Cảnh giác với các phương pháp điều trị ung thư vô căn cứ đang gây sốt trên mạng xã hội
(Sóng trẻ) - Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhiều phương pháp điều trị ung thư chưa được kiểm chứng như uống nước mía hay nước kiềm đang tràn lan và gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Vì vậy, cần nâng cao cảnh giác và nhận thức để bảo vệ sức khỏe, tránh rơi vào bẫy của những phương pháp thiếu cơ sở khoa học.
Bác sĩ Bùi Thị Thương hay còn được gọi bằng cái tên bác sĩ Thương Yêu. Cô tốt nghiệp cử nhân y khoa với tấm bằng loại giỏi tại trường Đại học Trung y dược Thượng Hải và liên tiếp nhận được các suất học bổng toàn phần từ thạc sĩ đến tiến sĩ tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc – trung tâm nghiên cứu, phát triển về y học cổ truyền và y học hiện đại. Hiện cô đang là thành viên của Hiệp hội phòng chống ung thư thành phố Thượng Hải. Trong bài phỏng vấn này, bác sĩ sẽ cung cấp thông tin rõ ràng, chính xác về những nguy cơ tiềm ẩn và cách thức giúp cộng đồng có cái nhìn đúng đắn hơn về điều trị ung thư. |
PV: Thưa bác sĩ, hiện nay có nhiều phương pháp chữa trị ung thư lan truyền trên mạng xã hội, như dùng nước mía hay uống nước kiềm. Theo bác sĩ, điều gì khiến bệnh nhân dễ tin tưởng vào những phương pháp chữa trị chưa được kiểm chứng như vậy?
TS.BS.Bùi Thị Thương: Tôi đã làm công tác hỗ trợ bệnh nhân ung thư hơn hai năm nay, từ khi còn ở Việt Nam, và trong thời gian ấy, tôi đã đồng hành cùng rất nhiều trường hợp. Qua thực tế, tôi nhận thấy nhiều người dễ tin vào các phương pháp điều trị ung thư không được kiểm chứng vì một số lý do chính sau:
Thứ nhất, tâm lý tuyệt vọng khiến bệnh nhân dễ tìm kiếm hy vọng mới, dù chỉ là mong manh. Đặc biệt, những bệnh nhân ở giai đoạn ung thư tiến triển thường cảm thấy vô định khi đối mặt với kết luận của bác sĩ. Khi nghe rằng tiên lượng của mình không tốt, hoặc phác đồ điều trị có thể không mang lại hiệu quả cao, họ sẽ cảm thấy hoang mang và sợ hãi. Chính những cảm xúc này khiến họ dễ bị thu hút bởi các liệu pháp được quảng bá là “phép màu,” hứa hẹn chữa khỏi bệnh mà không cần trải qua các phương pháp điều trị khắc nghiệt như hóa trị, xạ trị hay phẫu thuật. Điều này khiến người bệnh khao khát một con đường dễ dàng hơn, một giải pháp nhẹ nhàng hơn để thoát khỏi bệnh tật.
Thứ hai, lý do khiến họ dễ tin vào các phương pháp này là do thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Những thông tin này quá dễ tiếp cận vì được chạy quảng cáo liên tục, thường được trình bày theo cách hấp dẫn, đánh đúng tâm lý của người bệnh. Nhiều "chuyên gia tự phong" sử dụng ngụy khoa học để thuyết phục người đọc. Thậm chí, ngay cả những người có hiểu biết nhất định về khoa học cũng có thể bị đánh lừa bởi các luận điểm ngụy tạo đó. Ví dụ như những bài viết, video quảng bá về phương pháp uống nước mía hay dùng nước kiềm – những cách chữa bệnh được cho là dựa trên Đông y hay các nguyên lý khoa học. Nhưng thực tế, rất ít người hiểu rõ cốt lõi của Đông y, cũng như không đủ kiến thức để kiểm chứng độ xác thực của các nghiên cứu này.
Thứ ba, sự thiếu hụt kiến thức y học cơ bản cũng là một nguyên nhân quan trọng. Bệnh nhân và gia đình thường không đủ hiểu biết để phân biệt thông tin đúng sai, hay để nhận thức được cơ chế phức tạp của căn bệnh ung thư. Ngay cả những thuật ngữ chuyên ngành được sử dụng sai lệch cũng dễ dàng đánh lừa họ. Vì thế, họ thường chọn tin vào những gì có vẻ đơn giản, dễ hiểu hơn, mà không nhận ra các thông tin ấy hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học.
Cuối cùng, tôi nghĩ một yếu tố không thể bỏ qua chính là sự thiếu đồng cảm và thiếu tư vấn tận tình từ phía bác sĩ. Rất nhiều bệnh nhân tâm sự với tôi rằng họ cảm thấy lạc lõng, không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ bác sĩ trong quá trình điều trị. Có thể do bác sĩ quá bận rộn, không có thời gian giải thích cặn kẽ, hoặc do người bệnh tự cảm thấy khó gần gũi với bác sĩ. Điều này khiến họ không hiểu rõ cơ chế bệnh, không nắm được ý nghĩa của các phác đồ điều trị chính thống, và từ đó, dễ dàng tìm đến các nguồn thông tin không chính thống. Đáng buồn là, những nguồn thông tin này thường được trình bày một cách dễ nghe, dễ tiếp cận hơn nhiều so với các giải thích khoa học.
PV: Những nguy cơ nào có thể xảy ra khi bệnh nhân ung thư tự ý điều trị bằng các phương pháp thiếu cơ sở khoa học, cụ thể là uống nước mía, nước kiềm hàng ngày?
TS.BS.Bùi Thị Thương: Nguy cơ đầu tiên mà người bệnh có thể gặp phải khi tự ý điều trị bằng các phương pháp chưa được kiểm chứng là làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh lý. Những phương pháp như uống nước mía, nước kiềm hay nhịn ăn hoàn toàn thường được nhiều người tin tưởng một cách mù quáng, dẫn đến việc bỏ lỡ "thời gian vàng" để can thiệp bằng các phương pháp y học chính thống đã được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả.
Ví dụ điển hình là một bệnh nhân tôi từng gặp, người đã nhịn ăn suốt hai năm, chỉ sử dụng đậu xanh và gạo lứt. Điều này khiến khối u phát triển nhanh chóng và gây chèn ép ở cổ họng, đến mức bệnh nhân không thể thở được. Khi đó, gia đình mới hoảng hốt đưa đến bệnh viện. May mắn là các bác sĩ đã kịp thời phẫu thuật để cắt bỏ khối u, giúp bệnh nhân hồi phục.
Nguy cơ thứ hai là mất cân bằng dinh dưỡng nghiêm trọng. Một số người bệnh tin rằng uống nước mía hoặc nước kiềm liên tục là phương pháp "chữa bách bệnh." Tuy nhiên, việc tiêu thụ các loại nước này quá mức có thể dẫn đến lượng đường huyết tăng cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt là với bệnh nhân ung thư tiêu hóa. Bên cạnh đó, việc uống nước kiềm sai cách có thể làm mất cân bằng axit-kiềm tự nhiên trong cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa và chức năng thận.
Thứ ba, về tâm lý, việc đặt niềm tin vào các phương pháp chưa được kiểm chứng có thể khiến người bệnh rơi vào trạng thái tuyệt vọng khi phương pháp đó không mang lại hiệu quả. Điều này không chỉ gây tổn thương tinh thần cho người bệnh, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến gia đình họ. Tôi từng gặp trường hợp một bệnh nhân bị lừa đến hơn mười lần, bán sạch tài sản và rơi vào cảnh sống trong căn phòng chỉ rộng tám mét vuông.
Cuối cùng, vấn đề lớn nhất là những hội nhóm quảng bá các phương pháp này thường xây dựng niềm tin sai lầm cho người bệnh. Khi không đạt được kết quả như mong muốn, bệnh nhân có thể mất niềm tin vào các phương pháp điều trị chính thống, thậm chí từ bỏ cơ hội sống. Đây là điều rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn lãng phí thời gian, tiền bạc và làm tổn hại tinh thần nghiêm trọng.
PV: Ngoài sử dụng nước mía hoặc nước kiềm để chữa ung thư, bác sĩ có nhận thấy các phương pháp chữa ung thư sai lệch nào khác đang phổ biến mà người bệnh cần đặc biệt cảnh giác?
TS.BS.Bùi Thị Thương: Trong quá trình điều trị, tôi thường xuyên lắng nghe những chia sẻ từ bệnh nhân về các phương pháp mà họ tin tưởng áp dụng. Ngoài việc uống nước mía hay nước kiềm, rất nhiều bệnh nhân đã thực hiện những cách điều trị khác mà hoàn toàn không có căn cứ khoa học, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Một trong những phương pháp phổ biến mà bệnh nhân thường áp dụng là nhịn ăn với hy vọng "bỏ đói" tế bào ung thư. Nhiều người tin rằng nếu không cung cấp dinh dưỡng, tế bào ung thư sẽ chết vì thiếu năng lượng. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Khi nhịn ăn kéo dài, cơ thể rơi vào trạng thái suy dinh dưỡng, suy kiệt, và hệ miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng. Điều này khiến sức chống chịu của bệnh nhân giảm sút, đặc biệt trong những đợt điều trị hóa trị hoặc xạ trị. Hơn nữa, tế bào ung thư "ăn" rất khỏe và có khả năng tích trữ năng lượng tốt hơn nhiều so với tế bào bình thường, nên việc nhịn ăn không làm chúng chết đi mà chỉ gây hại cho cơ thể. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong do suy kiệt từ việc nhịn ăn quá mức.
Một phương pháp khác mà bệnh nhân thường tin tưởng là sử dụng thảo dược tự nhiên. Nhiều người nghe theo lời khuyên từ người quen hoặc các hội nhóm trên mạng, tự ý đào cây, hái lá về sắc uống mà không rõ nguồn gốc, liều lượng hay tác dụng của chúng. Tôi từng gặp trường hợp một bệnh nhân uống thảo dược với liều lượng lớn, dẫn đến tình trạng men gan tăng cao, suy gan nặng, và cuối cùng tử vong. Việc sử dụng thảo dược không kiểm soát không chỉ gây tổn thương gan, thận mà còn dẫn đến ngộ độc và tương tác nguy hiểm với các loại thuốc điều trị chính thống.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân còn thử áp dụng liệu pháp kiềm hóa bằng baking soda. Đây là cách làm tương tự như uống nước kiềm, nhưng nguy cơ gây rối loạn cân bằng axit-kiềm trong cơ thể càng cao hơn. Sự mất cân bằng này ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa và các cơ quan nội tạng khác, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, một số liệu pháp tâm linh cũng được nhiều người tin tưởng. Có bệnh nhân tìm đến các phương pháp truyền năng lượng, cầu nguyện, hay thiền định tại những địa điểm được cho là "linh thiêng." Tôi từng nghe câu chuyện về một người bệnh ra mộ vào ban đêm để "thu nhận năng lượng từ người đã khuất." Những phương pháp này không có cơ sở khoa học, nhưng lại khiến bệnh nhân bỏ qua cơ hội điều trị y học chính thống, dẫn đến hậu quả không thể cứu vãn.
Chế độ ăn uống cực đoan cũng là một sai lầm nghiêm trọng mà nhiều bệnh nhân mắc phải. Một số người kiêng toàn bộ thịt hoặc chuyển sang ăn thực phẩm thuần chay trong suốt quá trình hóa trị. Điều này làm cơ thể thiếu hụt năng lượng và protein cần thiết để phục hồi sau những đợt điều trị nặng nề. Hơn nữa, việc ăn thực phẩm sống thường xuyên, dù trong Đông y hay các chế độ ăn khác, cũng không được khuyến khích vì dễ gây hại cho hệ tiêu hóa. Đặc biệt, tế bào ung thư lại phát triển tốt hơn trong môi trường lạnh mà thực phẩm sống tạo ra.
Những câu chuyện này cho thấy rằng, niềm tin sai lầm vào các phương pháp không được kiểm chứng không chỉ gây hại cho sức khỏe người bệnh, mà còn làm mất đi cơ hội điều trị chính xác và hiệu quả từ y học hiện đại.
PV: Bác sĩ đánh giá như thế nào về những người lợi dụng việc quảng cáo Đông y là an toàn, không có tác dụng phụ, hoặc lợi dụng danh nghĩa tự nhiên để bán sản phẩm?
TS.BS.Bùi Thị Thương: Những người lợi dụng Đông y để truyền thông hoặc buôn bán sản phẩm thường có mục đích chính là kinh doanh, coi Đông y như một "con rối" để phục vụ lợi nhuận. Họ nắm bắt tâm lý của người bệnh và gia đình, những người luôn mong muốn tìm được phương pháp điều trị hiệu quả, ít độc hại, để giảm bớt đau đớn cho bản thân hoặc người thân. Hiểu được điều này, các gian thương sử dụng những lời quảng cáo đường mật, đánh vào niềm tin rằng Đông y là phương pháp tự nhiên, lành tính.
Họ thường làm truyền thông rất tốt, biết cách viết nội dung để tạo lòng tin, và thậm chí dám tuyên bố những điều không có cơ sở khoa học. Điều này gây hoang mang cho người bệnh, dẫn đến những lựa chọn sai lầm, đôi khi gây hậu quả đáng tiếc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lợi dụng. Một số người thực sự tin vào hiệu quả mà họ đang truyền tải, dù điều đó có thể không đúng với thực tế. Với trường hợp này, thay vì chỉ trích, điều quan trọng là cần tập trung vào giáo dục cộng đồng.
Giải pháp hiệu quả là truyền thông kiến thức đúng đắn về sức khỏe, giúp người dân và gia đình bệnh nhân có đủ hiểu biết để tự lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Việc ngăn chặn các hành vi lợi dụng Đông y là cần thiết, nhưng thực tế cho thấy điều này rất khó, bởi những gian thương vẫn tiếp tục xuất hiện, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi như Trung Quốc. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng vẫn là điều cốt lõi để giảm thiểu tác hại từ những hành vi này.
PV: Bác sĩ có mong muốn hoặc dự án nào trong tương lai để giúp nâng cao nhận thức về chữa trị ung thư đúng cách cho cộng đồng không?
TS.BS.Bùi Thị Thương: Tôi rất mong muốn thực hiện các dự án nhằm nâng cao nhận thức về chữa trị ung thư đúng cách cho cộng đồng. Là người đã đồng hành với nhiều bệnh nhân ung thư, thậm chí đến những giai đoạn cuối đời, tôi thấu hiểu nỗi đau của họ và gia đình. Vì vậy, tôi hy vọng có thể triển khai các chương trình đào tạo về phác đồ Đông - Tây y kết hợp cho đội ngũ y tế, giúp bác sĩ Tây y và Đông y có thể hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả hơn, từ đó nâng cao chất lượng điều trị.
Đồng thời, tôi cũng muốn thúc đẩy các chiến dịch truyền thông sáng tạo, giúp người dân hiểu cách chăm sóc sức khỏe đúng cách, phòng và chống ung thư hiệu quả. Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm, nguồn nước và môi trường làm việc là rất quan trọng, bởi đây là những yếu tố có thể gây ung thư mà cần được chú trọng.
Tôi cũng nhận thấy rằng nâng cao ý thức tự chăm sóc sức khỏe tại nhà là điều cấp thiết, nhất là trong bối cảnh bệnh viện đang quá tải. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực cho bác sĩ mà còn hạn chế những hệ quả nghiêm trọng do các phương pháp điều trị không chính thống. Tôi tin rằng, nếu các dự án này được thực hiện, chúng sẽ góp phần giảm số ca ung thư mới, cải thiện sức khỏe cộng đồng, và hỗ trợ đội ngũ y tế trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.
PV: Xin cảm ơn TS.BS.Bùi Thị Thương!