Khát vọng khởi nghiệp nhờ trồng rau từ rơm rạ
(Sóng trẻ) - Ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn và khát khao làm giàu cho quê hương chính là động lực khiến nhóm bạn trẻ đến từ Đại học Thái Bình quyết tâm thành lập dự án “Sản xuất và kinh doanh rau mầm RAMA”.
Dù vẫn đang là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường nhưng nhóm sinh viên Đại học Thái Bình đã xuât sắc đạt giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp 2016 do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Bước ra từ cuộc thi, dự án cũng gặp phải không ít khó khăn, thử thách để hiện thực hóa mô hình khởi nghiệp.
Các thành viên của dự án sản xuất và kinh doanh rau mầm RAMA.
Dự án rau sạch từ rơm rạ
Ý tưởng sản xuất và kinh doanh rau mầm của nhóm bạn trẻ đến từ Thái Bình xuất phát từ hai vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Đó là tình trạng thực phẩm bẩn và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, thực phẩm bẩn đang là một hiện tượng gây nhức nhối trong xã hội nên nhu cầu sử dụng rau an toàn ngày càng trở nên cấp thiết.
Trong khi Thái Bình là một tỉnh trọng điểm trồng lúa với diện tích trên 80.000 ha. Ô nhiễm môi trường không khí do đốt rơm rạ sau mỗi vụ màu là nỗi ám ảnh của người dân nông thôn và thành thị. Vì vậy, việc sử dụng rơm rạ để sản xuất nguồn giá thể hữu cơ sẽ tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp, thân thiện với môi trường.
Nài ra, dự án còn góp phần giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho một bộ phận lao động trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận; đóng góp một phần lớn vào ngân sách nhà nước thông qua thuế và các khoản thu khác.
Dự án tiến tới khắc phục và xóa bỏ hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung. Có thể thấy, mô hình sản xuất và kinh doanh rau mầm RAMA không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho nông nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Sản phẩm rau mầm từ rơm, rạ.
Tuy nhiên để hoàn thiện được dự án sản xuất và kinh doanh rau mầm, nhóm sinh viên đến từ Đại học Thái Bình cũng gặp không ít những khó khăn. Đặc biệt là kĩ thuật sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học chuyển rơm rạ thành phân bón hữu cơ.
Trong những ngày đầu thực hiện dự án, số lần trồng rau hỏng khá nhiều khiến các thành viên có chút nản lòng. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là một bài toán khó.Tuy nhiên, bằng sự quan tâm và hỗ trợ nhiều mặt từ phía câu lạc bộ Khởi nghiệp trường Đại học Thái Bình và các thầy cô giáo cùng sự đoàn kết, đam mê khởi nghiệp của các thành viên, nhóm đã từng bước vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển dự án tới thời điểm hiện tại.
Hơn nữa, đặc điểm nổi trội của dự án rau mầm phải kể tới tiêu chuẩn 4 không – 4 sạch.
Bốn không ở đây là: không sử dụng đất thật, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng thuốc tăng trưởng.
Bốn sạch ở đây là: giá thể sạch do được sản xuất từ chính rơm rạ và sử dụng chế phẩm sinh học chuyển hóa, nguyên liệu sạch, hạt giống sạch và bảo quản sạch.
Bên cạnh đó, rau mầm của RAMA được sản xuất theo một quy trình khép kín từ thu m, xử lí đến sản xuất và tiêu thụ, nên công ty có thể chủ động mọi việc mà không phụ thuộc vào yếu tố bên nài. Đây chính là mô hình sản xuất tiên tiến đang được áp dụng trên thế giới, giúp cho công ty vừa tạo ra sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng vừa tối đa hóa lợi nhuận.
Mô hình bị cạnh tranh gay gắt
Dù mô hình sản xuất và kinh doanh rau mầm RAMA có những ưu điểm nhất định nhưng bản thân dự án lại tồn tại khá nhiều hạn chế.
Thành viên dự án rau mầm tham gia chào đầu tư.
Ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON, Cố vấn cao cấp chương trình Khởi nghiệp cho rằng: “Việc sản xuất, sử dụng quy trình rau mầm RAMA tương đối đơn giản, có thể sẽ cạnh tranh rất gay gắt với các mô hình tương tự”.
Thực tế trên được nhóm dự án ghi nhận. Tuy nhiên, để phát triển và cải tiến mô hình của mình ngày một hoàn thiện hơn, trưởng nhóm của RAMA- anh Nguyễn Việt Hà chia sẻ: “Nhóm đã tính toán chi tiết số lượng giá thể sản xuất trong vòng 1 năm, vào thời gian giao vụ mùa và vụ xuân từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Do đó, lộ trình phát triển trong thời gian nửa năm đầu của dự án đó là: nỗ lực khẳng định thương hiệu sản phẩm; liên kết, tìm kiếm các nhà đầu tư để áp dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất.”
Bên cạnh đó, dịch sâu bệnh hoành hành ở nước ta cũng đặt ra sự hoài nghi cho các nhà đầu tư trong quá trình hiện thực hóa mô hình này. Ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty S-furniture, Ủy viên Ban chấp hành Hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam nhận xét: “Khả năng trồng rau mầm thì có dịch sâu bệnh là rất lớn”.
Ông Huỳnh Thanh Vạn- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty S-furniture đưa ra nhận xét.
Để phòng từ hiện tượng trên, nhóm sinh viên đến từ Đại học Thái Bình cũng đã học hỏi và tự sản xuất ra thuốc trừ sâu thảo dược chiết xuất từ tỏi, ớt, gừng, rượu để phòng chống sâu bệnh nếu rau mầm bị nhiễm dịch sâu bệnh. Trên thị trường hiện nay, thuốc trừ sâu chiết xuất từ các loại cây cỏ, thảo mộc... ức chế quá trình phát triển của sâu bệnh được coi là một xu hướng sản xuất sạch.
Sau khi đạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp 2016, nhóm bạn trẻ đến từ Thái Bình dự định tìm kiếm thêm các nhà đầu tư để có thể đưa dự án vào hoạt động sớm nhất, đưa các sản phẩm rau mầm chất lượng cao, an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Song song với đó là chuyển giao công nghệ sản xuất tới người nông dân. Nhóm sẽ chủ động thu mua một phần hạt giống thông qua việc liên kết với vườn hoa cải Vũ Thư cũng như để phát triển ngành du lịch Thái Bình.
Đinh Thu Thủy
Báo chí ĐPT K34A2
Cùng chuyên mục
Bình luận