“Bây giờ tôi tham vọng hơn khi mơ ước sẽ trở thành một thầy thuốc giỏi”

(Sóng Trẻ) - Ngô Văn Định - Vĩnh Thành, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - là tấm gương sáng về nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của một người khuyết tật. Sau khi học xong, anh mong muốn: “Khi tay nghề đã cứng cáp rồi, có thể tự nuôi sống bản thân mình thì tôi muốn chữa bệnh từ thiện giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, và những người gặp bất hạnh để phần nào làm dịu đi những nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu”. và thế là anh trở về bốc thuốc chữa bệnh trên chính quê hương mình.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn chúng tôi đã thực hiện.

Khi hỏi đường vào nhà anh chúng tôi nghe có người gọi anh là Sọ dừa. Tại sao anh lại có biệt danh này? Và mỗi khi nghe tên này anh cảm thấy thế nào?


Tôi hay bị các bạn và một số người khác gọi là Sọ dừa vì đầu tôi to hơn bình thường. Nghe mẹ kể lại thì khi tôi sinh ra cũng bình thường như bao nhiêu đứa trẻ khác. Nhưng khi được 4 tháng tuổi thì tôi bị ốm một trận rất nặng. Sau đó mọi thứ đều đã thay đổi. Sức khỏe tôi ngày càng yếu đi, đầu ngày càng to ra; chân tay chậm phát triển hơn các bạn cùng tuổi. Mẹ tôi vì chăm sóc tôi ngày đêm mà yếu đi nhiều. Anh trai tôi lúc ấy cũng mới 3 tuổi nhưng vì tôi mà chịu nhiều thiệt thòi. Bố tôi đang là thuyền trưởng, bí thư chi bộ vận tải cũng vứt bỏ sự nghiệp mà về nhà để chăm tôi với số tiền được cấp một lần là 980.000đ.

Trước kia tôi cũng mặc cảm vì cách gọi này lắm. Nhưng khi lớn lên rồi tôi có thể đối mặt với nó mà không thấy bị áp lực nữa. Xã hội còn rất nhiều người có số phận bất hạnh, không phải chỉ có một mình tôi.

Sức khỏe của anh không được như các bạn cùng trang lứa nhưng 12 năm học anh luôn là học sinh khá, giỏi. Điều gì đã làm nên thành tích ấy?

Ba năm đầu đời tôi ốm liên tục, cứ đi viện suốt nhưng không thấy khá hơn. Có lần bệnh viện còn trả về. Nhưng bố mẹ không bỏ cuộc. Bố chăm tôi theo kinh nghiệm ông có, kết hợp với những bài thuốc nam. Nài ra nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm, người thân mà sức khỏe của tôi dần ổn định, cứng cáp hơn. Rồi hơn 3 tuổi mọi người cũng tập cho tôi biết đi. Và tôi cũng đòi đi học như bao bạn bè khác mặc dù bố mẹ khá lo lắng cho sức khỏe của tôi.

Suốt 12 năm học phổ thông, ngày nào bố cũng đèo tôi mấy lần trên chiếc xe đạp cũ đến trường rồi về nhà. Chính bố mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Tôi không muốn bỏ cuộc hay làm họ thất vọng.  Thầy cô bảo tôi là trường hợp khuyết tật đầu tiên vẫn đi học bình thường ở trong huyện.

Vậy anh đã gặp những khó khăn gì trong những ngày đầu đến lớp?

Thời gian đầu bố đưa tôi đến trường, vì người tôi không cân đối (đầu to, chân tay ngắn, khó thăng bằng) nên tôi rất hay bị ngã khi ngồi trên xe. Ngã nhiều đến nỗi bố phải lấy dây buộc xung quanh người để giữ tôi ngồi trên xe. Khi đến lớp thì tôi ngồi trong lớp, bố đứng nài trông chừng. Có ngày học 2 buổi bố phải đèo tôi đi về 4 lần, chưa kể những hôm học thêm buổi tối.

Thương bố nhất là những hôm trời mưa to, đường làng trơn bẩn, giữ được thăng bằng cho cả tôi và chiếc xe rất khó, nhiều lần bố phải dắt bộ cả cây số. Rồi những đêm mùa đông trời lạnh căm căm, bố vẫn đứng đợi tôi tan học. Khi cảm nhận được những suy nghĩ của tôi bố chỉ nói : “Tao chỉ mong cho mày học hành làm sao được bằng bạn bè khác. Cố gắng vui vẻ mà sống, không phải suy nghĩ nhiều làm gì.”

Cũng vì sức khỏe yếu nên tôi hay bị ốm, việc học cũng hay gián đoạn. Nhiều hôm ngồi học mà chân tay cứ mỏi rã rời, cầm bút cũng khó nữa (ngón tay bạn rất ngắn), lại hay bị đau đầu khi thời tiết thay đổi. Có những lần không hoàn thành bài tập về nhà, lên lớp cứ sợ cô giáo mắng, nhưng khi nghe bố trình bày cô cũng hiểu và thông cảm cho. Bố và tôi cùng nhau cố gắng, không để phải nghỉ học, trừ những ngày tôi bệnh nặng.

Thời gian đầu bạn bè còn trêu chọc và thậm chí cô lập tôi. Sau này mọi người quen dần với sự xuất hiện của tôi nên mọi chuyện cũng ổn.

Anh đã từng chia sẻ rằng cả 6 buổi thi đại học anh đã phải đứng làm bài. Lúc đó anh có cảm giác thế nào?


Khi tôi đi thi đại học mục tiêu của tôi là cố gắng hết sức để đạt kết quả cao nhất. Tuy nhiên vào phòng thi tôi mới biết mình phải đối mặt với khó khăn ra sao. Vì khoảng cách giữa bàn và ghế quá xa nhau nên trong cả hai đợt thi khối A và B tôi đều phải đứng làm bài. Xương của tôi yếu nên đứng một lúc đã mỏi hết chân tay, hoa mắt…Nhiều lúc muốn gục xuống bàn và bỏ thi. Vừa làm bài thi tôi vừa thầm trách ông trời sao lại thử thách tôi nhiều như vậy? Sự mệt mỏi, chán nản cũng ảnh hưởng một phần đến kết quả bài thi của tôi.

Tuy gặp không ít khó khăn trong quá trình thi nhưng anh đã đậu cả hai trường thi : Đại học nông nghiệp 1 (ngành tin học- khối A) và hệ cao đẳng Học viện y dược học cổ truyền. Vậy tại sao anh lại chọn học cao đẳng trong khi định hướng của anh trước đây vẫn thiên về ngành tin học ?

Tôi vốn nghĩ mình hợp với ngành tin học. Nhưng sau khi biết kết quả thi tôi đã hỏi ý kiến nhiều người xem nên chọn trường nào. Vợ chồng cô giáo hiệu phó trường cấp 3 - cũng là giáo viên dạy Hóa của tôi đã khuyên tôi nên chọn trường Y vì nó hợp với điều kiện của tôi. Hơn nữa sau này không xin được việc tôi vẫn có thể về quê bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người, sống có ích cho xã hội. Bố mẹ tôi cũng ủng hộ việc tôi học Y. Thời gian đợi nhập học tôi cũng suy nghĩ nhiều, cuối cùng thì chọn học trường y theo ý muốn của bố mẹ.

Trong những năm tháng học đại hoc khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải là gì?

Mấy năm học đại học, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Tôi không thể tự làm mọi việc mà phải có bố giúp đỡ. Có nhiều khi buổi sáng tôi đi lâm sàng ở viện, chiều đi học, tối lại trực ở viện tôi gần như kiệt sức. Nhất là hôm nào thời tiết thay đổi, người tôi đau, mỏi ê ẩm. Có hôm đến lớp thầy giáo thấy mệt mỏi quá nên bảo: “Đừng nên cố gắng  quá, phải biết giữ gìn sức khỏe chứ” rồi cho tôi về nhà nghỉ. Nhưng tôi tự nhủ với mình rằng phải cố gắng lên, không được bỏ cuộc, tôi phải học để sau này có nghề nghiệp, kiếm được cơm ăn, không làm khổ bố mẹ nữa.


"Tôi phải học để sau này có nghề nghiệp, kiếm được cơm ăn, không làm khổ bố mẹ nữa"

Vậy đã có khi nào anh nghĩ là mình sẽ bỏ cuộc?


Quả thực học ngành y rất vất vả.  Khi mệt mỏi tôi đã từng suy nghĩ: liệu mình có lựa chọn đúng? Thậm chí đã có lúc tôi cho rằng sự lựa chọn này là sai lầm lớn nhất của tôi vì vậy, đôi khi muốn bỏ cuộc. Năm đầu tiên tôi vừa đi học và vừa mang suy nghĩ sẽ thi lại một trường khác. Nhưng sau đó tôi đã thay đổi suy nghĩ. Nhờ sự động viên của thầy cô, gia đình, bạn bè và đặc biệt là sự chia sẻ của các anh chị khóa trước (có hoàn cảnh như tôi) đã giúp tôi vượt qua những khó khăn ấy và lại tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thầy thuốc. Khi hoàn thành chương trình học tôi đã có niềm đam mê với nghề y và muốn tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn nữa về nó.

Anh có thể chia sẻ một chút về công việc hiện tại của mình?


Hơn 1 tháng nay tôi về quê, tự thực hành chữa bệnh mà không có sự giám sát của thầy cô. Những bệnh nhân của tôi hiện tại chủ yếu là anh em, họ hàng, những người cũng xã…cũng có một số người nghe tin tôi bốc thuốc chữa bệnh ở quê mà tìm đến. Một ngày tôi chữa cho 5-6 bệnh nhân ngay tại nhà, có hôm đông bệnh nhân thì khoảng 10 người. Vì sức tôi yếu nên với số bệnh nhân như vậy, bệnh của họ cũng không giống nhau nên cũng hơi vất vả, tôi không có thời gian rãnh. Nhưng tôi thấy rất vui.


Hiện tại  Định đang chữa bệnh cho những người dân ở quê nhà

Thỉnh thoảng có những ca bệnh khó, tôi không dám tự xử lý mà phải gọi điện thoại hỏi các thầy cô. Việc tự thực hành giúp tôi rất nhiều trong việc thu thập kiến thức, tiếp xúc nhiều hơn với các loại bệnh và giúp tôi kiểm tra được lượng kiến thức mình đã học được. Tôi dự định cứ 3-4 tháng chữa bệnh ở nhà tôi lại ra Hà Nội khoảng 1-2 tháng, về trường học thêm về các loại bệnh mới, tiếp thu thêm kiến thức …

Giờ anh có dự tính gì cho tương lai?

Tôi rất thích và luôn ghi nhớ câu nói : “Nghề y là không được nghỉ ngơi, phải liên tục nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi. Nếu không như vậy là mình tự đào thải mình”. Sau này tôi còn phải học thêm nhiều nữa cho tay nghề vững hơn, giúp chữa được nhiều bệnh  cho nhiều người.

 Khi tay nghề đã cứng cáp rồi, có thể tự nuôi sống bản thân mình thì tôi muốn chữa bệnh từ thiện giúp người có hoàn cảnh khó khăn, hay gặp bất hạnh, mang bệnh như mình để phần nào làm dịu đi những nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu. Tấm gương của các lương y Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh khiến tôi rất ngưỡng mộ và sẽ phấn đấu để phần nào làm được những việc như các vị ấy đã làm.

Vậy ước mơ hiện tại của anh là gì?

Trước đây tôi chỉ mơ ước có một cuộc sống bình thường, không phụ thuộc bố mẹ. Nhưng bây giờ tôi tham vọng hơn khi mơ ước sẽ trở thành một thầy thuốc giỏi, chữa bệnh cứu người và làm việc thiện, giúp đỡ nhiều người đau khổ, khó khăn. Tôi tin mình có đủ sức để phụng dưỡng bố mẹ khi về già.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

 

Lê Thị Huế - Phạm Thị Lài

Lớp Báo mạng điện tử K.28

Học viện Báo chí và Tuyên truyền


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN