"Để có sự bình đẳng trong gia đình, chính sách xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng"
(Sóng trẻ) - Ngày 18/9, chuyên trang Japan Talks đã tổ chức talkshow “Bình đẳng giới trong gia đình và xã hội Nhật Bản - Việt Nam” nhằm đem đến cái nhìn mới về bình đẳng giới tại hai quốc gia.
Chương trình có sự tham gia của Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - tiến sĩ tâm lý học, chuyên gia nghiên cứu về giới tính, tình dục, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) và bà Nguyễn Việt Hà - COO Metaminds Network, CEO Kennet Japan, và giảng viên thỉnh giảng đại học Quốc gia Yokohama.
Các vấn đề về giới tính luôn được đông đảo người quan tâm, đặc biệt là bình đẳng giới là một chủ đề quan trọng và cũng rất nhạy cảm hơn bao giờ hết. Cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới đã và đang diễn ra vô cùng tích cực ở các nước phương Tây. Chương trình tập trung bàn luận về bình đẳng giới tại hai quốc gia Nhật Bản và Việt Nam.
Trao đổi về thứ hạng của Việt Nam và Nhật Bản trong Báo cáo Khoảng cách giới của WEF 2022, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho biết: “Nhật Bản là một nước có nền kinh tế đứng thứ 3 trên thế giới, tuy nhiên, đất nước này lại đứng gần cuối trong bảng xếp hạng về Khoảng cách giới. So sánh với Việt Nam, thực tế cho thấy, tuy khoảng cách về kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản rất xa nhưng xét về tiến bộ trong bình đẳng giới, Việt Nam lại vượt Nhật Bản”.
Bàn luận về bình đẳng giới trong gia đình, các diễn giả lấy ví dụ về sức ép kiếm tiền của cả hai giới, cũng như cạnh tranh trong công việc giữa nam và nữ, vai trò của hai giới trong gia đình,... nhằm chỉ ra những nguyên nhân khác nhau dẫn tới định kiến giới ở hai quốc gia.
Bà Khuất Thu Hồng cho biết: “Để có sự bình đẳng trong gia đình, chính sách xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng. Dịch vụ xã hội sẽ thúc đẩy bình đẳng trong gia đình, tạo điều kiện cho mỗi thành viên trong gia đình phát triển hài hòa. Chính sách xã hội của mỗi nước tạo nên những thay đổi trong xã hội và cảm nhận của mỗi người trong quan hệ gia đình, xã hội”.
Qua đó, diễn giả cũng nhấn mạnh chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng giúp cho gia đình giải quyết gia đình những vấn đề lớn hiện nay như chăm sóc trẻ em, phân công lao động, vấn đề thu nhập, phát triển kinh tế.
Trả lời câu hỏi liên quan tới vấn đề “toxic feminine”, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng bày tỏ quan điểm: “Câu chuyện về ‘toxic feminine’ nổi lên khiến cho một bộ phận đàn ông cảm thấy áp lực và lép vế. Tại sao họ lại có cảm xúc như vậy? Thực tế, các chương trình/chính sách về giới ở các nước trên thế giới thường bỏ qua nam giới như là một vế của quan hệ giới. Nam giới vốn có nhiều đặc quyền hơn nữ giới khiến cho nhiều người có quan điểm cho rằng nam giới không cần thay đổi. Do đó, những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới chủ yếu tập trung vào người phụ nữ mà bỏ quên người đàn ông, trong khi người đàn ông cũng phải chịu nhiều áp lực nhưng không được chú ý giải quyết”.
Kết thúc buổi talkshow, bà Nguyễn Việt Hà khẳng định cả nam giới và nữ giới đều có vấn đề tồn tại ở trong gia đình và xã hội. Do đó, chúng ta cần có sự đối thoại và cởi mở để mang lại những giá trị tốt hơn vì suy cho cùng, nam giới là một phần của vấn đề và họ cũng chính là nạn nhân của vấn đề ấy, cần có sự chú ý hài hòa giữa nữ giới và nam giới để đưa ra những phương án thích hợp nhằm giải quyết những khúc mắc.