Bảo tàng Báo chí Việt Nam – địa chỉ vàng của những người làm báo
(Sóng trẻ) - Sáng ngày 16/8, tại Tòa nhà Hội nhà báo (phố Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy) đã diễn ra Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với giới báo chí nước nhà.
Nhà báo Nguyễn Văn Khoan (nguyên Tổng biên tập Báo Thông tin): “Việc thành lập Bảo tàng Báo chí tuy muộn nhưng vẫn đáng để ghi nhận”
Cá nhân tôi đã đề xuất việc thành lập Bảo tàng báo chí ngay từ những năm 1970, cũng rất mừng vì hôm nay mong muốn này đã được hiện thực hóa. Việc thành lập Bảo tàng Báo chí tuy muộn nhưng vẫn đáng để ghi nhận, bởi nó sẽ là tiền đề quan trọng giúp báo chí nước nhà có những bước đi mới, vững chắc hơn trong tương lai.
Nhà báo Nguyễn Văn Khoan
Nhà báo Nguyễn Văn Nẫm (bút danh Lê Mai Phong): “Việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam là kết quả tất yếu”
Mỗi lĩnh vực đều có bảo tàng riêng như Quân đội có Bảo tàng Quân đội, Lịch sử có Bảo tàng lịch sử… Ý định thành lập Bảo tàng Báo chí thực ra đã có từ lâu nhưng do những điều kiện khách quan và chủ quan nên đến bây giờ mong ước ấy mới trở thành hiện thực. Đây là kết quả tất yếu xuất phát từ nguyện vọng của nhiều thế hệ làm báo cũng như nhu cầu phát triển của nền báo chí nước nhà.
Nhà báo Nguyễn Văn Nẫm
Nhà báo Đặng Mai Phương (Từng làm việc tại các tờ báo của Đảng như Cứu quốc Nam Trung Bộ, Cờ Giải phóng, Nhân Dân): “Đây sẽ là nơi ôn lại lịch sử báo chí nước nhà”
Trước nay, hiếm có nơi nào để giới báo chí được gặp gỡ, giao lưu học hỏi. Việc thành lập bảo tàng này chắc chắn là ước nguyện chung của rất nhiều người. Đây sẽ là nơi ôn lại lịch sử báo chí nước nhà, đồng thời quảng bá nền báo chí Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Nhà báo Đặng Mai Phương
Nhà báo Nguyễn Văn Thúy (nguyên chủ tịch liên chi Hội nhà báo văn phòng Quốc Hội): “Đây vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào của cá nhân tôi”
Những kỷ vật, tư liệu mà tôi hiến tặng cho bảo tàng đều đã được lưu giữ cẩn trọng suốt một thời gian dài. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào của cá nhân tôi khi đưa được những tư liệu này đến đúng địa chỉ. Hy vọng rằng, sẽ có nhiều hơn nữa những đóng góp từ các thế hệ nhà báo, để làm giàu và phong phú hơn cho gian trưng bày của Bảo tàng.
Nhà báo Nguyễn Văn Thúy
Cô Lục Thanh Hải (con gái cố Đại tá, nhà báo Lục Văn Thao - báo Quân đội nhân dân): “Gia đình tôi quyết định trao tặng lại tất cả cho Bảo tàng báo chí”
Gia đình tôi phát hiện ra những kỉ vật, tư liệu báo chí của bố rất tình cờ. Ông đã lưu giữ chúng suốt hàng chục năm mà không hề cho con cháu biết. Trước khi mất, ông cũng không kịp căn dặn, bày tỏ ý nguyện rằng muốn trao những kỷ vật đó cho ai. Vì đây là những bài báo rất có giá trị mà bố tôi ghi lại được trong suốt những năm tháng tác nghiệp tại chiến trường nên gia đình tôi quyết định trao tặng lại tất cả cho Bảo tàng báo chí. Mong rằng thế hệ trẻ sẽ tìm hiểu để thấm thía hơn những thời kì gian khó mà hào hùng của cả dân tộc.
Chị Hồ Thủy Tiên (Phóng viên Báo Kinh tế Đô thị): “Tham quan bảo tàng tôi gcàng ý thức hơn trách nhiệm của người làm báo”
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt của giới báo chí Việt Nam nhằm tôn vinh những thế hệ làm báo đi trước. Tham quan bảo tàng tôi càng ý thức hơn trách nhiệm của người làm báo, tự nhủ bản thân phải cố gắng phấn đấu hơn nữa để gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống quý báu và thành tựu mà báo chí Cách mạng Việt Nam đã đạt được.
Linh Phương, Nguyễn Ngọc, Thân Hiền, Phan Hải, Bùi Hạnh
Cùng chuyên mục
Bình luận