ngại ngần khi chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển từ nhà trọ đến trường học bởi chứng say xe và một số nỗi sợ như tình trạng chen chúc, trộm cắp, “động chạm” trên phương tiện này.
“Thời gian đầu mình khá ngần ngại khi đi xe buýt bởi những trải nghiệm và thông tin xung quanh mình đều không tích cực mấy. Tuy nhiên sau khi làm quen và biết cách tận dụng những ưu điểm của phương tiện này, mình dần ưa chuộng sử dụng xe buýt bởi tính tiện lợi của nó. Đặc biệt, mình còn nắm được thêm các thông tin về xe buýt văn minh trên báo chí, truyền hình, chẳng hạn như việc nó giúp cải thiện các vấn đề môi trường”, Lan Hương chia sẻ lý do sẽ tiếp tục lựa chọn loại phương tiện này.
Không chỉ nâng cao ý thức của mỗi cá nhân, các phương tiện giao thông xanh còn góp phần tạo nên văn hóa bảo vệ môi trường cho toàn cộng đồng, xã hội. Các Sở, Ban, Ngành cùng toàn thể người dân đang không ngừng chung tay, góp sức hoàn thiện hệ thống giao thông thân thiện với môi trường.
Cuối tháng 8/2023, dịch vụ xe đạp công cộng TNGo chính thức đi vào hoạt động tại Hà Nội và đã được nhiều người tích cực ủng hộ và sử dụng trong những quãng đường di chuyển hằng ngày. Tính đến đầu tháng 9/2023, TNGo đã ghi nhận có 13.933 tài khoản đăng ký sử dụng phương tiện; số chuyến đi đã được khách hàng thực hiện là 24.958 lượt; trung bình lượt xe chạy là 2.079 chuyến/ngày.
Bên cạnh đó, để tiếp tục phát triển hệ thống xe đạp thành phố, đầu tháng 2 vừa qua Sở GTVT Hà Nội chính thức khai trương tuyến đường dành riêng cho xe đạp có chiều dài 2300m nằm dọc theo sông Tô Lịch, bên lề đường có đặt những chiếc xe đạp của TNGo để thuận tiện cho người dân.
Sự phối hợp giữa Sở GTVT Hà Nội và TNGo chỉ là một trong nhiều những cái “bắt tay” của các tổ chức, cơ quan nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Điều này đã, đang và sẽ đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện dịch vụ giao thông xanh, xa hơn nữa là góp phần thực hiện thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.