(Sóng trẻ) - Nhận thấy giá trị và tiềm năng phát triển của nghề đậu bạc Định Công, anh Quách Phan Tuấn Anh quyết định nối tiếp truyền thống của gia đình và “truyền lửa” cho thế hệ sau.
“Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xá” là câu ca dao được người đời lưu truyền để nói về tứ trụ tinh hoa làng nghề nơi Thăng Long xưa. Nghề đậu bạc Định Công là một trong số ít nghề cổ ở đất Kinh kỳ còn tồn tại cho tới nay. (Ảnh: Thanh Hà)
Dù có trong tay hai tấm bằng Luật và Quản trị kinh doanh tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, anh Quách Phan Tuấn Anh vẫn quyết định rẽ ngang sang nghề đậu bạc, quyết tâm “giữ lửa” cho thứ nghề truyền thống đã có lịch sử nghìn năm. (Ảnh: Thanh Hà)
Chia sẻ lý do tại sao quay trở về tiếp nối truyền thống của gia đình, anh Tuấn Anh cho hay: “Bố tôi là nghệ nhân sót lại của làng nghề, tại thời điểm đấy, có rất nhiều người yêu mến và đặt hàng nhưng ông chỉ còn một mình, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Nhận thấy đấy là một cơ hội để phát triển nghề truyền thống, tôi bày tỏ mong muốn đóng góp khả năng của mình vào gìn giữ thứ nghề này. Sau đó, tôi quyết tâm học nghề, trong quá trình học thì bị cuốn vào, càng làm càng cảm thấy muốn gắn bó với nghề trọn đời”. (Ảnh: Thanh Hà)
Thời điểm mới tiếp xúc với nghề, người thợ trẻ Quách Phan Tuấn Anh không khỏi lo lắng. Bằng sự đam mê và tâm huyết, anh tự mình đặt ra các bài toán cần giải quyết và lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, mong mỏi sớm đem nghề đậu bạc tới gần hơn với mọi người. (Ảnh: Thanh Hà)
Khác với các làng nghề bạc ở Đồng Xâm (Thái Bình) và Châu Khê (Hải Dương), nghề đậu bạc làng Định Công mang những nét riêng biệt đặc trưng. Để có thể “kéo bạc” thành công, đòi hỏi người làm nghề phải có kỹ thuật và tay nghề cao. Vì vậy, người thợ phải luôn khắc ghi 4 kỹ thuật chính, bao gồm trơn, đấu, chạm, đậu. (Ảnh: Thanh Hà)
Nghệ nhân đậu bạc khéo léo thực hiện từng chi tiết nhỏ để tạo nên những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao. (Ảnh: Thanh Hà)
Theo anh Tuấn Anh, “tỉ mỉ”, “sáng tạo” và “thật thà” là những phẩm chất cần có ở người thợ đậu bạc. Đấy là những điều kiện cốt lõi để nghề giữ được thương hiệu và phát triển bền vững. (Ảnh: Thanh Hà)
“Thời xưa, các cụ thường tạo các sản phẩm như khuy áo, cài áo và một số đồ như trâm cài đầu,... Tuy nhiên, những đồ đó không còn phù hợp với nhu cầu thị trường nữa. Để đáp ứng được thị hiếu khách hàng, xưởng chuyển sang làm sản phẩm trang trí và quà tặng là chủ yếu, bên cạnh đó còn có đồ trang sức. Tùy vào đối tượng khách hàng là ai mà mình sẽ đưa ra sản phẩm phù hợp”, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh cho biết. (Ảnh: Thanh Hà)
Trong giai đoạn cuối năm, nhất là dịp gần Tết, anh và đồng nghiệp làm không hết việc do nhu cầu thị trường hiện nay cao hơn khả năng sản xuất của xưởng. Các sản phẩm quà tặng thường là các loại tranh đậu bạc phong thủy, đồ vật mang hình ảnh đặc trưng Việt Nam và một số loại trang sức khác. (Ảnh: Thanh Hà)
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Tuấn Anh bày tỏ: “Trước hết, cần phải ổn định thu nhập cho người thợ”. Về lâu dài, anh mong muốn có thể mở rộng xưởng làm việc, cũng như kết hợp du lịch với làng nghề nhằm quảng bá và giới thiệu nghề đậu bạc tới mọi người. Qua đó, thu hút các bạn trẻ tới với nghề, gìn giữ và phát triển làng nghề hơn nữa, không để nghề bị rơi vào tình trạng thất truyền. (Ảnh: Thanh Hà)