"Để viết phóng sự thành công"
(Sóng trẻ) - “Để viết phóng sự thành công” là sản phẩm của “một nhà báo lăn lộn trong cuộc sống, tận tụy với nghề, có những thành đạt trong thể loại phóng sự” và “là tài liệu tham khảo rất bổ ích đối với các bạn nhà báo mới vào nghề hoặc đang làm nghề”. Đó là lời tựa của nhà báo lão thành Hữu Thọ, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân về cuốn sách chứa đựng đầy tâm huyết của “cây bút lãng tử, phóng khoáng, hồn hậu” Huỳnh Dũng Nhân.
Như đúng tựa đề của cuốn sách, “Để viết phóng sự thành công” là những nghiên cứu, những nguyên tắc, thậm chí là những “bật mí” kinh nghiệm về thể loại phóng sự của một nhà báo đồng thời cũng là một giảng viên báo chí. Trong hành trình “từ trang viết đến giảng đường”, Huỳnh Dũng Nhân đã xuất bản nhiều cuốn sách không chỉ có giá trị như những những tài liệu tham khảo cho đồng nghiệp mà còn có vị trí như những công trình khoa học trong công tác đào tạo cử nhân báo chí, mà cuốn sách này là một ví dụ.
Đến với cuốn sách, độc giả sẽ được tìm hiểu về phóng sự, một thể loại tự nhiên, hữu ích, vẫn được ví như “thân tàu” trong các thể tài báo chí (Nội dung phần 1: Tìm hiểu về phóng sự). Tác giả cũng chỉ ra các kỹ thuật viết phóng sự, trong đó có 3 tiêu chí để đánh giá một tác phẩm phóng sự hay và có giá trị là đề tài hay, thể hiện hay và hiệu ứng dư luận xã hội cao (Nội dung phần 2: Kỹ thuật viết phóng sự, đây cũng là phần có dung lượng lớn nhất trong cuốn sách).
"Để viết phóng sự thành công", sản phẩm trên hành trình "từ trang viết đến giảng đường"
Ở phần 3: Điều tra những lý luận về thể loại điều tra, tác giả với tư cách là một nhà báo và một người nghiên cứu báo chí đã chỉ ra 12 lưu ý khi phóng viên nhà báo muốn viết về thể loại điều tra và phóng sự điều tra. Cũng có thể coi đây là những nguyên tắc "vàng" để hạn chế, khắc phục những tai nạn nghề nghiệp mà những người làm trong môi trường báo chí – truyền thông thường mắc phải.
Phần cuối cuốn sách, Huỳnh Dũng Nhân đã dày công phỏng vấn các "cây bút" phóng sự có tên tuổi trong “làng báo” Việt Nam như:Xuân Ba, Vĩnh Quyền, Binh Nguyên, Nguyên Quang Vinh, Ngọc Trân, Đỗ Doãn Hoàng và Sơn Tùng. Bên cạnh đó tác giả cũng tuyển chọn một số tác phẩm phóng sự tiêu biểu của chính bản thân mình trong những năm tháng lăn lộn với nghề báo như: Con đường bia bọt, Một em bé không được vào lớp 1, Kính thưa Ôsin hay Tôi đi “bán” tôi và Tôi trong mắt tôi để làm tài liệu đọc thêm cho bạn đọc.
Trong khóa luận “Phẩm chất văn học của phóng sự trong báo chí hiện đại”, tác giả T.K.Y – Đại học Sư phạm Hà Nội đã đánh giá “Giọng điệu trần thuật trong phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân rất đa dạng, có giọng dân dã, mộc mạc; có giọng đôn hậu, chân tình; có giọng khắc khoải xót thương; có giọng hóm hỉnh; có giọng trữ tình sâu lắng.” Điều đặc biệt là không chỉ trong phóng sự mà ngay cả trong những cuốn sách chuyên khảo hay giáo trình như “Để viết phóng sự thành công", Huỳnh Dũng Nhân cũng làm được điều này.
Huỳnh Dũng Nhân - Để viết phóng sự thành công Xuất bản: 2012 - NXB: Nhà xuất bản Thông Tấn Số trang: 287 trang - Giá: 58.000 VNĐ
|
Lê Quang Đức
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận