Bảo tồn động vật hoang dã: Kỳ 2: Ẩn mình trong thung sâu
(Sóng trẻ) - Núi đá cheo leo, nhọn hoắt; nước non thiếu thốn; sóng điện thoại chập chờn… Đó chỉ là một trong rất nhiều những khó khăn mà Tổ bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng, Hà Nam phải đối diện mỗi ngày.
Năm 2017, dựa trên những bằng chứng khoa học đã ghi nhận được tại rừng Kim Bảng về việc xuất hiện loài động vật quý hiếm, Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đã phối hợp với tỉnh Hà Nam thực hiện Dự án bảo tồn Voọc mông trắng với nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt là việc thành lập Tổ bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng.
Không ít lần nghĩ đến việc từ bỏ…
Diện tích của rừng Kim Bảng rộng hơn 3.000 ha, chủ yếu là rừng núi đá phòng hộ đầu nguồn. Đường đi cheo leo, cao vút, chỉ một chút sơ suất là sảy chân rơi xuống các vách đá, có thể nằm trước lưỡi hái của tử thần.
“Ngay trong ngày đầu tiên đi tuần rừng, tôi đã bị trượt chân ngã, thương tật đến hơn 10%”, anh Thượng – một trong những thành viên trong Tổ bảo vệ cộng đồng huyện Kim Bảng chia sẻ trong lúc đang leo chót vót ở núi đá, đè nặng trên vai là chiếc balo khoảng 15kg gồm đồ ăn khô và nước lọc.
Tổ tuần rừng có 5 người bao gồm cả đội trưởng. Người thì sưng chân, người thì sưng tay to như quả trứng, ai nấy cũng chỉ dán miếng salonpas tạm bợ, họ vẫn băng băng trên núi đá như không hề có bất kỳ một vết thương nào.
Hầu hết, ngày nắng cũng như ngày mưa, các thành viên trong tổ đều đi tuần rừng, tháo gỡ bẫy. Đội trưởng từng 17 năm làm thợ săn, thành viên đã từng làm lâm tặc. Nhưng từ khi vào Tổ họ như “trả nợ” cho núi rừng, món nợ thật khiến người ta nhiều lần muốn “trốn chạy”.
Trước đây, khi mới hoạt động, mỗi ngày Tổ bảo tồn gỡ đến vài chục bẫy lớn nhỏ trong rừng. Dần dần, số lượng bẫy cũng giảm đáng kể, hầu như không còn. Nhưng chính vì thế mà đã không ít lần tổ phải nghe những cuộc điện thoại đe dọa từ nhiều số lạ với nội dung như “mày đã cướp miếng ăn của tao”…
Không chỉ dừng lại ở việc đe dọa, các téc nước tại lán cố định của Tổ còn bị chọc thủng lởm chởm, anh em trong đội phải khắc phục bằng chiếc bể tạm bợ, quây bạt hứng nước mưa. Đồng thời, tổ chức FFI cũng bỏ ra chi phí 300.000 mỗi ngày để mua nước sạch từ dưới thuê người mang lên núi cho Tổ sinh hoạt khi đi tuần.
Núi rừng rộng lớn, thợ săn vẫn thường xuyên rình rập, những người có “thù” với Tổ bảo vệ cộng đồng là không ít. Bình thường, số lượng thành viên vốn đã không nhiều nay còn thường xuyên bị đe dọa, thậm chí họ còn nhận được những lời cảnh báo đến tính mạng của cả vợ con. Không rõ kẻ đứng sau là ai, nhưng một số anh em không chịu được áp lực đã chủ động nghỉ việc.
Công việc vất vả, nguy hiểm luôn kề cận nhưng đồng lương “ít ỏi” chẳng đáng là bao. Những thanh niên sức dài vai rộng, chạc tuổi hơn ba mươi, ngày ngày họ băng qua núi rừng hiểm trở, đồng lương cuối tháng lại chỉ thu về hơn 3 triệu đồng. Ngồi trên đỉnh núi mù trắng, lất phất mưa, anh Thượng thoáng buồn “Gọi là đủ tiền mua bánh cho con thôi. Vợ ban đầu cũng không muốn cho đi, vừa xa nhà, vừa vất vả…”
Khi kể về những khó khăn, ngồi trên mỏm đá, họ vẫn hướng tầm mắt ra xa, khấp khởi mong chờ được nhìn thấy đàn Voọc. Công việc là như vậy, phải yêu mới ở lại được nơi đây. “Cũng nhiều lần tôi muốn từ bỏ nhưng nghĩ về chúng tôi lại muốn cố, nhìn thấy Voọc là quên hết mệt mỏi”. Nói dứt câu, anh Thượng chèo lên cao hơn nữa, tiếp tục phóng ống nhòm ra xa, lặng im theo dõi động tĩnh của Voọc.
“Niềm vui để ở lại là nhìn thấy đàn Voọc được bảo vệ”
Các thành viên trong tổ có nhiệm vụ theo dõi vị trí ghi chép cẩn thận lại theo từng ngày, thực hiện gỡ bẫy bảo vệ môi trường sống của Voọc mông trắng và các loài động vật trong khu rừng. Khi phát hiện hành vi phá hoại, săn bắt, tổ sẽ thông báo cho kiểm lâm xử lý.
Từ những người bình thường, hằng ngày chỉ biết đến việc đi săn, nay họ còn tự tin cầm trên tay mình những chiếc máy ảnh siêu zoom, ghi lại những hình ảnh đắt giá về loài Voọc quý hiếm mà có khi chuyên gia ăn ngủ cả tháng trong rừng cũng chưa thể làm được.
Đội trưởng Lê Văn Hiên, cũng là người cao tuổi nhất của Tổ nhưng người đàn ông này sử dụng thiết bị lại sành sỏi và chắc chắn hơn bất cứ thanh niên nào trong đội tuần rừng. Hầu hết các tư liệu về loài linh trưởng quý hiếm này trong rừng Kim Bảng đều do ông Hiên ghi lại.
Từ một tay thợ săn có tuổi trong nghề, ai lên rừng Kim Bảng cũng phải mách nhau “chỗ này là lán của ông Hiên” thì giờ đây lại trở thành “anh hùng bảo tồn” – danh hiệu do Quỹ bảo tồn Disney (Mỹ) phong tặng.
Trên tọa độ đầu tiên khi vào rừng Kim Bảng, ông châm một điếu thuốc lào vào cái điếu bằng chai nước tự chế đã ngả màu, kể nhiều câu chuyện từ thời đi săn rồi tự hào chỉ ra tán cây sát vách núi đá đang khai thác “Chú đã có lần quay được cả Voọc mẹ lẫn Voọc con ở chỗ kia. Chúng ôm nhau đứng trên cành khi có tiếng mìn nổ ngay bên cạnh”.
Cầm con dao sắc lẹm phát lùm cây dại chắn đường, ông Hiên liên tục ra hiệu chỗ này gặp Voọc hay ngủ, chỗ kia chúng hay ra kiếm ăn. Nhất cử, nhất động của những con Voọc mông trắng ông như nắm thuộc lòng.
Mỗi lúc dừng chân, ông đều khấp khởi kể về những lần gặp Voọc, không đếm hết những kỷ niệm khi ghi hình loài linh trưởng quý hiếm này. Đối với ông và các thành viên trong Tổ nhìn thấy Voọc nhảy nhót, chơi đùa trên cây là niềm vui lớn nhất mỗi khi đi tuần rừng.
Ước mong giản dị là vậy, nhưng đó cũng chính là động lực để Tổ bảo vệ cộng đồng huyện Kim Bảng không ngừng cố gắng, để bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm trước nhiều nguy cơ bị thu hẹp môi trường sống.
Voọc mông trắng (hay còn gọi là voọc quần đùi trắng) là loài linh trưởng nằm trong danh sách 25 loài động vật nguy cấp nhất thế giới. Đây là một trong năm loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu. Tại Việt Nam, voọc mông trắng là loài đặc hữu quý hiếm, có tên trong "Sách Đỏ" của Việt Nam và thế giới; cần được bảo vệ. Voọc mông trắng phân bố ở rừng già, rừng nguyên sinh trên núi đá nhiều hang động. Theo kết quả điều tra của Hội Bảo vệ Động vật Frankfurk (Đức) tại Việt Nam, voọc quần đùi trắng chỉ còn ở Việt Nam với hơn 200 cá thể, được phân bố tại 18 điểm tách biệt nhau thuộc các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình và Thanh Hóa |