Ai đã bức tử sông Lừ?

Rác thải nổi lềnh bềnh, nước sông đen kịt, mùi xú uế bốc lên nồng nặc là nỗi khổ chung của hàng nghìn hộ dân đang sinh sống tại khu vực gần sông Lừ (Hà Nội) trong nhiều năm nay.

Sông Lừ - hay còn được gọi với cái tên “dòng sông chết”, “dòng sông bệnh” - là một phần phân lưu của sông Kim Ngưu, có chiều dài khoảng 10 km,  chảy qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân và Hoàng Mai. Vài năm trở lại đây, mức độ ô nhiễm của con sông này ngày càng trầm trọng hơn bao giờ hết và là hồi chuông báo động về thực trạng môi trường của Thủ đô.

Điểm đen về ô nhiễm


Dòng nước sông Lừ đen đặc, trên bề mặt nổi các lớp váng dầu, trôi lềnh bềnh cùng với rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp từ cửa ngõ thủ đô đổ về. Nhiều cống rãnh thoát nước nổi bọt trắng xóa, hai bên bờ sông ngổn ngang bao bóng, túi ni lông, vật liệu xây dựng, trên các thành cầu bắc qua sông Lừ vương vãi khắp nơi chất thải, chai lọ.

Nước thải nổi bọt trắng xóa đổ trực tiếp ra sông

Dù đứng ở xa dòng sông hàng trăm mét nhưng mùi hôi thối vẫn đặc sánh, bốc lên nồng nặc. Hầu hết người dân sống ở khu vực này thường xuyên phải đóng cửa, đặc biệt là vào mùa hè, mùa trở gió.

Rác thải ngổn ngang khắp giữa lòng sông và kè sông

Trước đây, con sông Lừ với dòng nước trong veo, người dân có thể sử dụng nước để phục vụ sinh hoạt và nuôi trồng. Thì nay, thả cá xuống thì chỉ hôm trước hôm sau là nổi trắng bụng. Có tiếc rẻ vớt cá mang về cũng chẳng ăn được bởi cá đã ngấm hóa chất, nấu lên khét lẹt. Còn rau muống thả xuống dưới sông thì cũng chết thối ra.

Bác Bành (tổ trưởng tổ dân phố 20/21, phường Định Công, quận Hoàng Mai) cho biết: “Con sông này chả ai dám lội xuống. Lội xuống đây là bị lở loét đi bệnh viện ngay. Sông Lừ nhiều hóa chất lắm, nước thải từ nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện quanh Hà Nội đều đổ về đây, không thiếu một thứ gì”.

Dòng sông đen kịt, đủ thứ hóa chất từ khắp nội thành đổ về

Sông Lừ là một trong năm dòng sông chính đón nhận khoảng 500m3/ngày tổng lượng nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất công nghiệp ở khu vực nội thành Hà Nội. Bên cạnh đó, lượng nước thải từ các bệnh viện, các cơ sở dịch vụ cũng đang góp phần vào sự ô nhiễm của dòng sông từng ngày, từng giờ.

Mặc dù đã qua nhiều lần cải tạo và không ít giải pháp khắc phục nhưng mức độ ô nhiễm của dòng sông vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí nó càng trở nên trầm trọng hơn. 

Anh Sơn (23 tuổi, công nhân thoát nước môi trường Hà Nội) chia sẻ: “Đã ba năm gắn bó với sông Lừ, mỗi ngày dọn vệ sinh lòng sông hai lần nhưng rác vẫn nhiều. Vào mùa hè, dù đeo khẩu trang mùi vẫn bốc vào. Còn mùa mưa, sông chảy xiết nên chỉ dọn được trên bờ.

Cùng với sông Tô Lịch, sông Lừ từ bao giờ đã trở thành một trong những dòng sông kinh điển của thủ đô. Nhắc đến sông Lừ không ai là không biết tới cái chết của một dòng sông.

Nỗi ám ảnh của người dân

Với những người dân sống gần sông Lừ, chưa bao giờ họ hết hãi hùng, ám ảnh trước lòng sông sánh đen, bốc mùi hôi thối quanh năm. Vào những ngày mưa, nước cuốn trôi rác thải khiến con sông sạch hơn một chút, nhưng chỉ khoảng một tuần sau là lại đen kịt.

Chị Minh (Chủ hiệu thuốc Minh Minh, nằm đối diện đoạn sông Lừ chảy qua) chia sẻ: “Tôi không dám cho con ra chơi, những hôm trở trời mùi lắm, lắm lúc thấy con chó chết nổi phồng phềnh, hai ngày sau vẫn thấy chó ở dưới sông, chả thấy ai vớt.”

Chị Minh không dám cho con ra chơi vì lo ngại đến sức khỏe của trẻ

Sống gần con sông ô nhiễm nặng nề như vậy nên người dân xung quanh thường mắc phải các căn bệnh về đường hô hấp. Người ở lâu mũi đã quen mùi còn không tài nào chịu được, những người mới đến lại càng không chịu nổi.

Dù đã phản ánh lên chính quyền nhưng tình trạng ô nhiễm của dòng sông đâu vẫn còn đấy. Bởi vậy hàng nghìn hộ dân vẫn phải cam chịu sống chung với lũ và họ nửa đùa nửa thật chia sẻ: “Dự kiến năm 2500 là khơi xong, thì đến mấy đời cháu chắt nữa là nước sẽ trong”.

Mai Hương- Thùy Dương

Báo chí đa phương tiện K34A2

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

Sóng trẻ - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN