Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng: “Tôi may mắn được góp sức vào 33 số báo tại “chảo lửa” Điện Biên Phủ…”

(Sóng trẻ) - Cách đây gần 65 năm, trên mặt trận Điện Biên Phủ đầy cam , thử thách, có một tờ báo được viết, in và phát hành ngay tại mặt trận, đó là tờ “Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận”. Tờ báo ra đời ngay tại mặt trận, và trở thành “vũ khí đặc biệt” của bộ đội ta ở chiến trường Điện Biên Phủ lúc bấy giờ.

Tờ báo duy nhất sản xuất tại mặt trận

Nhóm PV: Thưa Đại tá Phạm Phú Bằng, được biết, ông là một phóng viên trẻ nhất trong ê kíp sản xuất 33 số báo tại “chảo lửa” Điện Biên Phủ ngày ấy. Vậy ông có thể chia sẻ về những ngày tháng làm báo ở chiến trường Điện Biên?

Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng: Có thể nói thế này, ngày nay, việc vẽ một bức tranh, chụp một bức ảnh hay viết một bài báo không còn là chuyện quá khó khăn. Máy ảnh, máy tính, điện thoại…làm mọi thứ trở nên đơn giản hơn. Tại mặt trận Điện Biên Phủ ngày đó, để viết được một bài báo, có được một bức tranh, ảnh trên báo là biết bao mồ hôi, nước mắt, có khi còn đổ cả máu của người làm báo. Khó khăn là vậy, nhưng anh em trong ban biên tập sản xuất báo luôn tâm niệm phải có những bài viết thật hay, nóng hổi chiến sự và chan chứa tinh thần lạc quan để cổ động cho các anh em chiến sĩ.

Không ai nói, viết báo là dễ dàng và có lẽ vì thế, làm báo thời chiến còn vất vả gấp trăm nghìn lần. Tờ báo ấy có tên “Báo Quân đội Nhân dân xuất bản tại mặt trận”. Ban Biên tập lúc đầu có năm người gồm: Chủ bút (Tổng Biên tập) Hoàng Xuân Tùy, Thư ký tòa soạn Trần Cư, tôi cùng anh Nguyễn Khắc Tiếp là phóng viên; họa sĩ Nguyễn Bích trình bày báo. Về sau, từ Việt Bắc có gửi bổ sung phóng viên Nguyễn Trần Thiết.

Nơi sản xuất báo nằm ngay gần chiến hào của anh em để báo in xong là có thể đưa đến ngay các trung đội. Báo lấy tài liệu tại chiến trường, viết tại chiến trường mà phải viết nhanh, viết ngắn để có “đất” dành cho nhiều tin tức trên tờ báo.

Nội dung mỗi số báo là hơi thở của chiến dịch, là chiến công lừng lẫy của các trung đội, là những vần thơ tràn đầy lạc quan hay bức tranh biếm họa cười nhạo sâu cay sự gian ác của kẻ thù.

Thời gian phát hành một số báo cũng không cố định. Khi chiến dịch tạm lắng thì báo phát hành thưa hơn, hai đến ba ngày/số để chờ các cộng tác viên gửi bài. Với những trận đánh mang tính quyết định thì bằng mọi cách ngay sau đó, trong thời gian ngắn nhất, ban Biên tập có thể đưa ra nội dung, định hình số báo cho anh em tác nghiệp. 

652b830c0_1.jpg

Phương tiện tác nghiệp của nhà báo Phạm Phú Bằng đang được lưu giữ 
tại Phòng Truyền thống Báo Quân đội Nhân dân.

Nhóm PV: Ông có thể nói rõ hơn vì sao các số báo được sản xuất ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ ngày ấy lại được ví như một “vũ khí đặc biệt”?

Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng: Đã hơn 60 năm, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy thấm thía vì sao ngày 9-3-1954, báo vừa ra thì ngày 10-3-1954, cấp trên lại lệnh ra ngay một số nữa. Số ngày 10-3 đăng toàn văn lời kêu gọi của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ nêu rõ “Trận Điện Biên Phủ sắp bắt đầu” và lệnh “Kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ”. Tuy không nói rõ giờ nổ súng mở màn là thời điểm nào, nhưng hai số báo liền nhau ấy có “ý đồ” rất rõ để xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội trước trận mở màn Him Lam ngày 13-3-1954.Và rồi, ngày 14-3-1954, ngay sau khi trận mở màn thắng lợi, số báo ra hôm đó đã chạy dòng tít lớn trên trang nhất “Quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Him Lam”.

Để có được số báo này, những nhà báo chiến sĩ đã gồng mình chạy đua trong đêm.Theo bài tường thuật chiến sự “Tiêu diệt hoàn toàn vị trí Him Lam” đăng trên trang nhất thì trận đánh mở màn lúc 16 giờ chiều ngày 13-3 nhưng phải đến 23 giờ kém 20 phút, cứ điểm Him Lam mới hoàn toàn bị tiêu diệt. Như vậy, tin tức tổng hợp về Bộ Tổng tư lệnh nhanh nhất cũng phải sau 0 giờ sáng mới tới Báo QĐND. Vậy mà ngay ngày hôm sau 14-3, số báo đưa tin chiến thắng Him Lam đã đến tay chiến sĩ Điên Biên ngay tại mặt trận. 

Nhóm PV: Với 5 người làm báo từ số báo đầu tiên đến số báo cuối cùng tại mặt trận Điện Biên Phủ, với tổng cộng 33 số báo. Vậy theo ông, khó khăn lớn nhất trong quá trình sản xuất báo thời điểm lúc bấy giờ là gì?

Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng: Để phát hành được mỗi số báo, khâu in ấn là vô cùng khó khăn và quan trọng. Vì quân ta và dân công có hàng chục vạn, nên muốn xuất bản được nhiều báo, cho nhiều người đọc thì phải in bằng chữ chì, cho vào máy và dập.
Để có được chiếc máy in ở giữa “chảo lửa” Điện Biên không phải chuyện đơn giản. Nó đã được vận chuyển từ hậu phương qua 500 cây số đi bộ đường rừng lên Điện Biên Phủ để phục vụ cho công tác sản xuất báo. Trên đường đi, các chiến sĩ không có đèn pin, không được dùng đuốc.

Người mang máy còn phải mang gạo, mang xẻng...nên giấy phải cõng trên vai. Thùng chì được đeo trên lưng cũng nặng bằng một nòng súng cối cỡ vừa. Máy in ở hậu phương được chạy bằng máy nổ nên in được nhiều và nhanh.

Nhưng các phía tại mặt trận Điện Biên Phủ đều cách xa hậu phương. Khiêng máy in nặng vài tạ bằng hai cái đòn đi 500 cây số trong rừng, dưới bom đạn của địch đã vô cùng gian khổ nên không thể mang theo chiếc máy nổ nữa...

Vậy là chiếc máy in vốn chạy bằng động cơ của máy nổ thì giờ phải thay thế bằng sức người. Hai chiến sĩ khoẻ mạnh, nối dây quay tay cho máy in dập chữ. Chiếc máy in được đặt sâu dưới lòng đất vì sợ bom đạn đánh vào thì coi như chiến sĩ ta không có báo đọc.

652b830c0_2.jpg

Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng truyền đạt kinh nghiệm viết báo cho học viên lớp báo chí

Bài học làm nghề còn nguyên giá trị

Nhóm PV: Thưa ông, có thể nói, chính những phóng viên trẻ của Báo QĐND ngày đó đã góp một phần công sức làm nên chiến thắng Điện Biên lịch sử. Vậy ông muốn nhắn nhủ điều gì tới các thế hệ nhà báo chiến sĩ hôm nay?

Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng: Lượng phóng viên tác nghiệp ở Chiến dịch Điện Biên Phủ rất ít, trong khi chiến trường rộng, quân đội đông, chiến dịch diễn ra ác liệt nên phóng viên chúng tôi suốt ngày đi, đi nhiều mới viết được nhiều, mới có thể khai thác được những chuyện khác nhau giúp cho nội dung tờ báo phong phú. Cùng với việc đi và viết, chúng tôi xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở khắp nơi, chính lực lượng này đã giúp cho Báo QĐND xuất bản tại Điện Biên Phủ phản ánh được nhiều mặt của chiến dịch, của cuộc sống.

Tòa soạn tiền phương Báo QĐND tại mặt trận Điện Biên Phủ đặt dưới hầm sâu hơn bất cứ căn hầm nào ở chiến trường, đèn không dám thắp sáng vì sợ địch phát hiện. Trong ánh sáng lờ mờ, chữ thì đen thui, việc sắp chữ vô cùng khó khăn nhưng các khâu của tòa soạn đã làm việc bằng tất cả nhiệt huyết, số nào nhanh thì 24 tiếng sau, báo đến tay người đọc.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, một “Tòa soạn báo tiền phương” xuất bản tại mặt trận, những nhà báo thực sự trở thành những chiến sĩ trên mặt trận, họ đã sử dụng ‘vũ khí đặc biệt” để tham gia chiến dịch. Thế hệ nhà báo trẻ hôm nay cần học hỏi sự đam mê và hy sinh cho nghề nghiệp để các trang báo đến gần hơn với công chúng.

Văn Nam, Thế Thủy
(Lớp Báo in 37b - BQP)

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN