Dấu ấn bộ đội Đoàn 799
(Sóng trẻ) - Lũng Mần là một bản đặc biệt khó khăn thuộc xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, nằm trên đỉnh núi cao đối diện với xã Khâu Vai huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. Những năm gần đây, tuy đã được Nhà nước đầu tư xây bể nước, làm đường giao thông…nhưng cuộc sống của bà con vẫn còn gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Chia sẻ khó khăn vất vả với chính quyền và nhân dân địa phương, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 799 (Quân khu 1) kiên cường bám trụ, cùng chung sức với bà con “đánh giặc nghèo”, mang mùa xuân về trên miền đá khát.
“Bản khát” đợi xuân
Từ thị trấn Cốc Pàng, ô tô của đoàn công tác chúng tôi phải mất khoảng hơn 2 giờ đồng hồ vượt qua gần 30 cây số vào Lũng Mần, một bản biên giới thuộc xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Con đường độc đạo như sợi chỉ nhỏ nằm chênh vênh bên sườn những dãy núi đá tai mèo, tai thỏ dựng đứng, nửa như thách thức, nửa như mê dụ chúng tôi đến với một vùng đất vốn thưa vắng dấu chân người.
Cán bộ Đoàn KTQP 799 hướng dẫn bà con chăm sóc đàn bò sinh sản
Lũng Mần hiện ra sừng sững trước mắt chúng tôi là những thớt đá đen kịt phủ rộng tới hàng trăm hecta, hơn 400 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông đang sinh sống ở miền đá khát này. Đất khát, người cũng khát, chỉ có duy nhất cây ngô vốn giỏi chịu hạn, thế nhưng thu hoạch cũng chẳng được là bao. Ở đây người ta chỉ có thể trồng ngô một vụ vào mùa hè, là khi trời cho mưa xuống. Nhìn những nương ngô xanh ngút ngàn này, chẳng ai có thể tưởng tượng được rằng, nhà ít đói nhất cũng phải chịu cảnh thiếu lương thực 3-4 tháng mỗi năm, mùa giáp hạt không nhà nào còn ngô nấu mèn mén. Nước khan hiếm, không có điện và cũng chẳng có hỗ trợ y tế, cuộc sống ở Lũng Mần gần như tách biệt với xã hội bên nài vì đường xá hiểm trở, bởi thế mà cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng bao đời nay. Ông Vừ Mí Già, Trưởng thôn Lũng Mần, xã Đức Hạnh cho biết: “Bản Lũng Mần toàn đá là đá, mỗi năm chỉ trồng được một vụ ngô, còn chẳng biết làm gì, nước khan hiếm, điện không có, cái gì cũng thiếu, gia đình nào cũng đẻ nhiều, đẻ dầy, nên không đủ cái ăn…”.
Khát nước, khát cơm, Lũng Mần khát cả chữ. Mặc dù trong bản có đủ phân trường từ mầm non đến hết tiểu học, nhưng vận động được trẻ đến trường còn khó hơn bắt hạt ngô nảy mầm trên đá. Học trò ở Lũng Mần, mỗi ngày đến lớp đều xách theo một chai nhựa chứa nước sông Nho Quế hoặc nước mưa để biếu thầy cô giáo. Thầy cô vào đây cắm bản để dạy con trẻ cái chữ, chúng biết ơn thầy cô lắm, thế nên thường rủ nhau đi học sớm hơn để còn đi lấy nước biếu thầy cô. Chúng mong những chai nước nhỏ bé sẽ giữ được thầy cô ở lại với bản làng. Cô giáo Nông Lệ Thu, phân trường mầm non Lũng Mần, xã Đức Hạnh chia sẻ: “Ở trên này khó khăn, điện không có, nước thiếu thốn, các em ở đây nghèo, không có quần áo mặc đi học. Tôi thương các em lắm, mong muốn dạy cho các em cái chữ để sau này đỡ khổ hơn”.
Cán bộ Đoàn KTQP 799 hướng dẫn bà con thái thức ăn cho bò
Em Vừ Thị Mị, cô bé năm nay 14 tuổi, nhìn xinh xắn cũng đành gác lại ước mơ được theo bạn bè tới lớp. Nhà Mị có 7 anh chị em, mấy năm trước, bố mẹ em xích mích, cãi cọ nhau, lại thêm phần vì cuộc sống quá vất vả, mà mẹ em đã ăn lá ngón tự tử. Sau đó thì bố em cũng ốm rồi qua đời. Bố mẹ mất, 7 đứa trẻ nương tựa vào nhau, sống lay lắt qua ngày. Mị phải nghỉ học, thay mẹ cha gồng gánh gia đình và chăm sóc các em. Trò chuyện cùng chúng tôi, em Mị nói: “Một mình gánh vác công việc gia đình và chăm lo cho các em, nhiều lúc tủi cực lắm, nhưng mà biết làm thế nào, đành phải cố gắng thôi. Về ước mơ thì có nhiều, nhưng mà đành chịu thôi, vì phải lo cho các em ăn học”.
Giúp dân “đánh giặc nghèo”
Chia sẻ những khó khăn vất vả của người dân Lũng Mần, sau khi phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, tìm hiểu điều kiện sản xuất, đặc tính canh tác của người dân để lựa chọn dự án, lựa chọn cây trồng vật nuôi phù hợp, Đoàn KTQP 799 đã triển khai dự án cấp bò cái sinh sản, là giống bò vàng địa phương cho các hộ gia đình. Thường xuyên hỗ trợ bà con về kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng, đến nay, số lượng đàn bò của cả thôn đã tăng lên đáng kể.
Cán bộ Đoàn KTQP 799 tuyên truyền, vận động bà con xa dần những hủ tục lạc hậu
Thông qua các chuyến đi cơ sở, những tuyên truyền viên áo lính đã không quản ngại khó khăn, đến từng nhà, vận động bà con thay đổi phương thức làm ăn lạc hậu, hướng dẫn những phương thức làm ăn mới, những nếp sống, nếp nghĩ văn minh, xa dần những hủ tục lạc hậu. Cùng với đó, Đoàn đã hỗ trợ xóa nhà dột nát, khai hoang những vùng núi có quỹ đất để làm ruộng bậc thang, xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống cho bà con.
Theo chân Thiếu tá Lầu Văn Sinh, đội phó Đội sản xuất số 2, Đoàn KTQP 799 đi đến những hộ gia đình sống dọc tuyến biên giới để vận động bà con thực hiện dự án “Khoanh nuôi bảo vệ rừng vành đai biên giới”, mới thấy hết được sự vất vả, cực nhọc của các anh. Những con đường vào mốc theo hình xương cá, gập ghềnh, khúc khuỷu như muốn thử thách sức bền người cán bộ, người con của đồng bào. Anh Sinh chia sẻ: “Đường xá đi lại khó khăn nên chỉ đi bộ được thôi. Có hôm hẹn trước rồi nhưng bà con bận lên nương, không đợi mình được, đành phải ở lại chờ có khi mất vài ngày”. Nhờ có những cán bộ đầy nhiệt huyết như Thiếu tá Lầu Văn Sinh mà bà con sống dọc tuyến biên giới trên địa phận bản Lũng Mần đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng vành đai biên giới, từ bỏ tập quán du canh, du cư, yên tâm ổn định cuộc sống.
Thiếu tá Lầu Văn Sinh (Đoàn KTQP 799) dạy các em nhỏ ở bản Lũng Mần làm phép tính
Bao năm khô khát trông đợi nước trời, quẩn quanh trong vòng trói luật tục đói nghèo, lạc hậu. Đến nay, đồng bào dân tộc Mông ở miền biên ải này đã nhìn thấy nguồn sáng mới từ chính sách của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Đó là những mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đó là những hi sinh thầm lặng của những “chiến sĩ lòng dân”, tận tụy cống hiến nơi tuyến đầu biên giới.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Nam
(Lớp Báo in 37b – BQP)
Cùng chuyên mục
Bình luận