Chủ động “đề kháng” trước những mánh khóe lừa đảo công nghệ cao
(Sóng trẻ) - Dù đã có nhiều cảnh báo từ các phương tiện truyền thông, loại hình lừa đảo qua công nghệ cao vẫn tiếp tục lan rộng, đặc biệt nhắm đến người dùng điện thoại trên khắp cả nước.
Chiêu trò qua mạng viễn thông bùng nổ
Những thủ đoạn lừa đảo qua mạng viễn thông ngày càng phổ biến, từ các cuộc gọi thông báo "tai nạn khẩn cấp" cần tiền chữa trị cho đến giả danh công an, nhân viên ngân hàng hoặc bưu điện để hù dọa nạn nhân. Thời gian qua, Công an TP Đà Nẵng đã tiếp nhận nhiều tin báo về các cuộc gọi mạo danh cơ quan chức năng, yêu cầu người nghe cung cấp thông tin cá nhân và mã OTP với lý do đang điều tra các hoạt động phạm pháp. Thực chất, đây chỉ là chiêu lừa để đối tượng chiếm đoạt tài sản.
Không ít nạn nhân ở nhiều địa phương đã bị đe dọa vi phạm quy định viễn thông, có nguy cơ bị xử lý hoặc khóa thuê bao. Đánh vào tâm lý sợ hãi, các đối tượng dễ dàng khiến người dân rơi vào bẫy, vô tình cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, dẫn đến bị rút sạch tiền.
Những kịch bản lừa đảo quen thuộc nhưng vẫn nguy hiểm
Dù các chiêu trò lừa đảo không mới mẻ, chúng liên tục thay đổi kịch bản để không gây nghi ngờ. Anh Minh Hoàng (trú tại TP Cần Thơ) kể rằng anh nhận một cuộc gọi thông báo số điện thoại của anh sẽ bị khóa và yêu cầu nhấn phím để được hỗ trợ.
Sau khi làm theo hướng dẫn, anh kết nối với một người tự xưng là nhân viên nhà mạng, người này báo rằng số điện thoại của anh có liên kết với một tài khoản ngân hàng đang bị điều tra. Để "xác minh trong sạch”, kẻ lừa đảo yêu cầu anh đọc mã OTP và cung cấp thông tin tài khoản. Chỉ vài phút sau, anh phát hiện tài khoản ngân hàng của mình đã bị rút sạch.
“Khi người gọi nêu đúng tên và thông tin cá nhân của mình, điều đó khiến mình rất tin tưởng”, anh Hoàng chia sẻ.
Theo chuyên gia an ninh mạng Lê Quốc Bảo, những chiêu thức lừa đảo này dù không mới nhưng vẫn rất hiệu quả vì đánh vào yếu tố tâm lý. "Khi người dân nghe các thông báo mang tính đe dọa và yêu cầu khẩn cấp, tâm lý dễ bị mất cảnh giác, từ đó dễ dàng làm theo yêu cầu của kẻ xấu”, ông Bảo phân tích.
Cảnh giác và bảo vệ thông tin cá nhân
Trước những mánh khóe tinh vi của tội phạm lừa đảo, người dân cần hết sức cảnh giác khi nhận các cuộc gọi bất thường. Chị Lan Phương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, chị từng nhận nhiều cuộc gọi từ các đầu số lạ, thông báo rằng chị "có bưu kiện chưa giao được" hay "nợ tiền điện," thậm chí có cả cuộc gọi giả danh công an. “Nhờ luôn cảnh giác và kiểm tra thông tin qua tổng đài chính thống, tôi tránh được các tình huống bị lừa”, chị Lan Phương chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Đà Nẵng, nhấn mạnh: “Cơ quan công an, viện kiểm sát, hay tòa án không bao giờ làm việc qua điện thoại, càng không bao giờ yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng”.
Công an khuyến cáo, người dân không nên công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội hay các nền tảng trực tuyến để tránh các cuộc gọi lừa đảo. Khi gặp các tình huống đáng ngờ, cần tỉnh táo lưu giữ bằng chứng như ghi âm hoặc chụp lại tin nhắn và báo cáo với nhà mạng để xử lý. Việc bình tĩnh và cẩn trọng trước các cuộc gọi từ số lạ sẽ giúp người dân tránh trở thành nạn nhân, đồng thời góp phần hạn chế hoạt động của các nhóm tội phạm công nghệ cao.