Bệnh “lần lữa”
(Sóng trẻ ) - “Mày làm bài tiểu luận chưa?” – “Tao chưa, lo gì. Tối làm sáng mai nộp cũng được, giờ xem phim đã”.
Bạn có thấy mình trong đó không? Tôi thì có. Một đứa sinh viên năm hai, thú thật tôi chưa bảo giờ hoàn thành bài tập sớm hơn một ngày so với hạn nộp của thầy cô, có chăng là sớm hơn nửa ngày. Đã quen với cái cảnh “nước đến chân mới nhảy”, lần nào cũng hấp tấp, gõ máy tính đến mỏi rã tay, rồi vắt chân lên cổ mà chạy ra quán in bài cho kịp giờ nộp.
Cuối cùng, sau mỗi bài tập tôi chẳng còn đọng gì trong đầu. Kiến thức trôi tuột vào những bộ phim nhiều tập, hàng giờ liền lang thang trên mạng hay tán gẫu với bạn bè… 2 năm, 3 năm rồi 4 năm sau ra trường, một viễn cảnh chung không chỉ của tôi mà sẽ rất nhiều sinh viên Việt Nam nhận được,có gì khác nài tấm bằng và những lỗ hổng về kiến thức cũng như trải nghiệm thực tế.
Không phải cho đến giờ tôi mới nhận ra sự thật đau đớn này, mà phải nói rằng sức ì trong mỗi con người chúng ta quá lớn, ta đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng lại quên rằng trách nhiệm ấy thuộc về chính bản thân mình. Những lời hô hào như “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” hay dường như không đủ sức làm lay chuyển suy nghĩ và hành động của một con người. Những ước mơ, hay đam mê đẹp đẽ cũng không cánh mà bay dần theo năm tháng để rồi đến lúc muốn hối hận cũng đã quá muộn.
Thời gian cũng không bao giờ ngược dòng cho bạn bù đắp quá khứ cả. Tôi viết những dòng này không phải để lên lớp hay dạy đời một ai cả, nó xuất phát từ sự nuối tiếc trong nhận thức của chính bản thân tôi. “Nhiều người đã chết khi mới 25 tuổi nhưng chỉ được chôn cho đến khi được 75 tuổi”.
Hãy thay đổi khi chưa quá muộn bạn à!
Phạm Thị Hạnh
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận