Cứ mở cửa ra là thấy mộ
(Sóng trẻ) - Những ngôi mộ nằm san sát nhau và chỉ cách cửa nhà của các hộ dân chỉ vài gang tay. Nghe có vẻ khó tin song đây đang lại là thực tế mà những hộ thuộc tổ dân phố 13, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội phải chấp nhận. Không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống hằng ngày của người dân và làm mất mỹ quan khu phố, khu nghĩa trang này còn là nơi ẩn chứa những mối nguy hại khôn lường từ tệ nạn xã hội.
Nhiều người vẫn vui miệng gọi đây là “xóm nghĩa trang”, xóm giữa lòng thủ đô. Muốn đi vào được khu nghĩa trang phải vòng qua nhiều ngõ ngách. Đường chỉ rộng chưa đầy một mét, bên trên đầu là những sống áo treo lơ lửng. Bên cạnh khu nghĩa trang là một dãy nhà trọ dành cho người có thu nhập thấp. Ba mặt còn lại đều được bao bọc kín bởi nhà dân san sát.
Những ngôi mộ “gối đầu” vào nhà dân.
Bi hài câu chuyện “Mở cửa ra là thấy mộ”
Cuộc sống sinh hoạt của người dân ở đây gắn liền với các ngôi mộ. Những ngôi mộ nằm sát tường nhà, nằm cạnh lối đi, có ngôi mộ nằm cạnh bể nước, thậm chí có những ngôi mộ nằm chắn trước cửa nhà. Các ngôi mộ nằm thụt thò, chìa ra đường đi mà không hề có tường bao quanh rất nguy hiểm cho người đi đường. Những ngôi mộ này được xây cất ngay trên phần đất sinh sống của nhiều hộ gia đình, khiến người dân nơi đây mất ăn mất ngủ vì sợ nguồn nước, không khí ô nhiễm do hài cốt phân hủy, làm ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Người dân ở đây đã quá quen với cảnh cứ mở cửa ra là lại thấy những ngôi mộ nằm chềnh ềnh trước mặt. Khi được hỏi về việc sống gần nghĩa trang chị Mai trọ cạnh khu nghĩa trang nói: “Cứ mở cửa sổ ra là lại nhìn thấy những ngôi mộ ngổn ngang, mộ to mộ nhỏ chen lấn nhau từng tấc đất. Đêm đến tôi còn hãi chẳng dám ra nài vì nghe đồn ở nghĩa trang đó thiêng lắm”
Những ngôi mộ nằm chắn ngang trước cửa nhà dân
Vì quá gần khu dân cư nên bỗng nhiên nghĩa trang bỗng trở thành điều gì quen thuộc lắm. Những ngày nắng ráo, nhiều hộ dân sống gần khu dân cư còn mang cả chiếu, chăn đem phơi ở những ngôi mộ được xây cao, có mái vòm... Cứ đến bữa cơm hay giờ nấu ăn, nhiều người còn mang rau, thịt, cá ra làm trước cửa nhà, nơi cách những ngôi mộ ấy chỉ vài bước chân. Những hôm nào trời mưa to, nước tràn lênh láng, nước từ các khu nghĩa địa chạy thẳng vào nhà. Khổ nhất là những hôm giỗ chạp, lễ tết, mọi người đi thăm viếng mộ đốt nhang, hóa vàng bụi bay mù mịt, khói xông vào nhà rất khó chịu. Bạn Mai (sinh viên trường Học viện Bưu chính Viễn thông) kể: “Còn những hôm ngày rằm, mồng một con cháu người đã khuất đến thắp hương rất đông khiến không gian đặc quánh một mùi khó chịu. Mùi hương, vàng... và mùi đốt quần áo, quyện vào nhau len lỏi vào tận từng phòng khiến nhiều sinh viên ăn ngủ không yên. Những lúc đó, sinh viên quanh khu nghĩa trang buộc phải tìm đường lánh nạn sang nhà trọ của bạn bè, người thân ở những nơi khác”.
Không chỉ có thế, nơi đây còn tồn tại rất nhiều rác thải gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Người ta ngang nhiên vứt rác bừa bãi ra môi trường mặc dù nhà dân ngay cạnh đó. Ngày nắng cũng như ngày mưa không khí cứ vẩn lên mùi hôi khó chịu.
Những ngôi mộ vẫn tiếp tục được đưa thêm vào, tranh nhau từng tấc đất.
Tội nhất vẫn là những đứa trẻ con ở đây, chúng không còn chỗ nào chơi sau giờ học tập căng thẳng. Chúng liền trèo lên mộ chơi trò trốn tìm rồi mèo đuổi chuột. Em Văn Đức (8 tuổi) nói: Em không thấy sợ, ngày nào em chẳng nhìn thấy”.
Có lẽ cũng do “địa thể” không tốt nên có vẻ như không xuôi chèo mát mái trong việc giao bán những căn hộ ở đây. Nhưng người dân ở đây cho biết họ cũng muốn bán nhà ở đây để đi nơi khác nhưng khách đến xem nhà thấy mồ mả cứ san sát lại ngao ngán bỏ đi.
Những người dân quanh đây không phải chỉ có người dân “bản địa” mà còn có rất nhiều những người lao động ở xa, hay sinh viên thuê trọ. Khi những bộn bề cuộc sống ngày càng tạo thêm cho con người những lo toan, thì những sợ hãi hay lo lắng về tâm linh đâu còn là rào cản. Bất chấp những sợ sệt hay ô nhiễm môi trường, họ vẫn có thể sống và trở thành hàng xóm của những “ngôi nhà ma”, để rồi tần tạo tiếp tục kiếm sống, tiết kiệm từng đồng tiền nhỏ về giúp đỡ gia đình nơi quê xa.
Chính quyền nói gì?
Người đã khuất ở lẫn với người còn sống, hay các nghĩa trang xen lẫn khu dân cư, đây không phải là chuyện hiếm ở Hà Nội, không chỉ riêng phường Quan Hoa của quận Cầu Giấy. Để quản lý hệ thống nghĩa trang, UBND quận đã chỉ đạo các phường nghiêm túc thực hiện việc không chôn cất mộ mới và tăng cường tuyên truyền về chính sách khuyến khích hỏa táng. Hiện nay, các nghĩa trang nhân dân đều đã đóng cửa và ngừng các hoạt động hung táng, cải táng. Các phường cũng đã thành lập và kiện toàn tiểu ban quản lý nghĩa trang, xây tường rào bao quanh, giữ gìn vệ sinh môi trường tại các khu vực này.
Tuy nhiên, khó khăn mà quận Cầu Giấy gặp phải là các nghĩa trang nhân dân được hình thành từ lâu đời, một số nghĩa trang lại nằm xen kẽ trong khu dân cư như ở phường Quan Hoa, một số nghĩa trang nằm trong dự án quy hoạch nhưng dự án bị treo nhiều năm không thực hiện nên gây bức xúc trong nhân dân như ở phường Mai Dịch (nghĩa trang Trần Hưng). Bên cạnh đó, Nhà tang lễ Bệnh viện 198 lại nằm sát trường học và Nhà tang lễ Bệnh viện E nằm cạnh đường giao thông nên gây rất nhiều bức xúc trong học sinh, nhân dân, thường xuyên gây ách tắc giao thông và không đảm bảo môi trường cho học sinh.
Bên cạnh đó việc thực hiện quy tập, di chuyển các nghĩa trang tự phát, các nghĩa trang nằm xen kẽ trong khu dân cư. Trước mắt, đối với các nghĩa trang đã đóng cửa, phải thông báo cho nhân dân không đưa thêm cát táng vào. Khi di chuyển mộ phải đưa đến nơi ổn định, tránh tình trạng di chuyển tạm thời phải di chuyển nhiều lần. Cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, vi phạm.
Tuy nhiên khi mà người dân chưa thực sự nắm rõ chủ trương này, cũng như chưa sẵn sàng cho việc di chuyển mồ mả, thì câu chuyện người dân sống chung với những người đã khuất vẫn là câu chuyện chưa biết đến bao giờ mới giải quyết được.
Điều 11 Chương II trong Nghị định của Chính phủ về việc Xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang có nêu rõ: Khoảng cách ATVSMT nhỏ nhất từ nghĩa trang đến đường bao khu dân cư, trường học, bệnh viện, công sở được quy định như sau: - Đối với nghĩa trang hung táng là 2000m khi chưa có hệ thống thu m và xử lý nước thải từ mộ hung táng và 500m khi có hệ thống thu m và xử lý nước thải từ mộ hung táng; đối với nghĩa trang cát táng là 100m. - Đối với nghĩa trang chôn cất một lần, tối thiểu là 500m |
Việt Anh
Cùng chuyên mục
Bình luận