Flexing: Trào lưu vô hại và những hệ lụy về nhận thức.

(Sóng trẻ) - Ban đầu, trào lưu “flex” giữ đúng tinh thần giải trí. Sau khi được góp vui bởi những người nổi tiếng và xuất chúng, nó đã vô tình biến thành cuộc thi “Ai là người giỏi nhất trong việc làm người khác cảm thấy kém cỏi?”

“Flex” có nghĩa là khoe khoang. Khoe khoang hay khoe mẽ, thực chất là phô trương tài sản, thành tích và tài năng của bản thân. Đây vốn là một khái niệm đã xuất hiện từ lâu, thậm chí đã có từ thời “lợn cưới, áo mới”. Trước nay, có rất nhiều trào lưu phô trương sự giàu có của mình trên mạng. Tuy nhiên, mới đây nhất, một trào lưu khoe khoang đã được thổi bùng trở lại. 

Những trào lưu tưởng chừng như vô hại

Khoe khoang không phải thời điểm này mới xuất hiện, nó vốn là một phần trong bản chất con người. Nhu cầu được công nhận là nhu cầu cao nhất của mỗi chúng ta. Và để được công nhận, ta luôn muốn chứng tỏ bản thân hơn người khác. 

1694761179373.jpg
Tháp Maslow về nhu cầu cơ bản của con người

Theo TS. Lê Minh - Giảng viên khoa Tâm lý học - Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội, việc “flex” xuất phát từ mong muốn được khẳng định bản thân và được mọi người ngưỡng mộ những gì mình đang có. Trước đây, đã có rất nhiều trào lưu có mục đính tương tự nhưng mang những cái tên khác.

Đây đều là những trào lưu làm mưa làm gió một thời. Mục đích của trào lưu này là khoe ra những tài sản vật chất mà mình có. Bạn Minh Tâm (2002) chia sẻ: “Mình cũng đã từng tham gia thử thách bóc giá outfit và phát hiện ra có rất nhiều bạn trẻ mặc đồ hiệu, phụ kiện đắt tiền quá!” Vừa qua, xu hướng khoe khoang quay trở lại mạng xã hội với cái tên “flex”. Khác với những trào lưu trước, “flex” không chỉ dừng lại ở của cải vật chất mà còn khoe cả thành tích cá nhân, tài năng đặc biệt và các kỉ vật có giá trị. 

Trào lưu phát triển ngày càng mạnh mẽ khi xuất hiện một hội nhóm Facebook có tên “Flex đến hơi thở cuối cùng” với hơn 1.1 triệu thành viên sau 2 tháng thành lập. Mỗi bài viết “flex” trong nhóm đều nhận được hàng chục nghìn likes và comments. Bắt đầu từ việc khoe tài năng “đặc biệt” không ai có, đến những kỉ vật mang giá trị tinh thần. Càng về sau, “flex” càng trở thành cuộc chạy đua của giới siêu giàu và siêu giỏi.

(Ảnh minh hoạ - Bài đăng của ca sĩ Hoàng Dũng, Jenny Huỳnh và tập đoàn Vingroup)
(Ảnh minh hoạ - Bài đăng của ca sĩ Hoàng Dũng, Jenny Huỳnh và tập đoàn Vingroup)

 

Từ một trào lưu mang tính giải trí, nó bỗng biến tướng thành cuộc thi “Ai giỏi nhất trong việc làm người khác cảm thấy kém cỏi?”

Lợi bất cập hại

Mai Phương (2004) là một du học sinh Úc đã từng tham gia vào trào lưu flex để khoe bộ sưu tập túi hiệu có giá trị hàng tỉ đồng của mình. Bạn cho rằng: “Mình tham gia trào lưu này chủ yếu để giải trí và khoe những thứ ít ai có. Vì con người ai chẳng thích khoe?” Nhiều người khi bị thu hút bởi trào lưu trên cũng có cùng quan điểm: “Người ta giàu có, tài giỏi thì họ có quyền đem khoe. Cũng không hề trái với đạo đức.” 

Bên cạnh đó, những người đứng ngoài cuộc đua vật chất cho rằng bình thường hóa việc khoe khoang dễ dẫn tới tính tự cao, vô tình trở nên coi thường người không bằng mình. Người giàu có được tung hô, trầm trồ, ghen tị,... còn những người bình thường bỗng trở nên thật nhỏ bé.

“Flexing” là một trào lưu có cả mặt tốt và mặt xấu. Việc khoe khoang có thể làm tăng giá trị bản thân trong mắt người khác. Đi phỏng vấn thì khoe năng lực, khoe thành tích. Người nổi tiếng khoe tài năng để khuếch đại tầm ảnh hưởng của mình. Doanh nghiệp khoe dịch vụ để định giá thương hiệu, học sinh - sinh viên khoe bằng cấp,... Khoe khoang có ý nghĩa như một sự ăn mừng và để người khác mừng cho mình. Phong trào “flex” được đánh giá là một trào lưu tích cực khi nó tạo cho giới trẻ một môi trường giao lưu, học hỏi và có thêm động lực cố gắng. Tuy nhiên, nó chỉ tốt khi sự khoe khoang xảy ra đúng nơi, đúng đối tượng, đúng thời điểm. Chẳng hạn như khoe với bạn bè và người thân.

Khi khoe mẽ trên mạng xã hội - vốn là nơi tồn tại nhiều luồng ý kiến, chủ nhân bài viết có thể sẽ phải “nơm nớp" lo sợ xem có ai chê bai mình không, hay có ai hơn mình không. Từ đó, chính “flex” đã tạo ra một môi trường so sánh, ghen tị và cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh những lời chúc mừng, khen ngợi, ta có thể thấy nhiều bình luận ác ý, đố kỵ, công kích cá nhân, khiến cả người khoe và người xem đều khó chịu. Giống như Nguyễn Du đã từng viết: Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

 

Ngoài ra, khoe khoang trên mạng xã hội cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ “vạch áo cho người xem lưng”. Chẳng hạn như lộ thông tin cá nhân, tạo điều kiện cho người khác lợi dụng. Có thông tin cho rằng, nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” đã phải dừng hoạt động khi bị Facebook dán mác “hội nhóm không an toàn”, do quá nhiều người đăng tải bằng cấp và các giấy tờ cá nhân lên nhóm.

Có nhà lầu, xe hơi vốn chẳng phải là điều gì đáng tự hào. Việc trở nên thành đạt mới đáng tự hào. Nhưng người ta lại thường đánh đồng việc có nhà lầu, xe hơi là biểu hiện của thành đạt, nên họ đem khoe tài sản, mục đích là khoe giá trị của bản thân. 

Nhiều người trẻ khi thấy người khác tài giỏi hay giàu có, đã bị rơi vào cái bẫy Peer pressure - Áp lực ngang hàng; cảm thấy mình kém cỏi và tự ti vào bản thân. Khánh Ly (2002), một hội viên của nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” chia sẻ: “Sau khi vào nhóm, tự dưng cảm thấy mình như ở dưới đáy của xã hội vậy!” Câu đùa này của bạn có lẽ đã nói lên tình trạng chung của cả triệu thành viên trong nhóm. Mai Linh (2002) có cùng quan điểm với Ly: “Mình rất ghen tị với mọi người nên luôn cố gắng để có được những thứ đáng khoe!” Tài sản hay bằng cấp vốn không phải tất cả các yếu tố nói lên giá trị của mỗi người, nhưng khi thấy quá nhiều người xuất chúng, ta dễ lầm tưởng rằng mình nằm trong số ít thành phần kém cỏi của xã hội. Thay vì cố gắng trau dồi giá trị của bản thân để trở nên tốt hơn, hạnh phúc hơn; nhiều người lại chọn cố gắng để trở nên “bằng người khác”.

 Khoe khoang một cách có kiểm soát

Khoe mẽ mọi thứ lên mạng xã hội cho thấy một phong trào chạy theo xu hướng, xem trọng bề nổi của số đông. Chúng ta không cố gắng cả đời người trở nên thành đạt chỉ để khoe. Chúng ta không đọc thật nhiều sách, đi thật nhiều nơi để khoe. Chúng ta làm vì tác dụng của từng việc: thành đạt để hạnh phúc, đọc sách để biết, đi để trải nghiệm.

Khiêm tốn vốn là một trong những đức tính đáng quý của người Việt. Do đó, bình thường hoá việc khoe mẽ có thể đi ngược lại với truyền thống của dân tộc, dễ dẫn đến nhiều hệ luỵ về mặt nhận thức. Nó điều hướng mọi người, đặc biệt là giới trẻ, tin rằng họ không cần phải sống khiêm nhường, và rằng có tài sản hay tài năng gì thì đều phải trực tiếp nói ra cho mọi người công nhận. Lâu dần, cuộc sống cá nhân của mỗi người sẽ bị phụ thuộc vào ánh nhìn của xã hội. 

“Nếu không được kiểm soát, “flex” sẽ góp phần tạo ra sự áp lực trong xã hội và so sánh không lành mạnh. Nhiều bạn trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm trước những thành tựu của người khác. Điều này khiến các bạn buồn bã, chán nản, áp lực mà quên mất rằng bản thân cũng có những điểm mạnh và năng lực riêng.” - TS. Lê Minh, Giảng viên khoa Tâm lý học - Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội chia sẻ.

TS. Lê Minh, Giảng viên khoa Tâm lý học - Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội
TS. Lê Minh, Giảng viên khoa Tâm lý học - Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội

Có người cho rằng việc ai đó khoe khoang lên mạng xã hội vốn không ảnh hưởng tới ai. Tuy nhiên, chuyên gia giải đáp rằng, khi có quá nhiều những thông tin vô bổ như ai được đi du lịch, mặc đồ hiệu, đi siêu xe,... cộng đồng mạng sẽ dần chìm đắm trong một đám đông chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ.

“Flexing” một cách tích cực, hóm hỉnh, như một lời cảm ơn sự nỗ lực của bản thân thì chưa khi nào là xấu. Chuyên gia nhấn mạnh rằng mỗi cá nhân cần biết cân bằng, thể hiện mình một cách tích cực, nhận biết được giá trị của mình, nhận thức được năng lực, phẩm chất, những gì mình đang có. 

Quan trọng là chúng ta cảm nhận cuộc sống của mình như thế nào, chứ không phải là nó trông như thế nào!

“Hãy flex một cách văn minh, đem lại giá trị cho xã hội và nên giữ nó chỉ là một trào lưu giải trí, tránh ảnh hưởng đến việc hoàn thiện tư tưởng và nhận thức của thế hệ trẻ.” - ông Minh chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN