Cầu vượt đầu tiên của Thủ đô "lão hóa" hạ tầng, bị chiếm dụng tràn lan
(Sóng trẻ) - Cầu vượt trước cổng Bệnh viện Bạch Mai (ngã ba đường Giải Phóng - Lê Thanh Nghị) đang đối mặt với tình trạng bị lấn chiếm không gian, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến mỹ quan đô thị.
Cầu vượt chưa được sử dụng đúng mục đích
Tháng 10/2007, cầu vượt trước cổng bệnh viện Bạch Mai được hoàn thiện, chính thức đi vào hoạt động. Đây là cây cầu vượt dành cho người đi bộ đầu tiên trên địa bàn Thủ đô, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cầu đi bộ tại cổng Bệnh viện Bạch Mai đang dần mất đi những giá trị ban đầu. Cây cầu bị che lấp bởi những biển hiệu quảng cáo tràn lan, khiến cho không gian trên cầu thiếu đi ánh sáng tự nhiên. Lợi dụng điều này, nhiều tiểu thương ngang nhiên bày bán hàng quán kinh doanh, biến cây cầu vượt trở thành địa điểm tụ tập buôn bán.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của cầu cũng đang đứng trước nguy cơ đáng báo động. Những bậc thang lên xuống cầu bị nứt vỡ, hoen gỉ, nhiều đinh ốc lỏng lẻo do lâu ngày không được sửa chữa, cải tạo. Thực trạng này khiến nhiều người thường xuyên qua lại, sử dụng cầu không khỏi lo lắng, đặc biệt là những bệnh nhân, người lớn tuổi.


Bà Mai Hà (56 tuổi, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Mỗi lần qua cầu, tôi luôn cảm thấy không gian ở đây quá tối do thiếu ánh sáng. Biển quảng cáo treo tràn lan che khuất tầm nhìn, gây khó khăn cho những người mắt kém như tôi khi di chuyển. Các gánh hàng rong cũng tụ tập buôn bán trên cầu vào những ngày cuối tuần, chèo kéo người qua lại mua hàng, chiếm dụng không gian”.


Nhức nhối khu vực xung quanh chân cầu
Việc chiếm dụng không gian cho mục đích thương mại cá nhân không chỉ xảy ra ở trên cầu vượt, mà còn xuất hiện ở khu vực xung quanh chân cầu. Tại đây, các cơ quan chức năng đã lắp đặt biển báo cấm bán hàng ngay tại khu vực cầu. Nhưng các biển báo cũng trở nên “vô hình” đối với các tiểu thương.


Phần không gian dưới chân cầu cũng nghiễm nhiên trở thành nơi đổ rác thải tùy tiện của người dân hay các hàng quán, dù cho thùng rác được đặt cách đó không xa. Rác thải không được phân loại chất thành đống, bốc mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.



Chị Ngọc Ánh (20 tuổi, sinh viên trường Đại học Xây Dựng) bày tỏ sự bức xúc: “Hàng ngày, tôi đều phải đi qua cung đường có cầu đi bộ này. Tôi nhận thấy rác thải ở đây thường tồn đọng, vừa gây ô nhiễm, vừa làm mất đi vẻ đẹp đô thị”.
Không chỉ cầu vượt trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, các cầu vượt gần bệnh viện, trường học cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Để đáp ứng cho sự phát triển bền vững giao thông trong tương lai, chính quyền, các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp và hành động cụ thể. Đồng thời, việc nâng cao ý thức của người dân cũng đóng vai trò quan trọng, là yếu tố then chốt để xây dựng một đô thị văn minh, an toàn hơn.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 70 cầu vượt bộ hành ở các nút, các tuyến giao thông có mật độ lưu thông lớn và tại các khu vực gần bệnh viện, trường học. Vì vậy việc đảm bảo an toàn cho cầu vượt luôn cần được nâng cao, cải tạo thường xuyên. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi bán hàng rong hoặc chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, và từ 200.000 đến 400.000 đồng đối với tổ chức. |