Ô nhiễm rác thải Sơn Tây chưa được giải quyết
(Sóng Trẻ) - Hơn mười năm từ khi bãi rác Sơn Tây được hình thành, dự án di dân cũng được triển khai từ hơn một năm nay nhưng người dân hai xã Tản Lĩnh và Xuân Sơn (Ba Vì, Hà Nội) vẫn ngày ngày phải chịu ảnh hưởng từ bãi rác này.
Di rời vẫn bị ảnh hưởng
Xã Tản Lĩnh, Ba Vì (Hà Nội) sau hơn một năm dự án di dân khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi khu chứa rác và nhà máy xử lí rác thải Sơn Tây được triển khai, phần lớn người dân đã có chỗ ở mới. Tuy nhiên, cuộc sống của họ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề từ rác.
Ruộng nhiều nơi đã bị ô nhiễm nặng, khó có thể canh tác. Vào dịp cuối năm, khi những đợt gió mùa Đông Bắc tràn về khiến cho đàn gia súc, gia cầm của thôn lại có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Dịch lở mồm long móng xuất hiện ở trâu, bò. Đàn gia cầm bị mắc nhiều bệnh và chết hàng loạt. Công tác vệ sinh phòng bệnh, phun thuốc xịt và tiêm thuốc lại chưa được tiến hành khẩn trương.
Bên cạnh đó, dự án xây dựng khu tái định cư cho người dân đến nay vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Đất ở khu tái định cư đã thu hồi từ lâu nhưng vẫn chưa được san lấp và quy hoạch cụ thể để bàn giao cho người dân. Đa phần người dân không chờ được đất ở khu tái định cư nên đã tự mua đất và dựng nhà để ổn định cuộc sống. Theo hợp đồng, trong thời gian chờ phân đất làm nhà ở khu tái định cư, người dân sẽ được hỗ trợ 300.000/người/tháng tiền thuê nhà. Song cho đến nay, người dân chưa được nhận đất, tiền hỗ trợ sau 6 tháng cũng không thấy đâu.
Bất cập trong xử lí rác
Bãi chứa rác thuộc 2 xã Xuân Sơn và Tản Lĩnh có từ năm 1999. Trước đây, đó chỉ là nơi chứa rác của thị xã Sơn Tây nhưng đến nay nó đã trở thành bãi chứa rác của không chỉ Sơn Tây mà còn cả một số huyện lân cận như Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất. Rác thải ở đây bị đổ tràn lan, không được vùi lấp, chất cao như núi và tràn ra nài tường bao, gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh - mặc dù đối diện đó là nhà máy xử lí chất thải Sơn Tây.
Hợp đồng của bãi chứa rác này chỉ có hiệu lực trong vòng 10 năm nhưng đến nay đã quá hạn mà rác từ các nơi vẫn đổ về. Khi nhà máy xử lí chất thải Sơn Tây đi vào hoạt động năm 2008 đã cam kết xử lí rác triệt để nhưng đến nay vẫn còn nhiều bất cập. Ước tính mỗi ngày bãi chứa rác tiếp nhận thêm gần 80 tấn rác trong khi công suất xử lí của nhà máy chỉ khoảng 50 – 60 tấn rác/ ngày. Vì vậy, rác thải ở đây vẫn cứ ùn ứ và gây ảnh hưởng lớn tới môi trường xung quanh.
Xử lí rác sơ sài, thiếu trách nhiệm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân nơi đây. Hệ thống xử lí nước thải của nhà máy chỉ là hai hố đất nhỏ và không được bê tông hóa nên nước thải vẫn ngấm ra ruộng của những người dân xung quanh đó. Những mảnh ruộng gần nhà máy phần lớn bỏ hoang hoặc chỉ có thể trồng cỏ. Môi trường đất và không khí đã bị ô nhiễm khá nghiêm trọng.
Bức xúc của người dân
Những người dân sống gần khu chứa rác thuộc xã Tản Lĩnh đã được di rời đến nơi ở mới, còn những người dân xã Xuân Sơn vẫn đang phải tiếp tục chịu đựng sự ô nhiễm. Người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị với chính quyền nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết tận gốc. Tháng 4 và tháng 5 năm 2010, người dân xã Xuân Sơn đã hai lần chặn xe chở rác không cho đưa rác vào đổ tại bãi. Vì vậy, UBND thị xã Sơn Tây đã đưa ra quyết định di rời các hộ dân xung quanh bãi chứa rác và nhà máy xử lí rác trong vòng bán kính 500m đến nơi ở mới. Ông Vũ Xuân Thao – Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết: Tổng diện tích đền bù của xã Xuân Sơn khoảng 84ha thuộc 4 thôn Xuân Khanh, An Sơn, Tam Sơn và Lễ Khê.
Việc di dân khỏi vùng bị ảnh hưởng của ô nhiễm rác là một quyết định đúng đắn nhưng khu tái định cư mới của xã Xuân Sơn liệu có lặp lại tình trạng như khu tái định cư ở xã Tản Lĩnh? Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần cần có những bước đi đồng bộ, khoa học và khẩn trương để cuộc sống của người dân sớm ổn định thực sự. Đồng thời, cần có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lí những vi phạm trong quy trình xử lí rác của nhà máy xử lí chất thải Sơn Tây và có quy hoạch cụ thể, khoa học đối với bãi chứa rác Xuân Sơn - Tản Lĩnh.
Đinh Thơm - Diệu Hương
Lớp Truyền hình K.28A1
Lớp Truyền hình K.28A1
Cùng chuyên mục
Bình luận