Ám ảnh nhà trọ sinh viê
(Sóng Trẻ) Mỗi năm, có hàng trăm ngàn sinh viên đổ về các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để theo học cao đẳng, đại học, đồng nghĩa với đó là cuộc sống trọ học xa nhà với bao rắc rối và những câu chuyện dở khóc dở cười.
Cuộc sống sinh viên- nài mối bận tâm về học tập, sinh hoạt, làm thêm thì nhà trọ là một vấn đề chưa bao giờ hết chuyện để nói. Mỗi năm, có hàng trăm ngàn sinh viên đổ về các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để theo học cao đẳng, đại học, đồng nghĩa với đó là cuộc sống trọ học xa nhà với bao rắc rối và những câu chuyện dở khóc dở cười.
Ảnh minh họa- nguồn internet
Là tân sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải và Đại học Thương mại, chưa kịp thích ứng với cuộc sống mới thì Thu và Khuê đã phát hoảng khi phát hiện ra phòng bên cạnh là một cặp sinh viên sống thử. Những cuộc cãi vã xung đột, rồi những cảnh nhức mắt khi 2 phòng chung một nhà vệ sinh khiến hai cô bạn choáng váng. Bố mẹ Thu và Khuê khi biết chuyện thì đã ngay lập tức chuyển nhà trọ cho con mà không một lần quay đầu lại.
Không chỉ sinh viên năm nhất bị sốc trước cảnh đi ở trọ mà các sinh viên năm hai, năm ba cũng ngán ngẩm vì không tìm được chỗ ở ưng ý, không vấn đề này thì vấn đề kia. Đặc biệt ở các thành phố lớn đất chật người đông, nhu cầu chỗ ở càng bức thiết, chủ trọ tha hồ hét giá, bắt chẹt thì cảnh ở trọ của sinh viên càng khốn đốn. Dù đồ đạc lỉnh kỉnh và rất mệt mỏi với việc chuyển nhà trọ nhưng Trang, sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền vẫn quyết tâm nói lời tạm biệt với nhà trọ hiện tại bởi những quy định kì quặc từ bà chủ nhà khó tính. Trang cho biết bà chủ nhà không đồng ý cho bạn bè đến chơi, dẫn bạn về một lát là bị móc máy, bóng gió. Nếu người thân, bạn bè muốn ngủ lại tại nhà trọ thì phải nộp 30.000 đồng/ người/ đêm. “Hơn cả nhà nghỉ, chưa thấy cái nhà trọ nào lại quá đáng như vậy”, Trang bức xúc. Chưa hết, theo lời kể của Trang thì những ai có xe máy mỗi tháng phải nộp thêm 50.000 đồng trong khi xe phải dựng nài trời, sinh viên dù bức xúc nhưng cũng đành chịu.
Hà- sinh viên trường Đại học Sư phạm cũng chia sẻ về cảnh ở trọ của mình: “Phòng mình đang ở nằm trên đường Trần Quốc Hoàn, giá 2 triệu đồng chưa kể điện nước. Ban đầu chỉ có 2 chị em mình ở nhưng về sau vì muốn giảm chi phí nên mình rủ một bạn nữa đến ở cùng. Không ngờ bà chủ trọ nói nếu ở ba thì giá là 2,5 triệu đồng. Chưa kể tiền điện mỗi tháng nhảy lên con số 1 triệu đồng dù không tủ lạnh, điều hòa. Riêng cái đèn cầu thang mỗi tháng cũng hơn 40 số điện. Thắc mắc thì bà chủ gạt phắt đi. Mình đi trọ thì phải chịu, hoặc chuyển chỗ khác chứ biết làm sao”.
Bạn Thủy- sinh viên Đại học Nại thương hàng tuần nay sống trong nơm nớp lo sợ khi xóm trọ mới xảy ra vụ mất liền sáu máy laptop dù trước đó đã nghe lời khẳng định an ninh tốt từ chủ nhà. Phòng Thủy ở ba người, từ hôm đó đều phải phân công nhau để lúc nào cũng phải có người ở phòng, đi đâu thì cất laptop vào trong hòm khóa kĩ. Thủy tâm sự: “Sinh viên, có cái máy tính là tài sản giá trị và hữu dụng nhất, mất rồi thì biết lấy gì mà học và ăn nói với bố mẹ”.
Những rắc rối từ nhà trọ vẫn đang làm đau đầu các bạn sinh viên: tăng giá, mất đồ, ồn ào, nhà chủ khó tính,… Và dù không muốn, nhiều bạn vẫn phải khăn gói ra đi và gian nan tìm một phòng trọ phù hợp, rồi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan đi chẳng được mà ở cũng chẳng xong. Có an cư mới lạc nghiệp, liệu các bạn sinh viên có an tâm học hành khi chỗ ở không ổn định, khi thỉnh thoảng lại đau đầu tìm phòng mới và mệt mỏi với việc chuyển đồ? Những chuyện đó sẽ được hạn chế nếu sinh viên có tìm hiểu trước về khu trọ qua những người đang ở, hàng xóm xung quanh, có xem xét kĩ lưỡng về giá cả, thỏa thuận để tìm được một nơi ở an toàn, thoải mái trong suốt những năm tháng đại học.
Lê Thị Hồng Nhung
Lớp truyền hình K32 A1
Cùng chuyên mục
Bình luận