Áp lực đồng trang lứa đè nặng lên thế hệ Gen Z
(Sóng trẻ) - Áp lực đồng trang lứa - “Căn bệnh” thời đại của tuổi teen và nỗi ám ảnh từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ cuộc sống thực đến các trang mạng ảo.
Cũng biết, cũng sợ nhưng không thoát khỏi…
Như một ám ảnh vô hình, áp lực đồng trang lứa đang trở nên phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy đối với tâm lý. Đó là những “so sánh ngầm” được gán vào mỗi cá nhân một cách tiêu cực. Chính những “tuổi trẻ tài cao” cùng áp lực “bằng tuổi mình, các bạn đã…” khiến cho bất cứ ai đang chững lại so với những người đồng vai phải lứa đều cảm thấy tự ti, mặc cảm, thậm chí là đố kỵ.
Dễ nhận thấy, hội chứng tâm lý này diễn ra phổ biến ở người trẻ bao gồm thanh thiếu niên, nhất là những người trong độ tuổi 20-25. Sự so sánh đến từ những ràng buộc về định kiến cùng sự thay đổi về tâm sinh lý, mong muốn được ghi nhận của gia đình và cộng đồng đã đẩy người trẻ vào vòng quay không hồi kết – áp lực đồng trang lứa khi xung quanh toàn là những “phiên bản hoàn hảo hơn”.
Chia sẻ về áp lực từ những người cùng thế hệ, Phạm Duy Hoàng Đạt (sinh viên trường Đại học Thương mại) cho biết: “Từ khi lên đại học, mình gặp rất nhiều áp lực thành tích từ các bạn đồng trang lứa. Gia đình luôn lấy những thành công của họ ra để so sánh với cuộc sống của mình.”
Theo Đạt, mạng xã hội cũng là nhân tố quan trọng khiến áp lực đồng trang lứa ở người trẻ trở nên căng thẳng hơn. Người trẻ là đối tượng dành rất nhiều thời gian trực tuyến, do đó rất dễ bị những nội dung bắt gặp trên mạng xã hội làm ảnh hưởng. “Khi lướt mạng, mình luôn bắt gặp những bạn, những em nhỏ tuổi hơn nhưng lại thành công, nổi tiếng, xinh đẹp từ rất sớm; điều này khiến mình thật sự rất xấu hổ và tủi thân. Mặc dù mình cũng nhận thức rõ bản thân không được chùn bước trước những áp lực ấy, nhưng vượt qua nó và tiến về phía trước cũng không hề dễ dàng”.
Đối với Phạm Như Hoa (sinh viên trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội), áp lực đồng trang lứa được hình thành trong chính suy nghĩ của mỗi người khi nhìn người khác thành công: “Áp lực đồng trang lứa vẫn luôn thường trực quanh mình. Từ khi lên Đại học, sự kỳ vọng của gia đình đối với mình cũng như những thay đổi của một môi trường mới khiến mình ngày càng phải chịu sự e ngại, lo lắng, tự ti, cảm thấy bản thân kém cỏi. Đồng thời, mình còn có chút ganh tị với các bạn khác cũng như thành tích các bạn đạt được.”
Lê Văn Lợi (sinh viên trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) cũng có những trải nghiệm tương tự: “Mình từng phải chịu áp lực thành tích khi bị so sánh với các bạn ‘con nhà người ta’. Dù không bị áp lực ấy đè nặng, song mình vẫn luôn phải cố gắng để trở nên thật nổi bật so với những người khác. Vì thành tích, mình đã phải dành rất nhiều thời gian để học và phải lựa chọn từ bỏ nhiều niềm vui hay trải nghiệm mới. Tuy nhiên, rất may mắn vì mình là người có gia đình tâm lý; bố mẹ luôn nói không cần phải bằng bạn bằng bè, chỉ cần mình không nản khi thất bại và không tự cao khi thành công.”
Thực tế cho thấy, áp lực đồng trang lứa đang đè nặng lên giới trẻ hiện đại, không chỉ gói gọn trong vấn đề học tập mà còn ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Bên cạnh đó, sự kỳ vọng cũng như so sánh từ những người xung quanh, hay ảnh hưởng từ mạng xã hội cũng là nguyên nhân chính người trẻ rơi vào những áp lực và cảm xúc tự ti không đáng có.
Mỗi người đều có lộ trình riêng, góc nhìn riêng
Xuất phát từ sự so sánh hay tung hô của những người xung quanh dành cho những ai trạc tuổi bạn, điều này đã tạo nên một áp lực vô hình từ xã hội. Tất nhiên khi có những điều kiện ấy, thì sẽ sản sinh ra “con dao hai lưỡi” trong thế giới “peer pressure”. Ở mức vừa phải, nó thúc đẩy và tạo động lực cho bạn đi đúng hướng nhưng một khi áp lực trở thành gánh nặng, nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống rất nhiều.
Đầu tiên, không khó khi chúng ta nhìn nhận mặt tiêu cực của áp lực đồng trang lứa. Thật đáng báo động khi giới trẻ đang ngày càng cố gắng trở thành bản sao của ai đó, cố sao chép họ, khiến chúng ta mất đi sự nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo. Chúng được ví như một quả pháo, châm ngòi cho các vấn đề sức khỏe tâm lý như lo âu, trầm cảm.
Đồng thời, khi quá đặt nặng sự cạnh tranh và vấn đề hơn thua, peer pressure sẽ đem lại cảm giác rằng bạn bắt buộc phải vượt qua họ, bắt buộc phải trở nên tốt hơn thế. Sự chán nản dần hình thành một cảm xúc tiêu cực, những thói quen xấu, không những ảnh hưởng tới chính bản thân mà còn tác động tới các mối quan hệ giữa gia đình và bạn bè.
Theo các chuyên gia tâm lý, mỗi người cần phải nhận thức rõ ràng, tạo áp lực là điều cần thiết. Bởi chúng ta không thể là “ếch ngồi đáy giếng” và cuộc sống cần có những tác động để ta tốt hơn. Hãy dành thời gian nhìn nhận bản thân mình, suy xét lại những khuyết điểm cần sửa đổi hay ưu điểm phải được phát huy. Chúng ta chỉ thất bại, chỉ thấp kém nếu chúng ta thua chính bản thân mình.
Chia sẻ về phương pháp đối diện và vượt qua áp lực đồng trang lứa, Lê Văn Lợi (sinh viên trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) cho biết: “Để vượt qua áp lực này, đầu tiên chúng ta không xem nó quá quan trọng và nên tin tưởng bản thân. Ngoài ra, mình còn giải tỏa áp lực bằng cách nghe lời khuyên của những người trưởng thành”.
Trong khi đó, Phạm Duy Hoàng Đạt lại có những hướng đi khác: “Khi rơi vào trạng thái này, mình thường nghe nhạc, xem phim để thư giãn. Đồng thời, mình cũng tự trấn an bản thân bằng việc nghĩ mình là một cá thể duy nhất, riêng biệt, chỉ cần mình hôm nay tốt hơn ngày hôm qua là được”, Đạt cho hay.
Hơn nữa, hãy coi áp lực đồng trang lứa chính là công cụ phát triển bản thân. Thay vì cảm thấy ghen tị, chán ghét và khó chịu với người giỏi hơn mình thì hãy học hỏi, chắt lọc, lĩnh hội những kinh nghiệm của họ để xây dựng “timeline” phù hợp với bản thân. Và khi xác định được mục tiêu thì thước đo duy nhất chính là sự nỗ lực, hãy nỗ lực và tiếp tục nỗ lực để đạt những thành tựu mình mong muốn.
Áp lực đồng trang lứa tồn tại, không thể định nghĩa được là tốt hay xấu, nó sẽ là động lực cho ta thành công hay áp lực giết chết chúng ta, đều phụ thuộc góc nhìn của mỗi người. Nếu có thể hãy biến áp lực thành động lực, hãy trở thành ngôi sao sáng nhất nơi mình thuộc về.
“Mỗi người có một thời điểm khác nhau, không nên để những tiêu chuẩn do người khác đặt ra định hình con người mình”, Tiến sĩ Giáo dục Chi Nguyễn, hiện sinh sống và làm việc tại Mỹ, chuyên về chính sách, lãnh đạo và giáo dục so sánh, chủ kênh Blog, Youtube, Podcast The Present Writer chia sẻ.
Bên cạnh đó, Chi Nguyễn cũng đề cập đến khái niệm giáo dục khi nhiều phụ huynh nói với con em rằng “con nhà người ta”, được cho là phương pháp giáo dục hữu hiệu. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học chỉ ra phương pháp này sẽ làm trẻ em bị mặc cảm, ghen tức, có thể gây ra sang chấn tâm lý cho trẻ và đeo bám chúng cho đến khi trưởng thành.
Mọi so sánh đều là sự khập khiễng khi người ta chỉ đưa những thứ thành công lên mạng xã hội, mà ít khi nói mình đã vất vả, thất bại như thế nào. Và những người đang được cho là một biểu tượng để so sánh cũng có cảm khác khó khăn khi gặp áp lực về thành tích khi có nhiều ánh mắt đang dõi theo họ.
Vì vậy, khi nghĩ về áp lực đồng trang lứa, gen Z nên coi trọng những giá trị riêng của mình; thực hành biết ơn và xây dựng hệ quy chuẩn cá nhân: có quan điểm riêng và giới hạn riêng của bản thân. Đồng thời, khoan dung với chính mình, cũng như nỗ lực hơn, bởi thành công cũng chỉ dành cho những người xứng đáng.