Friend with benefits: Sự lựa chọn dành cho “một cái đầu lạnh”
(Sóng trẻ) - Trào lưu này vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều từ các bạn trẻ. Có người cho rằng mối quan hệ này phù hợp với những người cần chỗ dựa, cần sự giải tỏa tâm sinh lý. Lại có ý kiến khác coi FWB là sai trái, đánh mất giá trị con người chỉ vì hành động bản năng.
Bất kể ở thời đại nào, con người ta cũng có nhu cầu trong đời sống tình dục. Nhưng trong thế kỷ 21, sự đổi mới về nhận thức cùng ảnh hưởng của văn hóa phương Tây khiến con người ngày càng tự tin trong việc đáp ứng nhu cầu bản thân. Lý do khác khiến FWB tại Việt Nam ngày càng phổ biến chính là lối sống tự do, ghét sự ràng buộc, ngột ngạt trong mối quan hệ chính thức.
Nguyễn Thanh Xuân – sinh viên năm ba trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Khi bắt đầu mối quan hệ FWB, người trong cuộc sẽ không phải tỏ ra là người mà đối phương đang kỳ vọng. Hai người sẽ cùng nhau chia sẻ về những vấn đề về tình dục, sẵn sàng lên giường mà không có bất cứ sự ràng buộc nào về cảm xúc. Và trong công việc, cuộc sống hàng ngày họ vẫn hành xử với nhau như những người bạn”.
Tại các nước Phương Tây, họ đã quen với việc cởi mở trong các mối quan hệ vì nhiều người quy định chưa thành vợ chồng thì các mối quan hệ chỉ đang ở mức tìm hiểu. Do đó, FWB cũng được coi như một mối quan hệ dựa trên lợi ích thật sự khi có được nhiều sự trải nghiệm trong tình dục một cách an toàn. Về đến nước ta, nhiều bạn trẻ hiểu sai về điều này, dẫn đến lối sống buông thả, vô trách nhiệm với bản thân và cả đối phương.
“Mối quan hệ FWB của giới trẻ cũng luôn là nỗi lo lắng đối với những bậc phụ huynh bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm về các bệnh tình dục và nếu không biết bảo vệ bản thân thì bất cứ ai cũng có thể trở thành "nạn nhân" của nó. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ do không thực hiện đúng các biện pháp an toàn dẫn đến có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai, hậu quả có thể mất đi thiên chức làm mẹ - một thiên chức cao cả và linh thiêng đối với một người phụ nữ”, Vũ Hà Thư – sinh viên chuyên ngành Báo Phát Thanh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Hàng năm theo số liệu thống kê, ngày càng nhiều lượt người đến khám mà phần đông là các thanh, thiếu niên độ tuổi từ 18-25 vì các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt số người mắc bệnh giang mai, lậu và Chlamydia tăng đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu khiến số lượng người trẻ mắc bệnh tăng nhanh vì lối sống thoáng trong quan hệ tình dục, dễ dàng tìm kiếm bạn tình, tò mò muốn thử các trào lưu như FWB mà không lường trước hậu quả dẫn đến tỷ lệ gia tăng nhóm bệnh này”.
Hơn nữa FWB không phù hợp với những người đã kết hôn bởi điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống gia đình, nguy cơ ngoại tình tăng cao, phá vỡ hạnh phúc và tâm hồn của những đứa trẻ nhất là khi họ đã có con cái. Ngoại tình luôn là vấn đề nhức nhối và không còn hiếm gặp trong xã hội, được phần đông mọi người lên án nặng nề, thường được gọi bằng những từ “con giáp thứ 13”, hay “tiểu tam”, “trà xanh” là những cái tên được đặt bởi giới trẻ. Điều này cho thấy văn hoá Việt Nam vẫn luôn chú trọng bảo vệ sự văn minh trong văn hoá gia đình.
Trần Diệu Linh – du học sinh tại Anh cho biết: “Đây là một mối quan hệ tự do. Chúng ta không cần ra mắt gia đình đối phương và gọi điện khi không muốn vì có thể ta muốn tập trung vào sự nghiệp, hay thay đổi môi trường sống, hoặc đơn giản chỉ muốn sống độc thân. Hai người vẫn có thể hẹn hò đi chơi, xem phim, mua sắm,… và mọi chi phí đều chia đôi sòng phẳng, không ai phải chịu trách nhiệm với ai. Và dĩ nhiên, một phần không thể thiếu trong mối quan hệ này là những đêm bên nhau. Bất cứ khi nào có nhu cầu bạn đều được người đó đáp ứng. Bạn có thể tán tỉnh bất cứ ai bạn muốn mà không cần cảm thấy có lỗi với “partner” (đối tác) của mình. Đương nhiên nếu bận rộn, bạn cũng không cần trích ra thời gian rảnh rỗi để dành ở bên họ nhiều hơn như những người đang trong mối quan hệ nghiêm túc”.
Vì vậy, có một điều chắc chắn rằng người đó sẽ không để tâm đến tình cảm của bạn, họ dễ dàng thỏa mãn nhu cầu về thể chất nhưng không quá chú tâm đến những cảm xúc riêng tư. Bạn sẽ không thể khiến người ấy lắng nghe mình khi gặp chuyện buồn, những lúc khó khăn trong cuộc sống và chắc chắn không phải là nơi để nương tựa sau một ngày tồi tệ. Họ không phải là tri kỷ, và chúng ta phải học được cách kiềm chế bản thân trong việc bày tỏ cảm xúc không đáng có.
Thường thì một mối quan hệ FWB sẽ đổ vỡ nếu một trong hai người dấy lên tình cảm yêu đương mà người kia không đáp lại. Còn ở một kịch bản kết thúc hạnh phúc thì việc gắn kết với nhau về mặt tâm hồn (chính thức trở thành người yêu) là kết quả đẹp của một quá trình ái ân thể xác. Một khi mối quan hệ FWB bị phá vỡ, thứ ta mất đi không chỉ là một người bạn mà còn là một khoảng thời gian dài gặm nhấm trong tuyệt vọng. Chúng ta sẽ không thiết tha đến những vấn đề về tình cảm nữa mà chỉ cần nhu cầu được thỏa mãn. Chính vì vậy, trước khi quyết định tiến đến mối quan hệ "không ràng buộc", phải biết mục đích bản thân, tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ những lợi ích và rủi ro mà mình có thể phải gánh chịu sau này.