Gặp gỡ người thầy thích “chơi” với môn sử

(Sóng Trẻ) -  “Tôi không đặt nặng quá nhiều việc cung cấp kiến thức tràn lan, gò bó cho học sinh, mà chủ trương khi các em dùng sách là để thư giãn, “chơi” với môn học qua việc giải ô chữ” -  Đó là những điều mà thầy Trần Đình Ba (Giáo viên trường trung cấp Phương Nam TPHCM) luôn tâm huyết trong suốt quá trình thực hiện ý tưởng biên soạn ra bộ sách tham khảo “Chơi ô chữ Lịch sử THCS” rất mới và lạ.

Thưa thầy, thầy có thể giới thiệu một chút về Bộ sách Chơi ô chữ môn Lịch sử cấp THCS mà thầy đã biên soạn? Bộ sách đó có điểm gì khác biệt so với các bộ sách Lịch sử khác?

Bộ sách Chơi ô chữ môn Lịch sử THCS do NXB Trẻ xuất bản năm 2009 – 2010. Trong tình hình “nhiễu” sách tham khảo hiện nay, tôi thấy các sách tham khảo môn lịch sử đều na ná giống nhau, đa phần theo câu hỏi trắc nghiệm thuần túy. Do đó, bộ sách Lịch sử qua ô chữ là một điểm khác lớn so với những sách tham khảo nói chung, bởi nó được viết ra dưới dạng… ô chữ.


Cuốn sách tham khảo lịch sử do thầy Đình Ba biên soạn - Ảnh: Thu Thảo

Nếu như các sách tham khảo đề học sinh học, làm bài tập, thì sách này thể hiện tính “thoải mái” của nó ngay từ cái chữ mở đầu tiêu đề: “Chơi…”. Tôi không đặt nặng quá nhiều việc cung cấp kiến thức tràn lan, gò bó cho học sinh, mà chủ trương khi các em dùng sách là để thư giãn, “chơi” với môn học qua giải ô chữ giống như giải ô chữ trên báo chí, nhưng đây là ô chữ lịch sử và theo từng bài học với kiến thức trọng tâm và “chất” của câu hỏi phù hợp với trình độ từng lớp học.

Việc biên soạn một bộ sách Lịch sử mới lạ này là ý tưởng mà thầy đã ấp ủ bấy lâu nay hay vì trong thời gian gần đây chất lượng dạy và học sử ngày càng đi xuống?

Vâng, là một giáo viên dạy sử, thì rõ ràng cần phải làm cho giờ dạy của mình sinh động, thu hút học sinh. Nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây, sử nói riêng và khoa học xã hội nói chung ngày càng mất vị thế vốn có của nó. Tôi có lợi thế là cộng tác thiết kế ô chữ cho nhiều tờ báo. Tôi nghĩ tại sao mình lại không áp dụng ô chữ vào trong môn học này cho nó bớt khô khan? Và khi được gợi ý của Biên tập viên Đức Thiện bên NXB Trẻ, tôi bắt tay viết liền một mạch bộ sách Chơi ô chữ môn Lịch sử THCS với 5 cuốn chia thành nhiều tập.

Trong quá trình thực hiện ý tưởng đó, thầy đã trải qua những thuận lợi và khó khăn gì ?

Một thuận lợi lớn của tôi là có khả năng thiết kế nhiều dạng ô chữ khác nhau, với những chủ đề khác nhau, và trước đó đã xuất bản nhiều sách ô chữ với các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, khi thiết kế ô chữ lịch sử cho học sinh lại khác, mình phải đặt vào trình độ học trò làm xuất phát điểm mà viết, phải tuân thủ nội dung trong SGK chứ không được viết tùy tiện. Nhiều khi cảm thấy bức bối vì luôn bị giới hạn bởi dung lượng kiến thức cung cấp cho học sinh và khả năng hiểu biết của mình có thể làm được nhiều hơn thế, nhưng lại có thể làm loãng kiến thức trọng tâm muốn truyền tải.
alt

Thầy Đình Ba trong chuyến đi thực tế  tìm hiểu lịch sử vua Bảo Đại tại Đà Lạt

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Và một điều nữa là khi viết, lại phải chọn hình ảnh nền phù hợp để chèn ô chữ lên trên đó làm sao tạo tính trực quan, gây sự tò mò cao cho học sinh. Vì đây là chơi…ô chữ mà. Nhưng rồi cứ cố từng tí, mọi việc cũng suôn sẻ.

Theo thầy, Bộ sách đó mang lại hiệu quả như thế nào đối với người dạy và học môn Lịch sử? có điểm gì còn hạn chế mà thầy muốn khắc phục?

Nếu nói theo ý chủ quan của mình thì e rằng tôi đang đánh bóng cho sách mình viết, vì có cha mẹ nào chê con mình hư đâu. Nhưng nhìn tổng quan, tôi khẳng định sách là một cách tiếp cận kiến thức mới cho học sinh. Mà cái mới bao giờ cũng gây sự tò mò. Tiếng là sách tham khảo cho học sinh, nhưng giáo viên vẫn có thể dùng áp dụng vào bài giảng, phụ huynh có thể dùng để dạy con ở nhà, đó là tính đa dạng về đối tượng của sách.

Nhìn chung, tôi xem các bài đều có vị trí như nhau nên đối xử với chúng khi viết như nhau, bởi vậy không thiên lệch, ưu ái, nâng niu bất cứ một phần nào cả.

Nếu nói về điểm còn hạn chế mà thầy muốn khắc phục, thầy có chia sẻ gì không ạ ?

Về điểm muốn khắc phục thì có hai điểm. Một là, do lo học sinh khi đọc câu hỏi để tìm đáp án điền vào ô chữ thiếu thông tin, nên tôi đưa ra câu hỏi tương đối dài. Nếu được, tôi sẽ rút ngắn độ dài câu hỏi lại. Hai là, một số ô chữ đã thực hiện, tôi chưa yên tâm hoàn toàn về hình ảnh, muốn có hình ảnh đẹp hơn, mới hơn. Nếu có cơ hội tái bản, tôi sẽ sửa những lỗi này.

Hiện nay Bộ GD- ĐT đang có chủ trương giảm tải chương trình sách giáo khoa trong đó có môn Lịch sử, theo thầy nên giảm tải như thế nào để đạt hiệu quả trong quá trình dạy và học?

Vâng, tin này tôi mới được biết thời gian gần đây. Giảm tải, đối với môn Lịch sử, theo tôi, nên giảm tải về nội dung sách, loại bỏ bớt những phần mang tính mô típ hay lặp lại như nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa. Làm sao trình bày mỗi sự kiện lịch sử nào đó phải toát lên được cái thần của nó, điểm riêng của nó so với những sự kiện khác, chứ đừng cứ “ta thắng, địch thua”, “Kết quả, ta tiêu diệt và bắt sống được… địch, bắn rơi và phá hủy… máy bay,…”. Tại sao sau khi có phần nguyên nhân, diễn biến, kết quả rồi, phần ý nghĩa, tác dụng của sự kiện không để học sinh suy nghĩ từ những cứ liệu đã có, đấy cũng là một cách phát huy tư duy học sinh. Ở đây vai trò định hướng của giáo viên là rất quan trọng. Và cũng có những sự kiện, vấn đề không cần thiết phải nêu diễn biến dài dằng dặc, hãy để học sinh tìm hiểu nó qua phần chuẩn bị bài ở nhà.

Giảm tải dung lượng kiến thức trong SGK nhưng không có nghĩa là giảm tải số tiết dạy môn Lịch sử, bởi giáo viên Lịch sử đã quay như chong chóng khi dạy môn này rồi. Phải để cho họ được tăng tiết thực hành để tổ chức hoạt động nại khóa, cho học sinh thảo luận, thiết kế trò chơi lịch sử trên lớp cho học sinh. Được tham gia ngay chính vấn đề lịch sử nào đó, tức là học sinh đang sống với vấn đề đó, thì đảm bảo nhớ lâu, nhớ kỹ hơn và…cảm xúc thật hơn với Sử.

Việc học sử hiện nay đang có nhiều bất cập, theo thầy có nên thay đổi phương pháp tiếp cận hay không? Nếu có thì thay đổi bằng cách nào?


Tôi đã nói ở nhiều bài phỏng vấn rồi, học sinh là trung tâm của tiết học, giáo viên chỉ mang tính định hướng kiến thức cho các em. Nhưng hiện nay chúng ta phổ biến cách dạy một chiều của giáo viên, học sinh trở nên thụ động, đón nhận thông tin từ giáo viên mà không được động não, suy nghĩ về vấn đề đó như thế nào, thì làm sao mà hiểu, mà biết, mà nắm sâu được sử.

Nên chăng, trên cơ sở yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng cần có cho học sinh qua mỗi bài học, phần học, chúng ta hãy để cho giáo viên dạy lịch sử được “tung hoành” một cách có giới hạn với giờ dạy của mình, để họ mặc sức tìm tòi phương pháp, cách thức giảng dạy, truyền thụ cho học trò thay vì những ràng buộc về giáo án, thời gian, phương pháp dạy như hiện nay. Những cái đó chỉ nên là định hướng tương đối cho giáo viên thôi.

Tất nhiên, cũng cần có sự trao đổi, bàn luận giữa các giáo viên bộ môn với nhau để làm cho phương pháp dạy môn sử ngày càng đa dạng. Tại sao Bộ Giáo dục – Đào tạo lại không có một cuộc gặp gỡ, một “Hội nghị Bình Than” nào đó để tìm ra liệu pháp cho phương pháp dạy – học môn Sử nhỉ mà chỉ thấy là chỉ đạo từ trên xuống.

Các học sinh mà thầy biết có hào hứng với việc học sử theo sách của thầy không? Lý do các em hào hứng là gì ạ?


Tôi không chắc 100 em học sử theo sách của tôi là hào hứng hết. Chỉ biết rằng phụ huynh học sinh đã gọi điện cho tôi vì thấy sách này họ có thể dùng để dạy con ở nhà và nó thực sự…“lạ” với họ.

Còn bạn bè tôi khi dùng sách này áp dụng vào giảng dạy, rồi kiểm tra bài cũ bằng cách này đã được các em hưởng ứng nhiều. Đó là một tín hiệu vui với tôi và với môn Sử ở một góc độ nào đó. Nhưng tôi cũng chú ý rằng, sách này khi áp dụng vào dạy học chỉ là tham khảo, và đừng lạm dụng nó, chỉ nên dành cho nó một thời gian ngắn trong 45 phút của tiết học thôi, cần phối hợp với nhiều hình thức khác nữa.

Thầy có dự định “cách tân” một bộ sách Lịch sử nào nữa không? Hoặc ý tưởng về một phương pháp dạy và học mới cho môn sử?

Cách tân thì nghe to tát quá. Hiện nay tôi đã viết xong bộ sách Học Lịch sử THPT qua ô chữ, sắp tới NXB Dân trí sẽ ấn hành. Hi vọng học sinh THPT sẽ có thêm tài liệu để tham khảo mới lạ hơn.

Còn về ý tưởng về một phương pháp dạy học mới cho môn Sử, đó là một điều trăn trở không chỉ riêng tôi mà có lẽ tất cả mọi người có trách nhiệm. Với tôi, đó phải là một phương pháp tổng hợp kết hợp nhiều hình thức dạy và học khác nhau.

Theo thầy, việc viết SGK Lịch sử có đính kèm những trò chơi, phim ảnh có thể thực hiện được không? Nếu thực hiện nó sẽ mang lại hiệu quả tích cực gì?


Chắc chắn là thực hiện được. Nhưng với theo tôi, chúng ta không cần thiết phải viết SGK đính kèm những trò chơi, phim ảnh như thế. Nếu được, chỉ cần với mỗi bài lịch sử, chúng ta gợi mở cho giáo viên phương pháp tiếp cận đó như thế nào, có thể là trò chơi, là thảo luận, là chiếu phim tư liệu, là nói chuyện với nhân vật, chuyên gia lịch sử, là kể chuyện lịch sử… Từ cơ sở gợi ý đó, giáo viên sẽ soạn bài giảng, giáo án cho phù hợp, chứ đừng nhất nhất bài này phải dạy như thế này, bài kia phải dạy như thế kia, bó buộc, cứng lắm.

Thầy có thể chia sẻ những điều mà thầy còn trăn trở đối với việc dạy và học môn sử hiện nay?

Môn Sử nói riêng và các môn khoa học xã hội nói chung đang ở giai đoạn thoái trào, bị nhu cầu thực dụng của xã hội, phụ huynh, học sinh quay lưng. Là một giáo viên Lịch sử, tôi không buồn sao được? Lương giáo viên Lịch sử thì thấp, không thể toàn tâm toàn ý với nghề. Nền kinh tế thị trường phát triển, cả xã hội bung ra làm kinh tế, chú trọng vào các môn khoa học tự nhiên, học sinh không có tình yêu với sử, thì giáo viên có giỏi cách mấy cũng là “đơn thương độc mã” thôi.

Tôi chỉ mong sao những người có trách nhiệm và xã hội tìm ra giải pháp tốt nhất đưa môn Lịch sử trở lại đúng vị trí của nó, là một trong những môn khoa học đầu ngành giáo dục như nó vốn có cách đây hơn 1 thập niên. Hãy bắt tay vào tìm thuốc chữa khi đã thấy bệnh.

Xin chân thành cảm ơn thầy!

Trần Thị Thu Thảo

Lớp Báo mạng điện tử K28

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN