Khi "quỷ dữ" được bảo vệ
(Sóng trẻ) – Thiếu niên Trung Quốc 13 tuổi lạm dụng và sát hại bé gái 10 tuổi nhưng chỉ phải vào trại giáo dưỡng, khiến công chúng nước này không khỏi phẫn nộ và đặt ra câu hỏi về kẽ hở trong luật hình sự quốc gia.
Bàn thờ của bé gái xấu số (Ảnh: Beijing News)
Tờ China Daily đưa tin, thi thể của bé gái 10 tuổi được tìm thấy vào ngày 20/10, vài giờ sau khi anh trai đưa cô bé tới lớp học vẽ. Sau giờ học không thấy con gái về nhà, bố mẹ cô bé đã ra nài tìm và phát hiện ra xác nạn nhân ngay gần nơi ở. Họ ngay lập tức đi báo cảnh sát. Chính trong đêm đó, một nam thiếu niên 13 tuổi bị bắt giữ. Cảnh sát cho biết, thiếu niên này đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình sau khi thẩm vấn.
Trao đổi với tờ báo địa phương Jinyun News, bố nạn nhân cho biết, kẻ thủ ác đã đưa cô bé về nhà hắn, tấn công tình dục và đâm bé bằng nhiều nhát dao. Tiếp đó, hắn vứt thi thể của nạn nhân vào rừng.
Phía cảnh sát cho hay, theo điều 17 của Luật Hình sự Trung Quốc, thiếu niên nói trên sẽ không bị buộc tội vì chưa đủ 14 tuổi – độ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý. Trường hợp này được gọi là “doli incapax”, một thuật ngữ Latin nhằm chỉ những người không có khả năng phạm tội hoặc hành vi ác ý. Mục đích ở đây là để tránh kết tội một đứa trẻ như người lớn, bởi đứa trẻ đó chưa đủ trưởng thành để nhận thức được lỗi lầm mà mình đã gây ra.
Thay vào đó, sát nhân 13 tuổi sẽ được đưa tới một trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ vị thành niên trong vòng ba năm. Chuyên gia Miao cho biết: “Đây là một biện pháp tương đối khắc nghiệt, bởi các hành động của cậu ta sẽ bị hạn chế, điều này tương tự với việc giam giữ”.
Bên trong một trại giáo dưỡng trẻ vị thành niên (Ảnh: Getty Images)
Khi quỷ dữ được bảo vệ
Vụ án đã gây nên một làn sóng tranh luận dữ dội tại Trung Quốc. “Cô bé đã chết, nhưng con quỷ sát hại cô bé lại được bảo vệ!”, một người dùng Weibo phẫn nộ. Người này nói thêm rằng kẻ thủ ác hoàn toàn có thể “bắt đầu một cuộc sống mới chỉ sau ba năm nữa”.
Nhiều ý kiến cho rằng những tội phạm nhỏ tuổi nên bị trừng phạt thích đáng. “Dù là 10 tuổi hay 70 tuổi đều không quan trọng”, một tài khoản phát biểu. “Tuổi tác không nên là cái cớ bao biện cho hành vi phạm tội”. Một người khác cho biết anh ta thực sự cảm thấy “những vụ án hình sự khủng khiếp không nên có giới hạn độ tuổi”.
Một số cơ quan truyền thông nhà nước cũng đưa tin về sự việc trên. “Khi công lý không được thực thi toàn diện, sẽ có những người tự đưa quyền định đoạt về phía bản thân và làm những gì họ cho là công bằng”, một bình luận trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho hay.
Chuyên gia Miao nói rằng những tranh cãi của cộng đồng đã dẫn đến một “cuộc tranh luận triết học giữa hai quan điểm xã hội”.
Theo chuyên gia: “Một số người sẽ cho rằng các nạn nhân nên được bảo vệ bằng cách mở rộng giới hạn độ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý xuống những đối tượng nhỏ tuổi, trong khi những người khác lại bày tỏ quan điểm rằng quyền lợi và khả năng phục hồi những nghi phạm trẻ tuổi mới là thứ cần được đảm bảo, vậy nên giới hạn độ tuổi cần phải thu hẹp lại”. Cô cũng nói thêm rằng vấn đề này ngày càng thêm nhức nhối khi những năm gần đây có rất nhiều người trẻ phạm tội nghiêm trọng, và số lượng này vẫn còn gia tăng.
Bằng cách thiết lập ngưỡng tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 14 tuổi trở lên, Trung Quốc đã trở thành một trong số các nước bảo vệ quyền lợi của các tội phạm vị thành niên. Theo Mạng lưới Thông tin Quyền Trẻ em, trên thế giới, đa số các nước Châu Âu bắt đầu truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối tượng từ 12 đến 16 tuổi. Riêng Anh, xứ Wales, Bắc Ireland và Thụy Sĩ đặt giới hạn là từ 10 tuổi trở lên.
Theo thông tin từ Trung tâm Bảo vệ Vị thành niên Quốc gia, nhiều quốc gia và khu vực khác, giới hạn độ tuổi còn thấp hơn. Tại Bắc Carolina, ngưỡng tuổi bắt đầu truy cứu trách nhiệm là 6 tuổi, và đối với 19 tiểu bang khác của Mỹ là trong khoảng từ 7 đến 11 tuổi. Mỹ có riêng một hệ thống tư pháp hình sự vị thành niên, khi những phạm nhân nhỏ tuổi phạm tội nghiêm trọng, họ sẽ bị xử như người trưởng thành.
Tại Ấn Độ, Singapore, Brunei và Malawi, giới hạn tuổi là từ 7 tuổi trở lên. 8 tuổi đối với Kenya và Zambia.
Tuy nhiên, nhiều khu vực pháp lý của những đất nước này sẽ chỉ kết tội một đứa trẻ khi chúng được chứng minh là đã đủ trưởng thành và có khả năng nhận thức đúng, sai. Theo Ủy ban Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc, độ tuổi giới hạn được khuyến nghị là từ 12 tuổi trở lên.
Luật mới
Sự phản đối luật pháp hiện hành được đưa ra sau một loạt các vụ việc tương tự đã xảy ra Trung Quốc. Vào tháng 3 năm 2019, một cậu bé 13 tuổi tại tỉnh Giang Tô đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc sát hại mẹ mình sau một cuộc cãi vã. Cậu bé này đã được gửi về nhà và trao cho một người giám hộ quản lý, cho đến khi nhà nước quyết định cách xử lý vụ việc vì không thể kết án cậu bé.
Tháng 12 năm nái, truyền thông Trung Quốc đưa tin, một cậu bé 12 tuổi ở Hồ Nam đã đâm chết mẹ mình. Vụ án của cậu ta gây ra sự phẫn nộ trên diện rộng vì hung thủ được phép trở lại trường chỉ 9 ngày sau vụ giết người. Cùng tháng đó, một cậu bé đến từ tỉnh Hồ Nam, 13 tuổi, đã thú nhận với cảnh sát rằng cậu ta đã giết cả cha mẹ mình bằng búa. Thiếu niên này cũng được thả ra và được phép trở lại trường học vì còn nhỏ tuổi.
Theo China Daily, không ai trong số những đứa trẻ trên phải chịu trách nhiệm hình sự vì tất cả đều dưới 14 tuổi.
Tuy nhiên, việc sửa đổi luật hiện đang được tiến hành sẽ đưa ra các hình phạt khắc nghiệt hơn. Vào ngày 21 tháng 10, Quốc hội Nhân dân Quốc gia, cơ quan lập pháp hàng đầu nhà nước, đã xem xét các dự thảo sửa đổi của Luật Bảo vệ Người chưa thành niên và Luật Phòng chống Tội phạm Vị thành niên.
Các văn bản mới nhắc tới ba cấp độ phạm tội, từ hành vi xấu đến tội phạm nghiêm trọng. Họ liệt kê tám biện pháp khắc phục, áp dụng cho cả các đối tượng dưới 14 tuổi, bao gồm việc được gửi đến một trường học đặc biệt cho tội phạm vị thành niên. Việc này đảm bảo rằng tội phạm nhỏ tuổi sẽ không chỉ bị đưa về cho gia đình quản lý và không phải chịu bất kì trách nhiệm pháp lý nào như hiện nay.
Phạm Phương Linh (Theo CNN)
Cùng chuyên mục
Bình luận