Bảo tồn và phát triển làng nghề cổ truyền Thổ Hà

(Sóng trẻ) - Thổ Hà từ lâu được biết đến là một ngôi làng nhỏ ven sông Cầu với những nét văn hóa mang đậm bản sắc hồn cốt của người Việt. Không chỉ thu hút khách du lịch gần xa bởi nghệ thuật kiến trúc cổ, các lễ hội và phong tục tập quán độc đáo, cái tên Thổ Hà còn gắn liền với những làng nghề truyền thống. Nhưng gần hai năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh đã tác động không nhỏ tới các làng nghề thủ công của làng. Tưởng chừng như không còn cơ hội cho các làng nghề vực dạy sau “tâm bão lớn” nhưng người dân nơi đây vẫn vững tin, cố gắng kiên trì bám trụ với nghề để gìn giữ tâm huyết bao đời mà ông cha đã truyền lại cho thế hệ con cháu. 

Thổ Hà – dấu ấn làng quê Việt

Làng Thổ Hà, thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là một trong những ngôi làng cổ hiếm hoi giữ được những nét mộc mạc, cổ kính vốn có của hình ảnh làng quê Việt. Đây cũng chính là nét thu hút khách thập phương và là nguồn cảm hứng sáng tác nghệ thuật bất tận của những thi ca, họa sĩ. Thổ Hà vang bóng một thời với nghề làm gốm trứ danh từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy không còn giữ được sức hút mạnh mẽ ngày nào nhưng sự hưng thịnh của nghề làm gốm xưa đã giúp dân làng tạo nên những quần thể kiến trúc đình chùa, cổng làng,… bề thế và uy nghi đến tận bây giờ.

dsc_7993.JPG
Minh chứng về một thời kỳ vàng son của làng gốm Thổ Hà

Nghề làm gốm dần lụi tàn, thay vào đó nghề làm bánh đa nem và nhất là bánh đa Thổ Hà nhanh chóng phát triển, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Bánh đa Thổ Hà đã có thương hiệu từ những năm 90 của thế kỷ trước và trở thành đặc sản của Thổ Hà nói riêng và Bắc Giang nói chung. Đây là thức quà quê bình dị và dân dã rất được lòng du khách. Khách vãng lai ghé thăm làng khi ra về đều không quên mua về làm quà tặng cho gia đình người thân.

Kiên trì giữ nghề

Cứ 4 rưỡi sáng, anh Thắng – chủ cơ sở sản xuất bánh đa Trung Bạn lại cùng vợ hì hục dậy nhóm lửa, chuẩn bị các nguyên liệu cho một ngày làm việc mới. Các nguyên liệu được chọn đều là loại ngon thượng hạng vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của bánh: vừng trắng đãi kĩ, lạc mẩy hạt, dừa cũng là loại dừa già, cùi dày,.. Gạo tẻ ngâm trong nước 1 đến 2 tiếng rồi mang xay nguyễn trộn cùng nước mật mía để tạo độ sánh mịn. Vậy là đã sẵn sàng cho công đoạn tráng bánh. Bánh sẽ được tráng thành hai lớp và sau đó được mang đi phơi.

Khâu nướng bánh là vất vả nhất, đòi hỏi người thợ lành nghề phải nướng bánh trên lò than hồng rực đỏ lửa. Chị Cảnh, vợ anh Thắng đã làm nghề được hơn 20 năm, chịu được áp lực của công việc nhưng dù vậy vẫn phải trang bị thêm chiếc quạt nhỏ bên cạnh để giảm bớt sức nóng từ lò than. Nhìn đôi tay chị linh hoạt, uốn nắn từng nếp bánh nhanh thoăn thoắt hết mẻ này tới mẻ khác mà trên môi vẫn nở nụ cười mới thấy người phụ nữ này yêu nghề tới nhường nào. 

Người tráng, người phơi, người nướng bánh, chia nhau ra làm cứ thế đến khoảng 7 giờ sáng, hàng chục chiếc bánh đa giòn tan, thơm ngon được đóng gói đẹp đẽ chờ khách đến mua. Sau dịch, lượng khách đến mua có giảm hơn trước. Một phần là bởi kinh tế bị ảnh hưởng và tâm lý ái ngại tránh tiếp xúc của người dân.

“Dịch bệnh gây khó khăn và sức ép lớn về kinh tế đối với các hộ gia đình nói riêng và người dân làng nói chung. Từ lúc có dịch, tất cả các hoạt động sản xuất, giao thương bị đình trệ khiến nhiều cơ sở sản xuất lao đao, gia đình anh chị cũng không phải ngoại lệ. Thời gian gần đây, bến đò Thổ Hà được cho phép hoạt động lại nên việc giao thương buôn bán mới được thúc đẩy phát triển trở lại. Trung bình mỗi ngày anh chị sẽ bán được tầm khoảng 200 bánh, cũng đủ gọi là chi tiêu cho cuộc sống và dư dả được chút ít. Mình làm nghề chủ yếu vì cái tâm. Ông bà đã truyền nghề lại cho mình thì mình phải gắng mà giữ lấy. Chị cũng sợ sau nghề bị mai một dần đi thì buồn lắm. Lâu lâu mà không được làm bánh là lại nhớ nghề.”, chị tâm sự.

dsc_7895.JPG
Chị Cảnh miệt mài tráng bánh để kịp bán cho khách

Nuôi dưỡng sức sống làng nghề

Ở làng, hiện tại có hơn 300 hộ làm bánh. Ngoài bán cho khách mua lẻ thì các hộ sản xuất hay nhận bán buôn cho các thương lái đến từ khắp các tỉnh thành khác trong cả nước. Những chiếc bánh từ quê hương Thổ Hà cứ như vậy mà rong ruổi đến khắp các thôn làng ngõ xóm và trên cả những con phố đông đúc sầm uất nơi thị thành.

Suốt nhiều năm qua, bánh đa Thổ Hà vẫn khẳng định được vị trí trong lòng người tiêu dùng nhờ cách chọn lựa những nguyên liệu thơm ngon và quy trình làm bánh đầy sự tỉ mẩn và khéo léo. Dường như trong mỗi chiếc bánh đều có cái tâm người thợ gửi vào đó. Tuy vậy, vẫn chưa có nhiều cơ hội để bánh đa Thổ Hà được xuất hiện nhiều hơn trong các chuỗi siêu thị lớn. Đó cũng là mong mỏi của chính quyền địa phương và người dân bấy lâu để nâng tầm đặc sản Thổ Hà và cũng là để giúp người dân có cuộc sống ấm no ổn định hơn.

dsc_7905.JPG
Những “giàng” bánh mang theo hy vọng của người dân Thổ Hà

Để làm được điều đó cần đến sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, các ban lãnh đạo xã, huyện, tỉnh để ý và chăm lo tới đời sống người dân, nhất là trong mùa dịch. Cần đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy từng hộ sản xuất, cơ sở kinh doanh giữ vững nghề truyền thống; làm tốt công tác an sinh xã hội để người dân an tâm sản xuất, gắn bó với nghề, tiếp tục cống hiến cho quê hương. Song song với đó, các cơ quan báo chí cũng cần thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh để bánh đa Thổ Hà càng ngày đến gần hơn với du khách thập phương.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN