Cam Vinh “khốn đốn” tìm đầu ra dịp Tết
(Sóng trẻ) - Cận Tết Nguyên đán, “thủ phủ cam Vinh" ảm đạm khi vắng bóng thương lái. Cam mất giá, thương lái không mặn mà khiến nhiều hộ sản xuất phải tìm hướng đi mới cho cây trồng chủ lực của địa phương.
Thương hiệu cam Vinh đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”
Thị trường tiêu thụ không ổn định, năng suất không đạt, kèm theo đó là dịch bệnh khiến “thủ phủ” cam Vinh huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) kém sôi động khi Tết Nguyên Đán đã cận kề. Hiện tại, giá cam dao động 25.000 - 27.000 đồng/kg, so với ngày thường có tăng nhẹ nhưng không đáng kể.
Từng là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao của huyện Quỳ Hợp, giúp nông dân thu hàng tỉ đồng mỗi năm, song cam Vinh ngày càng rớt giá, thời điểm thấp nhất chỉ 5.000 đồng/kg. Giá cam “rẻ như cho” nhưng vẫn ít thương lái thu mua, thị trường tiêu thụ giảm so với nhiều năm trước khiến nông dân lao đao, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Theo ông Nguyễn Văn Phong (xã Minh Hợp, Quỳ Hợp), việc giá cam chỉ tăng nhẹ vào dịp Tết là do tình hình dịch bệnh căng thẳng, kéo dài, năng suất thấp, phần lớn cây trồng bị phá bỏ.
Tình trạng cam Vinh mất giá đã diễn ra 2 - 3 năm nay, người dân cũng không còn tha thiết với loại cây trồng “khó tính” này. Thương hiệu cam Vinh chính vì vậy mà đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.
Ông Phong chia sẻ thêm: “Hiện tại, tôi cũng như nhiều hộ dân khác trong vùng vẫn chưa tìm ra giải pháp cải thiện năng suất, giá thành cam Vinh, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp. Đa số người trồng cam trước đây đã chuyển sang cây trồng khác, những người còn lại như tôi chỉ cố gắng duy trì tạm thời, không dám hi vọng nhiều”.
Giúp nông dân tìm đầu ra cho Tết
Bên trong xưởng sản xuất gần 300 m2, hàng chục công nhân tại cơ sản xuất cam Vinh Kỳ Yến đang tất bật đóng những đơn hàng mứt chế biến từ cam Vinh để chuyển đi khắp cả nước.Thuộc sự quản lý của công ty CP Trang trại nông sản Phủ Quỳ, đây là nơi những quả cam tươi được chế biến thành một số sản phẩm như: Mứt, tinh dầu, nước sát khuẩn,...
Cam tươi rớt giá, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất tại Quỳ Hợp phải thích nghi với điều kiện sản xuất mới để tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo chia sẻ của chị Hồ Thị Thanh Thúy - quản lý xưởng, ý tưởng chế biến cam thành phẩm xuất phát từ việc năng suất cam không đạt chất lượng, ít thương lái thu mua. Doanh nghiệp muốn tìm giải pháp giúp nông dân nên đã tham khảo thị trường, bắt đầu thu mua cam và chế biến.
Hiện nay, cơ sở cam Vinh Kỳ Yến đang sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cam như: Mứt vỏ cam, mứt múi cam, vỏ cam sấy khô làm mỹ phẩm, bia, tinh dầu,... Trong đó, mặt hàng bán chạy nhất là mứt vỏ cam với giá 75.000 đồng/100g. Vỏ cam được rửa sạch, thái lát sau đó trải qua quá trình tẩm ướp gia vị, phơi sấy cho ra thành phẩm mứt.
Anh Phan Hữu Tiệp - quản lý xưởng cho biết, việc tiêu thụ các sản phẩm từ cam phẩm khá ổn định, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Người tiêu dùng thường mua mứt ăn Tết hoặc làm quà cho gia đình, bạn bè. Nhiều đơn vị phân phối tìm đến và đặt hàng tại cơ sở với số lượng lớn.
Dù doanh nghiệp đang cố tìm đầu ra cho cam Vinh dịp Tết, song không khí ảm đạm vẫn bao trùm “thủ phủ” cam Vinh khi nhiều hộ sản xuất vẫn chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm. Giá cam vẫn lên xuống thất thường khiến nhiều người dân phải từ bỏ, chuyển sang cây trồng khác.