Đừng tự biến mình thành nô lệ của công nghệ!
(Sóng Trẻ) - “Tôi sợ cái ngày mà công nghệ sẽ lấn át sự giao tiếp giữa con người với nhau. Thế giới lúc đó sẽ có một thế hệ toàn những kẻ đần độn” – Albert Einstein. Điều mà Einstein lo sợ, có lẽ đang dần trở thành hiện thực.
Với sự phát triển từng ngày của công nghệ, ngày nay, chỉ cần ngồi một chỗ bạn cũng có thể biết tất cả những gì muốn biết chỉ với một chiếc smartphone nhỏ bé trên tay. Với nó, bạn không bao giờ cảm thấy thiếu việc để làm: lướt facebook, chơi game, chat chit với bạn bè… Thật tiện lợi làm sao khi chẳng cần đi đâu cả, chẳng cần phải gặp nhau, bạn cũng biết bạn bè mình đang ra sao, đang ở đâu, thậm chí đang làm gì, đang ăn gì… thông qua các “trạng thái” trên facebook. Bạn cũng chẳng cần phải hì hụi viết thư tay, rồi lóc cóc đi đến bưu điện để gửi nó, vì giờ bạn đã có trăm nghìn cách để có thể liên lạc với mọi người. Công nghệ giúp chúng ta làm những điều mà cách đây 15 - 20 năm, chúng ta không thể tưởng tượng ra nổi!
Nhưng cái gì cũng có mặt trái. Công nghệ giúp chúng ta tưởng như gần nhau hơn, nhưng đồng thời cũng đẩy chúng ta xa nhau hơn. Có bao giờ bạn nhớ những buổi gặp gỡ bạn bè, thay vì chỉ nhìn mặt nhau qua những tấm ảnh trên facebook? Có bao giờ bạn nhớ những khi đứa bạn rỉ tai tâm sự, thay vì những dòng “trạng thái” vô cảm trên màn hình? Có bao giờ bạn nhớ những cuộc chuyện trò bên ly cà phê trong một góc quán quen, thay vì những dòng chat vội vã? Và đã bao lâu rồi bạn không cùng cả nhà xem tivi, thay vì chui vào phòng cùng chiếc laptop luôn bật sáng?
Bạn có thấy bản thân mình trong hình ảnh này?
Liệu có đáng buồn khi nhìn vào một quán cà phê, ai cũng có việc để làm với chiếc điện thoại trên tay. Họ ngồi cùng nhau, nhưng ai cũng cắm mặt vào màn hình điện thoại. Người lướt web, người chơi game, người chụp ảnh “tự sướng” rồi “check in” facebook,… Những buổi cà phê đúng nghĩa giờ đâu mất rồi? Bạn có thể hỏi tôi, thế nào là “cà phê đúng nghĩa”? Đối với tôi, đó là khi những người bạn lâu ngày gặp nhau ngồi bên nhau, cùng nhấm nháp những ly cà phê, rồi kể nhau nghe những câu chuyện có thể dài, có thể ngắn, có thể vui vẻ hài hước, cũng có thể đầy tâm trạng,… Để rồi sau khi ra về, ai cũng có thể mỉm cười và cảm thấy thật sự vui vẻ, và hẹn nhau một ngày không xa lại gặp nhau tiếp. Nhiệm vụ của công nghệ, đó là giúp chúng ta gần nhau hơn, nhưng khi gặp mặt, khi đã gần nhau đến thế, thì cần gì phải khư khư chiếc điện thoại trong tay? Chính lúc này, công nghệ đẩy chúng ta ra xa nhau lúc nào không hay.
“Mỗi lần giở điện thoại ra là phạt 5000 nhé!” – đây là câu nói vui vui của cô bạn tôi mỗi lần chúng tôi đi chơi cùng nhau. Điều này chứng tỏ, vẫn có những người trẻ nhận ra sự chiếm lĩnh của công nghệ trong cuộc sống của chúng ta. Điều này chứng tỏ, nỗi sợ của Enstein vẫn chưa hoàn toàn xảy ra. Vì thế, bạn hãy đứng lên, rời khỏi laptop hay chiếc smartphone yêu quý, xuống bếp phụ mẹ nấu bữa ăn nn cho cả nhà, hoặc dắt xe ra nài lượn lờ phố xá, bởi không cần đến công nghệ, cuộc sống thực vẫn tươi đẹp lắm!
Và đừng tự biến mình thành những kẻ đần độn, những nô lệ của công nghệ bạn nhé!
Trần Hà Mi
Lớp TH K31 A1
Cùng chuyên mục
Bình luận