Gia sư “Chiến binh nhí”: “Sự cống hiến của các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch chính là những đồng lương quý giá nhất”

(Sóng trẻ) - Cô gái trẻ Nguyễn Mai Thư là một trong những gia sư tiêu biểu của dự án “Học cùng chiến binh nhí”. Đặc biệt Thư còn vinh dự được chọn là gia sư đại diện của dự án, mời tri ân trong chương trình “Rubik cuộc sống” trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN).

Cô sinh viên đa tài trên hành trình “gieo” chữ cho “chiến binh nhí”

Nguyễn Mai Anh Thư là sinh viên năm ba khoa sư phạm Toán tại trường đại học Thủ đô Hà Nội. Không chỉ có những thành tích học tập đáng ngưỡng mộ với nhiều bằng khen, cô bạn còn có một tình yêu với các công việc tình nguyện. Trong dự án “Học cùng chiến binh nhí” với hơn 1000 gia sư tham gia, Thư là một trong ba gia sư nhận nhiều học trò nhất của dự án. Đặc biệt, cô bạn còn vinh dự được trở thành gia sư đại diện của dự án, mời tri ân trong chương trình “Rubik cuộc sống” trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN).

PV:  Được biết Anh Thư đang hun đúc trong mình một niềm đam mê mãnh liệt với nghề giáo, cơ duyên nào đã đưa Thư cuốn mình theo trang giáo án để “gieo chữ” cho mầm non tương lai?

Mẹ mình là giáo viên nên ngay từ khi còn bé mình đã vô cùng quen thuộc với nghề. Ban đầu, khi thấy mẹ luôn thức khuya để soạn giáo án, để chấm và nhận xét chi tiết từng bài kiểm tra của học sinh, mình luôn thắc mắc vì sao mẹ lại phải vất vả và tận tuỵ đến vậy. Nhưng rồi vào mỗi dịp Tết, ngày 20/11 hàng năm, khi từng đoàn anh chị học sinh cũ từ vài năm, thậm chí hàng chục năm về trước đến thăm nhà, mình mới nhận ra tình cảm của học trò chính là nguồn động lực lớn lao nhất để mẹ mình quyết tâm với công việc này. Và đó cũng chính là lí do mình quyết tâm nối gót mẹ, trở thành một nhà giáo mẫu mực và tràn đầy tình yêu thương.

PV: Khi quyết định theo nghề giáo, từ việc học tập đến công việc dạy thêm, Thư có gặp khó khăn gì không?

Nói về khó khăn thì mình nghĩ ai là sinh viên cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Muốn theo đuổi nghề này không chỉ cần mỗi kiến thức là đủ, phẩm chất đạo đức cũng là một phần vô cùng quan trọng. Trách nhiệm của một nhà giáo trong tương lai và của cán bộ lớp khiến bản thân mình vô cùng áp lực, thậm chí mình đã từng nản chí và muốn thay đổi hướng đi nhiều lần khi còn học năm nhất.

Là một gia sư toán, lại xuất phát từ ngành sư phạm nên mình được kỳ vọng rất nhiều. Không chỉ phải giúp các em học sinh có hứng thú với việc học mà còn phải đảm bảo thành tích các em không ngừng tiến bộ. Môn toán một môn học đòi hỏi khả năng phân tích logic, nếu học sinh không có khả năng này thì quá trình dạy sẽ rất khó khăn và áp lực cho cả cô và trò.

unnamed.jpg
Anh Thư có ước mơ theo đuổi nghề giáo từ rất sớm (NVCC)

 

PV: Dạy gia sư tuy là một công việc làm thêm hấp dẫn nhưng không phải bạn sinh viên nào cũng biết cách dạy và kiểm soát thời gian hiệu quả. Với những kinh nghiệm mà bản thân có được, bạn có lời khuyên gì đối với các bạn sinh viên mong muốn làm công việc này?

Bản thân mình chưa phải một gia sư quá tốt nên thay vì đưa ra lời khuyên, mình muốn chia sẻ một câu nói mà mình tâm đắc: “Không nên dạy cho trẻ em những gì chúng phải suy nghĩ, mà dạy cho chúng cách suy nghĩ”. Khi các bạn là gia sư và hướng dẫn học sinh thì đừng hướng dẫn các em phải làm theo cách này, cách nọ, hãy để các em tự lựa chọn hướng đi của mình. Áp dụng vào môn toán, cách giải này đối có thể là tối ưu đối với mình nhưng chưa chắc đã thực sự phù hợp với học sinh nên mình thường để các em tự tìm ra hướng giải quyết, tuy mất thời gian nhưng sẽ giúp các em nhớ lâu hơn.

PV: Với những thành tích đáng nể trong cả công việc học tập và tình nguyện, rất ít người có thể làm được khi đang là sinh viên. Thư làm sao có thể dung hòa giữa việc học tập, đi dạy thêm và tham gia các hoạt động tình nguyện?

Điều đầu tiên, mình cần xây dựng được thời gian biểu tối ưu nhất, cụ thể là mình đã đăng ký các học phần vào một thời gian cố định sau đó căn cứ vào đó để quản lý thời gian.

Thứ hai là mình học cách phân chia lượng công việc trong một ngày phù hợp. Mình không bao giờ quá ép bản thân phải làm việc quá khuya hay quá liên tục. Nếu chọn tham gia các công việc tình nguyện, khoảng thời gian đấy mình sẽ hạn chế nhận học sinh để không phải chịu áp lực thời gian.

Cuối cùng, mình luôn xây dựng một giáo án cụ thể với từng đối tượng học sinh. Mình sẽ phân tích điểm mạnh điểm yếu của học sinh, nắm rõ thời gian thi cử trên lớp từ đó biết cách hướng dẫn em ấy phù hợp, không làm ảnh hưởng tới thời gian của cả hai.

PV: Theo Thư những điều cần và có để rèn cho bản thân trở thành một người giáo viên giỏi, mẫu mực là gì? 

Mình vẫn đang cố gắng học hỏi và trau dồi trên con đường trở thành một nhà giáo tốt nên mình không thực sự chắc chắn về điều này. Nhưng với mình thì trước khi trở thành một nhà giáo có tầm thì trước tiên mình cần phải là một người nhà giáo có tâm trước đã. Một giáo viên có tài, dạy dỗ ra các em học sinh thành công nhưng chỉ tham lợi lộc, tham hư vinh thì mình cực kì không tôn trọng. Nhưng nói vậy không có nghĩa chỉ cần cái tâm là đủ, một người giáo viên giỏi phải luôn tự trau dồi bản thân, cố gắng xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc. Ngoài ra còn phải luôn cập nhật, tiếp thu những tri thức, những xu hướng mới mẻ để không chỉ không bị lạc hậu mà còn thêm gần gũi, thấu hiểu học sinh của mình.

Hành trình đồng hành cùng dự án “Học cùng Chiến binh nhí”

Dự án Học cùng “Chiến binh nhí” được tổ chức bởi Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hà Nội, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, Trang tin Giới trẻ Tiin.vn (Công ty Truyền thông Viettel) và Tổ chức giáo dục Blacasa Việt Nam. Dự án bắt đầu từ 5/9/2021 và dự kiến hoàn thành 1300 lớp trước ngày 5/12/2021 với mục đích hỗ trợ học tập cho con em các y bác sĩ, nhân viên y tế ở Hà Nội đang tham gia chống dịch ở tuyến đầu - những người phải xa gia đình để đi tới vùng dịch, không thể quan tâm việc học của con cái. 

Theo thông tin Tiin.vn cung cấp, có 1070 sinh viên đến từ 60 trường ĐH - CĐ trên cả nước và 30 thầy cô giáo, chuyên viên đến từ các đơn vị giáo dục khác tham gia làm gia sư của dự án. 

PV: Trên con đường chạm đến ước mơ, Thư đã dừng chân, chung một nhà với dự án Học cùng chiến binh nhí, từ đâu Thư quyết định tham gia dự án?

Mình tham gia dự án cũng vì khá nhiều lý do nhưng có 2 lý do chính khiến mình quyết định tham gia. Đầu tiên là vì bố mình cũng là một bác sĩ, chính vì thế mà mình cũng hiểu được phần nào sự thiệt thòi cũng như khó khăn của các bạn nhỏ khi phải xa bố mẹ trong thời gian dịch bệnh vừa rồi. Thời điểm bắt đầu năm học mới là lúc mà các bạn ấy cần có bố mẹ bên cạnh nhất nhưng vì phục vụ những điều cao cả mà họ đã không thể làm vây. Lý do thứ hai có lẽ là vì mình cũng là một người rất yêu thích các hoạt động thiện nguyện, mình luôn có tâm niệm muốn cho đi thật nhiều yêu thương để những người kém may mắn hơn có thể cảm nhận được tình người, giúp họ có niềm tin vào cuộc sống.

PV: Mặc dù chỉ là một dự án tình nguyện nhưng cũng đòi hỏi yêu cầu về chuyên môn rất cao. Thư đã chuẩn bị những gì để vượt qua vòng phỏng vấn và có cơ hội dạy học cùng “chiến binh nhỏ”?

Từ lúc đăng ký tham gia, mình đã nhận ra tầm quan trọng của dự án. Mình dạy gia sư không chỉ vì các em mà còn vì các bậc phụ huynh đang chiến đấu ngoài tuyến đầu. Vậy nên điều mình chuẩn bị đầu tiên chính là tình yêu thương của một nhà giáo. Các em nhỏ đã xa cha mẹ rất lâu vì đại dịch nên mình mong muốn sự quan tâm của bản thân sẽ bù đắp cho các em nhỏ về sự thiếu thốn tình thương của cha mẹ trong những ngày vắng nhà. Thứ hai là kiến thức, mình đủ tự tin bản thân có một nền tảng vững vàng để giúp “những chiến binh nhí” chiến thắng trong hành trình tri thức. Cuối cùng khi mình tham gia phỏng vấn mình nhấn mạnh vào trách nhiệm của nhà giáo, mình không muốn chỉ vì đây là công việc tình nguyện mà lơ là, hời hợt trong việc giảng dạy. Mục tiêu của mình là dạy các em thật tốt, thậm chí còn phải tốt hơn cả khi đi dạy thêm. Với mình, sự cống hiến của các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch chính là những đồng lương quý giá nhất.

PV: Được biết thư là một thành viên rất tích cực trong dự án, là một trong 3 gia sư phụ trách nhiều học sinh nhất. Việc tận tụy với dự án như vậy, Thư có gặp khó khăn gì trong suốt quá trình tham gia không? 

Trong quá trình tham gia dự án giai đoạn mình cảm thấy khó khăn nhất là lúc mình mới bắt đầu nhận các lớp. Vì các bạn đều có lực học môn toán chưa tốt cũng như không quen thuộc giữa cô và trò nên mình lo rằng bản thân sẽ không thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ. Ngoài ra, nỗi sợ đối với môn toán của các em cũng khiến quá trình giảng dạy của mình gặp chút khó khăn ban đầu. 

Việc cân bằng thời gian giữa học tập, làm việc và tham gia tình nguyện cũng khiến mình khá đau đầu trong khoảng thời gian đầu khi mới nhận lớp. Nhưng nhờ những kinh nghiệm sắp xếp thời gian biểu trước đó, mình nhanh chóng cân bằng được thời khóa biểu của bản thân để hoàn thành được các công việc một cách hiệu quả nhất.

unnamed-1.jpg
Anh Thư cùng tấm huy chương và bằng khen của dự án “Học cùng chiến binh nhí”

 

PV: Nhiều người cho rằng: “Dạy gia sư thì chỉ nên tập trung một cô một trò, một gia sư phụ trách tận ba, bốn học sinh thì vừa tốn thời gian vừa không hiệu quả”. Thư có suy nghĩ như thế nào về quan điểm này? 

Tất nhiên mình không đồng tình với quan điểm này. Mình biết khả năng của bản thân tới đâu nên khi quyết định nhận em học sinh thứ hai, thứ ba, mình rất tự tin có thể đồng thời hướng dẫn các em hiệu quả. Như mình đã trả lời phỏng vấn phía trên, biết cách sắp xếp thời gian biểu là vô cùng quan trọng và thành tích học tập được cải thiện rõ rệt của các em học sinh là minh chứng cho điều này. Đặc biệt, em học sinh lớp 8 mình nhận có lực học yếu hơn hẳn hai bạn còn lại, điểm kiểm tra thường ở mức trung bình thậm chí dưới trung bình. Chỉ sau tám buổi học, em ấy đã có những tiến bộ vượt bậc và đạt 7 điểm trong bài kiểm tra.

PV: Gia sư là người cho đi những “bài học”, vậy bản thân Thư đã nhận được “bài học” gì từ công việc này? 

Trong quá trình giảng dạy các em học sinh mình đã học được rất nhiều thứ, thế nhưng “trao yêu thương để nhận lại yêu thương” lại chính là bài học mình trân trọng nhất. Mình cho đi sự quan tâm, dạy dỗ và nhận lại được tình cảm của các “chiến binh nhí’ cũng như sự tôn trọng của cô chú phụ huynh dành cho mình. Không gì hạnh phúc hơn khi thấy các em học sinh giải được các bài toán khó, nhận được những bài kiểm tra điểm cao hay được lắng nghe những chia sẻ thật lòng của các bậc phụ huynh. Không phải giải thưởng hay những món quà đắt đỏ, sự hài lòng của những vị bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch chính là điều tự hào nhất trên con đường trở thành nhà giáo của mình.

PV: Ngày 20/11, Thư trở thành gia sư đại diện của dự án và được tri ân trong chương trình “Rubik cuộc sống” trên kênh truyền hình quốc phòng Việt Nam (QPVN). Khi nhận lời tham gia chương trình, Thư có cảm xúc như thế nào?

Đầu tiên, mình rất vui và vinh dự khi nhận được lời mời đặc biệt của đài truyền hình. Khi ban tổ chức liên lạc với mình, mình thực sự rất bất ngờ và tự hào vì được chọn là gương mặt đại diện trong hơn 1000 bạn gia sư tham gia dự án. Mình nhận lời đến với chương trình không chỉ để chia sẻ câu chuyện của bản thân mà còn hy vọng có thể mang tới những thông điệp ý nghĩa để lan tỏa dự án rộng hơn với cộng đồng. Mình tin rằng dự án có thể phát triển với quy mô rộng hơn, sẽ thu hút được thêm nhiều các bạn sinh viên, thanh niên năng nổ, nhiệt huyết cùng các mạnh thường quân với tấm lòng hảo tâm tới đóng góp cho dự án ý nghĩa này. 

unnamed.png
Anh Thư trong chương trình Rubik cuộc sống của kênh QPVN.

 

PV: Dự án Học cùng ‘Chiến binh nhí’ ra đời để hỗ trợ học tập cho các em nhỏ của đội ngũ y bác sĩ đang trên tuyến đầu chống dịch. Sau nhiều tháng đồng hành cùng dự án, Thư cảm thấy dự án đã đạt được sứ mệnh và mục tiêu ban đầu đặt ra chưa? 

Mình xin khẳng định, dự án đã đạt được sứ mệnh và mục tiêu đặt ra ban đầu. Tính đến nay đã có hơn 500 lớp đã hoàn thành khoá học 16 buổi với chất lượng tốt và được đánh giá cao của các bậc phụ huynh. Dự án đã không chỉ giúp đỡ các em học sinh cải thiện được phần nào thành tích học tập khó khăn trong thời điểm học trực tuyến mà còn giúp các cha mẹ các em - bác sĩ tuyến đầu chống dịch được yên tâm phần nào, có thể dốc hết sức vào công cuộc chống dịch của đất nước. Mình vô cùng tự hào về bản thân cũng như về dự án “Học cùng chiến binh nhí”.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN