Cận Tết Trung thu thị trường bánh vẫn ảm đạm, nhu cầu khách mua giảm
(Sóng trẻ) - Chưa đầy 1 tuần nữa đến Tết Trung thu, thị trường bánh vẫn ảm đạm nhu cầu của người mua giảm so với những năm trước, mua bán trực tuyến “lên ngôi”.
Những ngày qua, trên khắp các tuyến đường tại Hà Nội như: Trần Đăng Ninh, Trần Thái Tông, Nguyễn Khánh Toàn,... đã xuất hiện những gian hàng bánh trung thu đến từ các thương hiệu nổi tiếng, được trang trí bắt mắt, để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Mặc dù những gian hàng bánh trung thu được trưng bày hơn 1 tháng nay, tuy nhiên cận kề ngày lễ lượng khách mua hàng vẫn còn thưa thớt. Anh Đức Anh, nhân viên bán hàng tại quầy bánh trung thu trên đường Trần Đăng Ninh chia sẻ: “Trung bình 1 ngày có khoảng 20 lượt khách mua hàng nhưng không đều, doanh thu thất thường, có những ngày bán được 1-2 triệu đồng nhưng có ngày bán được đến vài chục triệu tiền hàng”.
Tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, Winmart, sản phẩm bánh trung thu được trưng bày với nhiều ưu đãi, nhằm kích cầu người tiêu dùng. Những gian hàng bày bán bánh đều ở vị trí dễ chú ý như các đường lớn hoặc những gian hàng ngay cửa ra vào siêu thị. Dù vậy, các gian hàng vẫn rơi vào cảnh vắng lặng, ít người mua.
Năm nay, các thương hiệu bánh trung thu cho ra mắt nhiều sản phẩm bánh phong phú, đa dạng cả về hình thức và mẫu mã. Như thương hiệu bánh trung thu Hữu Nghị cho ra mắt những dòng bánh không đường, bánh ăn chay, bánh cách tân hay những loại bánh dành riêng cho trẻ em để phục vụ cho từng nhu cầu khách hàng và đối tượng sử dụng.
Giá bánh trung thu năm nay dao động từ 40.000 - 100.000 đồng/bánh (tùy trọng lượng và nhân bánh). Các loại bánh cao cấp được đóng theo hộp có giá từ 500.000 - 2 triệu đồng/hộp. Trung bình giá bánh tăng từ 5 - 10% so với năm ngoái, do nguyên vật liệu và các chi phí vận chuyển khác đều tăng.
Nhắc tới bánh trung thu truyền thống tại Hà Nội, những người sành sẽ nhắc tới bánh trung thu Bảo Phương. Mọi năm, cửa hàng này thu hút rất đông người mua bánh, xếp hàng dài trên con phố Thụy Khuê. Thế nhưng, năm nay lượng khách tới cửa hàng cũng giảm đi rõ rệt. “Thông thường, thời gian này mọi năm đi mua bánh tôi sẽ phải xếp hàng rất dài, nhưng năm nay tôi mua được bánh khá nhanh, không cần phải xếp hàng nữa” - anh Minh Khanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Lý giải điều này, cô Hoàng Vân (chủ cửa hàng tạp hóa tại Đan Phượng) cho rằng, nhu cầu mua bánh trung thu của người dân giảm nhiều vì chủ yếu các gia đình chỉ mua 1-2 cái để thắp hương cho có không khí và bánh cũng có bán quanh năm không như trước đây chỉ có khi vào đúng dịp lễ. Đồng thời, do tình hình kinh tế khó khăn nhưng giá bánh năm nay tăng dẫn đến sức mua của người dân giảm. Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại bánh handmade cạnh tranh với các mặt hàng bánh trung thu truyền thống.
Trái với cảnh đìu hiu tại những cửa hàng bánh truyền thống, bánh trung thu handmade được người tiêu dùng ưu ái hơn. Các sản phẩm bánh trung thu handmade thường được bán online trên nền tảng Facebook. Điều này thuận tiện cho khách hàng trong việc lựa chọn và di chuyển. Những mẫu bánh trung thu handmade đa dạng về hình dáng, màu sắc, mang tính sáng tạo cao, hấp dẫn người mua. Đặc biệt, bánh trung thu handmade có giá thành thấp hơn các thương hiệu bánh trung thu truyền thống.
Bạn Thu Trang, kinh doanh bánh trung thu handmade tại Hà Nội chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên mình bán hàng, nhưng khách đặt rất đông. Khi mua bánh, từ hình dạng đến nhân bánh, vị bánh đều được làm theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, bánh handmade không sử dụng chất bảo quản nên hạn sử dụng sẽ ngắn hơn các loại bánh truyền thống”.
Mua hàng qua các kênh thương mại điện tử cũng đang trở thành xu hướng của người tiêu dùng và chiến lược của các nhãn hàng vào dịp Trung thu. Các sản phẩm bánh đa dạng được bán thông qua các kênh mua sắm trực tuyến thu hút cả nghìn lượt mua. Nhiều thương hiệu bánh thông qua các kênh chính hãng cũng có nhiều ưu đãi giảm giá sâu thu hút người mua.