Đào phớt - sắc hồng dịu dàng cho ngày đầu năm mới
(Sóng trẻ) - Vào mỗi dịp tết đến xuân về, trong mọi gia đình không thể nào thiếu sắc hồng của hoa đào. Ngày nay, không ít người đã lựa chọn loại đào hồng phớt dịu dàng thay cho đào bích để tô điểm cho ngôi nhà của mình.
Đào hồng phớt là một loài hoa không còn xa lạ đối với mọi người dân vào dịp tết Nguyên Đán. Bên cạnh đào Nhật Tân có màu hồng tươi tắn, rực rỡ thì đào phớt lại mang một màu sắc dịu dàng, nhẹ nhàng hơn, phảng phất hơi hướng gió xuân man mác của vùng núi Tây Bắc. Vào những ngày giáp tết, hàng ngàn cành đào phớt được chuyển từ các vùng núi khắp cả nước về miền xuôi để bày bán. Mỗi cành một kích thước, một thế đứng khác nhau, người dân dễ dàng lựa chọn cho gia đình mình một cành đào phớt đẹp, hợp với tổ ấm của mình.
Đào hồng phớt đẹp dịu dàng
Trong những năm gần đây, đào phớt cũng đã trở thành tâm điểm của những người chơi cây ngày tết. Không chỉ sắc hồng, mỏng manh, dịu dàng của loài hoa này thu hút người mua, mà còn cả thân dáng cành đào cũng tạo nên sự khác biệt. Những cành đào phớt được cho là đẹp khi thân dáng của nó không có sự gò ép, thân hình uốn lượn tự nhiên, tán tỏa rộng, nhiều nhánh, cành. Thân đào cao niên còn phủ một lớp rêu phong nâu đen, càng tạo nên vẻ cổ kính, sang trọng. Người chơi đào hồng phớt khi đi chọn đào, chỉ cần nhìn cũng biết thời điểm hoa nở, khi mua đào về tùy thuộc vào đó mà thúc hay kiềm thời gian đào nở sao cho đúng ngày 30, mùng 1 tết.
Mỗi nhánh có thể nở đến gần chục bông đào
Đào hồng phớt rực rỡ nhất chính là lúc nở hoa, chồi lộc. Cả một cành đào phớt tán rộng nở rộ, mỗi nhánh nhỏ có đến chục bông hoa bung nở, đan xen và đó là lộc, chồi non. Nhìn cành đào, người ta có thể đoán biết năm nay làm ăn có phát lộc, phát tài hay không, gia đình có yên ấm, hòa hợp hay không. Ở những vùng miền núi phía Tây, người dân còn có tập tục ngày mùng một tết, cùng nhau tìm bông hoa đào 6 cánh. Nếu cành đào trong nhà có bông hoa 6 cánh thì có nghĩa là năm mới sẽ làm ra được nhiều của cải.
Thân đào càng có nhiều rêu phong càng sang trọng
Tuy nhiên, mỗi năm có đến hàng nghìn cành đào phớt bị đốn hạ để phục vụ nhu cầu của người dân. Những cành đào phớt cao niên, thân phủ rêu phong có giá đến hàng chục triệu trở thành mục tiêu của những người buôn đào. Đào bị đốn hạ dần dần, hết cành đào to thì đến những cành đào nhỏ. Người dân lũ lượt mua đào, trưng đào, nhưng đến khi hết tết, hoa tàn thì dễ dàng bỏ đi như những cành củi khô. Rất nhiều rừng đào ở các vùng núi Tây Bắc đang cạn dần sắc hồng dù mới chỉ đang độ đầu xuân. Chơi đào vốn là một nét văn hóa tốt đẹp của người dân Việt Nam, nhưng làm thế nào để nét văn hóa này không bị biến tướng, ảnh hưởng bởi kinh tế thị trường thì quả là một bài toán khó. Năm nay, nhìn thấy những bông hoa hồng phớt dịu dàng nở rộ lại chành lòng nghĩ đến những gốc đào trơ trọi sau mỗi dịp tết đến xuân về.
Lương Chi
Báo mạng điện tử K31
Cùng chuyên mục
Bình luận