Bao giờ chấm dứt tình trạng “học hộ, thi hộ” của sinh viên?

(Sóng trẻ) - Dịch vụ học hộ, thi hộ như một loại “virus” lây lan nhanh chóng trong môi trường học đường, làm suy yếu nền tảng kiến thức của sinh viên và làm giảm chất lượng đào tạo của các trường đại học.

Công khai thuê học hộ, thi hộ

Tình trạng học hộ, thi hộ đã trở nên phổ biến đến mức báo động trong môi trường học đường, thậm chí len lỏi vào cả các chương trình học sau đại học (thạc sĩ…). Chỉ cần một cú click chuột với từ khoá “học hộ, thi hộ” trên các nền tảng mạng xã hội, ngay lập tức sẽ xuất hiện hàng loạt các nhóm, hội kín chào mời dịch vụ này. 

Dù hội nhóm mang danh "hỗ trợ học tập", nhưng đằng sau những cái tên mỹ miều ấy là những hoạt động gian lận trắng trợn như học hộ, làm bài tập hộ, thi hộ... Điều đáng nói là các dịch vụ này lại thu hút một lượng lớn sinh viên tham gia, với một số nhóm có số thành viên lên đến hơn 85.5 nghìn người. Sự nở rộ của các dịch vụ này phần nào phản ánh thực trạng đáng lo ngại về ý thức học tập của nhiều sinh viên.

Hiện nay, hình thức học theo tín chỉ phổ biến với nhiều trường đại học, với yêu cầu tích lũy đủ số tín chỉ mới có thể tốt nghiệp. Mỗi môn học thường được quy định bằng số tín chỉ nhất định, có số buổi thực hành và số buổi lý thuyết khác nhau. Việc nghỉ một số buổi học có thể khiến sinh viên sẽ phải học lại. Nhiều sinh viên tìm đến dịch vụ học hộ như một cứu cánh để đảm bảo đạt đủ số buổi yêu cầu. Có thể thấy, dù có nhiều ưu điểm, nhưng hình thức học theo tín chỉ cũng tiềm ẩn những bất cập, tạo điều kiện cho các hoạt động học tập gian lận “sinh sôi”.

unnamed.png
Dịch vụ học hộ, thi hộ tràn lan trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình).

Bạn V.Q.L. (19 tuổi, sinh viên) thường xuyên trốn học, nghỉ học. Bạn L chia sẻ: “Mình thường nghỉ tối đa số buổi nghỉ học được cho phép dù không cần thiết, nên mỗi khi ốm hoặc thật sự có công việc cần nghỉ, nếu không nhờ được bạn bè đi học, mình đành phải tìm tới các dịch vụ học hộ. Dù chi phí không phải là nhỏ, nhưng còn hơn là phải mất tiền để học lại”.

L cho biết, các dịch vụ học hộ, thi hộ tràn lan trên mạng, “quan trọng là mình có muốn không thôi”. Tại “chợ đen”, các gói dịch vụ vô cùng đa dạng cùng giá cả linh hoạt, hợp túi tiền, vậy nên những người đi thuê có rất nhiều sự lựa chọn. Dịch vụ “đến điểm danh xong về” thường có giá 50 - 100 nghìn đồng, dịch vụ “học đến hết buổi” sẽ có giá từ 150 – 250 nghìn đồng.

Bên cạnh đó, tồn tại dịch vụ gian lận cao hơn “học hộ” là dịch vụ “thuê người thi hộ”. Thị trường này ngày càng sôi động với đủ loại hình dịch vụ, từ thi hộ đến làm bài tập lớn, tiểu luận. Đặc biệt, các môn ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh chiếm ưu thế, luôn nằm trong danh sách "đặt hàng" của nhiều sinh viên. Với mức giá "thương lượng" linh hoạt và cam kết đạt kết quả cao, các dịch vụ này đã trở thành một "cơn sốt" trong giới trẻ, dễ dàng tiếp cận chỉ với vài cú click chuột tìm kiếm.

Bạn Đ.Đ.T. (18 tuổi, sinh viên) cho biết: “Mình đi học hộ nhiều rồi, người ta thuê thì mình làm thôi. “Khách hàng” bận mà mình lại rảnh, họ trả tiền chỉ để mình ngồi trên lớp vài tiếng…Việc nhẹ lương cao, tội gì mà không làm?” Theo T chia sẻ, những môn thường được thuê là các môn bắt buộc ở hầu hết các trường đại học như môn đại cương, ngoại ngữ… Vì lý do đó, việc đi học khác trường cũng không phải là trở ngại lớn với nhiều bạn trẻ.

Tuy nhiên, cũng có không ít sinh viên thuê người học hộ những môn chuyên ngành với “quy trình” hết sức đơn giản: chỉ cần ngồi im một chỗ, tránh khỏi tầm mắt giảng viên. Khi được hỏi về công việc cụ thể trong lớp, T bộc bạch: “Mình để ý giáo viên xem họ có dễ tính hay không, nếu có thì mình ngủ hoặc đi về, nếu không thì ngồi im như những sinh viên bình thường …”.

“Việc nhẹ lương cao” nhưng rủi ro cũng lớn. Nhiều trường hợp vì tin người mà T quyết định đi học trước rồi thanh toán sau. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành công việc thì người thuê lại “bặt vô âm tín”, không thanh toán thù lao như đã thoả thuận.

Sợ bị phát hiện, T luôn trong trạng thái thấp thỏm, lo âu, bởi T biết “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”. T chia sẻ: “Giai đoạn đầu chưa có kinh nghiệm nên cũng sợ bị phát hiện nhưng về sau học kiến thức cũng có đủ để trả lời các câu hỏi cơ bản nếu bị gọi…”.

Về sau, khi đã trở thành một người học hộ “chuyên nghiệp”, T bắt đầu tính toán các phương án để đỡ bị phát hiện nhất có thể. T tìm hiểu người thuê học hộ có học lực ra sao để điều chỉnh mức kiến thức khi trả lời. Ngoài ra, T cũng có những “bài” để “thoát tội”: “Nếu bị thầy cô hỏi thì bảo là học sinh bên ban tình nguyện vào kiểm tra tình trạng cũng như chất lượng học tập của sinh viên…”.

Hệ lụy tới sinh viên và nhà trường

TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ - giảng viên khoa Xây dựng Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Có lẽ trường nào cũng có tình trạng này.  Học hộ, điểm danh hộ để lấy điểm chuyên cần, để đủ điều kiện thi hết môn; nhờ người thi hộ để qua môn – nhất là những môn khó, ví dụ các môn khoa học tự nhiên ở các Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, hoặc môn Ngoại ngữ ở các Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, kỹ thuật.”.

Cũng theo TS Thuỷ, lý do nhờ người học hộ, thi hộ cũng không ít. Một vài lý do tiêu biểu có thể kể đến như: học lệch, tốn quá nhiều tiền để học lại nên đành thuê người thi hoặc sinh viên chỉ coi các môn đó là “môn điều kiện”...

z6047694416444_41045cec405639ac62a43cf300942980.jpg
Nhiều sinh viên coi việc được thuê học hộ như một công việc làm thêm. (Ảnh: Hoàng Kim).

Việc nhờ người học hộ, thi hộ, dù có thể mang lại kết quả tức thời, nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Khi sinh viên quen với việc ỷ lại vào người khác, họ sẽ dần đánh mất đi khả năng tự học, tự nghiên cứu. Mỗi môn học đều là một viên gạch trong ngôi nhà kiến thức, thiếu đi một viên gạch nào, ngôi nhà đó sẽ không bao giờ hoàn thiện. Và hậu quả là, khi ra trường, những sinh viên này sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường làm việc, khó có thể thành công. Cô Thuỷ nhấn mạnh, việc tự học, tự nghiên cứu là vô cùng quan trọng, nó không chỉ giúp chúng ta có được kiến thức mà còn giúp chúng ta rèn luyện tư duy, kỹ năng cần thiết để thành công trong cuộc sống.

Cũng theo cô Thuỷ: “Về phía nhà trường, tình huống nhà tuyển dụng sau này nhìn vào bảng điểm học tập ở trường đại học của ứng viên, bị thuyết phục bởi điểm A của một môn học X nào đó mà họ cho rằng môn X rất cần cho vị trí họ đang muốn tuyển dụng. Nhưng sau đó họ phát hiện ra rằng ứng viên không hiểu, không làm được – vậy nhà tuyển dụng sẽ nghĩ gì về nhà trường? Nhà trường dễ dãi trong dạy học và kiểm tra, đánh giá? Chất lượng đào tạo của nhà trường kém? Tất nhiên uy tín đào tạo của nhà trường bị ảnh hưởng không nhỏ”.

Học hộ, thi hộ chính là một hành vi gian lận cần phải lên án. Đây là sự không công bằng với những sinh viên nghiêm túc, tích cực. Quy chế học sinh, sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo coi đây là hành vi bị nghiêm cấm. Tất cả các trường đại học đều đưa ra những hình thức kỷ luật cụ thể theo từng mức độ vi phạm, số lần vi phạm. Nhẹ thì có thể là khiển trách; nặng thì có thể bị buộc thôi học với trường hợp đi thi hộ, nhờ người thi hộ (tùy vào kỳ thi mà sinh viên đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ, số lần vi phạm), thậm chí có trường hợp còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN