Đinh Hữu Dư và những câu chuyện chưa kể

(Sóng trẻ) – Trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của chàng phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư, những người thầy, người bạn, người đồng nghiệp đã cùng nhau ngồi lại, chia sẻ những kỉ niệm về anh tại buổi tọa đàm “Đinh Hữu Dư – Lửa nghề cháy mãi” diễn ra vào tối 6/12 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Căn nhà “không ra nhà” gắn bó suốt quãng đời học sinh, xấp giấy khen xếp chồng lên nhau của một tấm gương vượt khó “lấy quả cà chua làm thức ăn cho cả ngày” là những điều đồng nghiệp viết về chàng phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) chịu thương, chịu khó, luôn hết lòng vì mọi người không may tử nạn trong khi tác nghiệp tại Yên Bái vừa qua. Thế nhưng, đằng sau những câu từ ấy là những câu chuyện, những kỉ niệm được chính người thầy, người bạn, người đồng nghiệp của Đinh Hữu Dư lần đầu chia sẻ trong tâm trạng bồi hồi, tiếc thương cho số phận của chàng phóng viên trẻ tuổi.

Con nan, trò giỏi, phóng viên mẫn cán

Gánh nặng về cơm, áo, gạo, tiền đã đè nặng lên vai chàng phóng viên trẻ ngay từ rất sớm. Hình ảnh căn nhà cũ của Dư tại Ninh Bình được đăng tải trên các phương tiện truyền thông phần nào đã cho chúng ta thấy được hoàn cảnh khó khăn của anh. Thế nhưng, chỉ đến khi về dự đám tang, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp mới biết được sự khó khăn ấy, bởi Đinh Hữu Dư chưa một lần chia sẻ về cuộc sống vất vả của gia đình mình. 

Bản thân anh với những đồng nhuận bút của một phóng viên chân chính hàng tháng dành phần lớn để gửi về nuôi 2 cháu nhỏ và hỗ trợ gia đình. Chưa tròn 30, chưa lập gia đình, Dư đã phải một mình nuôi cả mấy miệng ăn trong nhà. Thậm chí, việc được điều lên Yên Bái công tác, anh cũng giấu với cả người thân vì không muốn mọi người lo lắng. Song, hàng xóm, láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp lúc nào cũng dành cho anh những lời khen ngợi và nể phục.

62386e812_thi_th_ph_ng_vi_n_inh_h_u_d_nh_1_59e091bb0df0d.jpg
Chân dung chàng phóng viên trẻ tuổi của TTXVN

Khó khăn là vậy nhưng Dư vẫn cố gắng để trang trải cho cuộc sống cùng chi phí học cao học. Anh bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ với đề tài: “Phong cách chính luận Nguyễn Hữu Chỉnh trên báo Nhân Dân” năm 2013. Điều đặc biệt hơn cả là ấn tượng của người thầy, người hướng dẫn – PGS. TS Nguyễn Văn Dững về cậu học trò cũ. Thầy chia sẻ: “Tôi nhớ hôm đó là buổi học cuối cùng tôi lên lớp. Dư có lên và hỏi tôi rằng: “Thầy có thể giúp em làm luận văn được không?”. Sự chủ động và nghiêm túc trong công việc là phẩm chất khiến Dư “ghi điểm” trong mắt người thầy của mình.

Ra trường, Đinh Hữu Dư công tác tại báo Nhân Dân một thời gian. Tới năm 2016, anh là một trong số những người đạt điểm cao nhất trong kì thi tuyển phóng viên của TTXVN và được điều làm phóng viên thường trú tại tỉnh Yên Bái. Trong hơn một năm công tác, anh đã lăn xả, dấn thân với lửa nghề cháy bỏng và đem về những tác phẩm thời sự, chất lượng cho tòa soạn. “Dư là một phóng viên mẫn cán luôn tìm ra góc độ mới của vấn đề. Hơn nữa, từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ thấy đề tài nào Dư định làm mà không làm được. Mà đã nghĩ ra là cậu đi làm luôn vì sợ để lâu, lười lại quên mất” - anh Phạm Thế Duyệt – người đồng nghiệp đã may mắn thoát nạn trong khi tác nghiệp cùng Dư chia sẻ.

Từ chiếc Wave Alpha đến tủ sách cho trẻ em nghèo

Nhắc đến tên Đinh Hữu Dư và xem phóng sự cuộc đời anh do chính những người đồng nghiệp thực hiện, chị Doãn Thị Thùy Linh – cựu sinh viên lớp Báo in K27, người bạn thân thời đại học đã không kìm được những giọt nước mắt. Dư trong mắt chị là một anh chàng lớp phó học tập hiền lành, điềm đạm, hòa đồng và kiêm luôn cả vai trò lớp phó đời sống bởi sự ân cần, chu đáo của mình dành cho mọi người. Anh là người đã sẵn sàng cho bạn mình mượn chiếc xe máy Wave Alpha cũ nát mà anh đã tích góp để mua khi đó còn đang gửi trong kí túc xá vì chưa có đủ tiền sửa chữa. Anh là người biết bạn mất xe nên chấp nhận đi làm bằng xe buýt và nhường chiếc xe duy nhất của mình cho bạn. Để rồi khi nhớ lại kỉ niệm ấy, chị Linh nghẹn ngào chia sẻ: “Em luôn luôn nhớ về Dư như một người có ơn đối với mình trong cuộc đời này”.

Giàu đức hi sinh là vậy, thế nên chẳng có gì bất ngờ khi anh Duyệt chỉa sẻ: “Dư không phải thiếu tiền. Chỉ là tiền ấy chẳng mấy khi dành cho nhu cầu cá nhân của cậu. Hơn một năm công tác cùng nhau, ăn cùng nhau, ở cùng nhau, 1 đôi giày giảm giá và 1 chiếc áo phông là 2 thứ duy nhất tôi thấy Dư mua cho bản thân mình”.

62386e812_dsc01897.jpg
Những người thầy, người bạn, người đồng nghiệp bồi hồi xúc động nhớ về những kỉ niệm với Đinh Hữu Dư

Số tiền lương tích góp được, một phần anh gửi về để nuôi gia đình, phần còn lại anh dành để mua đồ dùng học tập, sách vở cho các em nhỏ vùng cao. Ấy vậy mà cuối tuần nào Dư cũng về Hà Nội, chỉ cười trừ khi anh Duyệt hỏi rồi xách lên Yên Bái nào sách, nào vở để làm dày thêm tủ sách cho các em. Đúng như lời anh chia sẻ với người bạn học: “Nếu mày đã đi làm và hiểu được hoàn cảnh của người dân thì mày sẽ không bỏ được dân đâu”.

Hiện nay, tủ sách Đinh Hữu Dư đã trở thành một mô hình được nhân rộng ở những vùng khó khăn tại tỉnh Yên Bái như một hoạt động tri ân người phóng viên trẻ tuổi có nhiều đóng góp vì cộng đồng. Vẫn còn đó rất nhiều những hoạt động thiện nguyện mà chàng trai trẻ tới từ Ninh Bình ấp ủ thực hiện, thế nhưng số phận đã không cho anh hoàn thành tâm nguyện của mình. Giờ đây, những người thầy, người bạn, người đồng nghiệp sẽ thay anh hoàn thành nốt những gì còn dang dở.

Đinh Hữu Dư là một tấm gương sáng không riêng gì nghề báo mà còn của tất cả các bạn trẻ Việt Nam. Tấm gương sáng ấy sắp tới sẽ được lan tỏa bằng cuốn sách về anh do PGS.TS Nguyễn Văn Dững làm chủ biên. Cuốn sách bao gồm 29 bài viết (tri ân tuổi 29 của Đinh Hữu Dư) được chọn lọc trong suốt quá trình làm báo của Dư, 17 bài thơ do chính anh sáng tác đăng trên Facebook cá nhân, 1 bài viết về tủ sách Đinh Hữu Dư và 1 bài về thời trung học tại Ninh Bình. Cuốn sách dự kiến xuất bản vào ngày 9/1 tới, nhân kỉ niệm 67 năm Ngày truyền thống Học sinh Sinh viên Việt Nam.
Thế Anh

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN