Giao lưu trực tuyến: “Ảnh báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại”
(Sóng Trẻ) – Những chia sẻ về ảnh báo chí trong môi trường báo chí hiện đại, những tâm sự về niềm đam mê ảnh và những câu chuyện nghề chưa kể.....tất cả được chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến với nhiếp ảnh gia James Duong (Dương Quốc Bình)
Trong môi trường báo chí, truyền thông hiện đại, ảnh báo chí không chỉ là những bức ảnh đơn thuần, nó cần có những yêu cầu riêng và những sự đổi mới nhất định nhằm phù hợp với môi trường truyền thông số.
Tất cả những thắc mắc về đặc thù của ảnh báo chí, những yêu cầu đặt ra với ảnh báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại, những câu chuyện trong quá trình làm nghề sẽ được khách mời – Nhiếp ảnh gia James Duong giải đáp trong chương trình giao lưu trực tuyến ngày hôm nay với chủ đề “Ảnh báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại”.
Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham dự của đông đảo các bạn sinh viên lớp Báo đa phương tiện K34 và các sinh viên khác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
13h30, buổi giao lưu trực tuyến chính thức bắt đầu.
Đại diện BBT tặng hoa cho khách mời
Nội dung buổi giao lưu trực tuyến:
Bắt đầu buổi giao lưu, để giúp khán giả hình dung rõ hơn về nhân vật, về công việc của mình, khách mời đã có những chia sẻ về những bức ảnh do chính mình chụp. Những bức ảnh được khách mời giới thiệu chi tiết và nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ phía khán giả.
Nhiếp ảnh gia James Duong đã chia sẻ một số bức ảnh tâm đắc, bắt trọn những khoảnh khắc thường ngày của cuộc sống.
Câu hỏi đầu tiên đến từ bạn Hương Giang – Học viện Báo chí Tuyên truyền: Là một người học chuyên ngành vốn không liên quan gì tới báo chí hay nhiếp ảnh, duyên cớ gì thầy lại quyết định chuyển sang làm báo ảnh?
Sau khi tốt nghiệp Tài chính tôi đi làm ở ngân hàng nhưng trước đó đã từng chụp ảnh. Tôi chụp ảnh lần đầu tiên với máy ảnh năm lớp 10. Khi đến Mỹ tôi mua máy chụp nhưng lúc đó không có khái niệm nghề nghiệp, chỉ chụp ảnh chơi thôi. Trong lần tôi đến nhà người bạn, anh ấy mang theo một bức ảnh về bó hoa, tôi thấy nó đẹp đến kỳ lạ. Đến bây giờ tôi vẫn thấy nhiếp ảnh lúc đó khá thú vị. Nhiếp ảnh không cần biết bạn quan tâm đến vấn đề gì, nhưng đứng trước cái đẹp, đứng trước cái hay thì con người ta phải thảng thốt.
Khi tôi học đại học thì tôi chuyển sang học nhiếp ảnh. Rất may là hệ thống giáo dục ở đây rất tạo điều kiện cho những người chuyển ngành, nhất là những người theo ngành truyền thông này.
Thời gian chính xác thầy theo đuổi nhiếp ảnh?
Tôi bắt đầu đam mê nhiếp ảnh từ năm 2006.
Năm 2014 được xem là năm vô cùng thành công của thầy với nhiều giải thưởng cao. Động lực khiến thầy gửi ảnh đi tham dự các cuộc thi quốc tế là gì? Khi đạt giải cao thầy cảm thấy như thế nào? (Bạn Đức Anh - Hà Nội)
Tôi vốn không có hứng thú với cuộc thi nào cả. Còn các giải thưởng có được là do năm 2014 tôi có một người bạn đồng nghiệp đi trước động viên gửi ảnh dự thi. Năm ấy tôi gửi 2 ảnh thi dự thi và rất vui là cả hai ảnh đều đoạy giải.
Bức ảnh “Em bé chăn trâu bên vách núi Hà Giang” tôi chỉ coi đó như gửi ảnh Facebook thôi chứ không nghĩ nó đoạt giải. Bởi vì nó cũng không phải là xuất sắc gì về khoảnh khắc,bố cực hay hình khối, nó không có cái gì thực sự làm cho mình phải ngỡ ngàng lên, thậm chí có nhiều khoảnh khắc mình thích hơn bức ảnh này.
Bức ảnh Em bé chăn trâu bên vách núi Hà Giang phù hợp với thời điểm cuộc thi và đề tài trẻ em nên đoạt giải.
Hình ảnh trẻ em xuất hiện trên báo chí ngày càng nhiều. Nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này của các em . Theo thầy thì thầy nghĩ sao về cái tâm của người làm báo khi đưa hình ảnh các em lên mặt báo. (Bạn Thùy Dương - [email protected])
Tùy thuộc vào nội dung và sự kiện bức ảnh.Nếu các em nhỏ là nạn nhân của một tội ác nào đó thì chúng ta cần cân nhắc một số điểm như sau. Thứ nhất phải đặt mình vào vị trí người ta, nếu mình là họ mình có muốn lên báo không? Thứ hai cân nhắc được mất. Hình ảnh trẻ em đăng tải trên báo phải cân nhắc đăng lên hoặc là bị hủy hoại tương lai nhưng cũng có thể tạo ra sự ảnh hưởng lớn để mình không còn là nạn nhân tiếp theo nữa.
Nhiếp ảnh gia James Duong chia sẻ về cách làm báo ảnh trong môi trường truyền thông hiện đại
Có người nói: Ảnh báo chí “hay không bằng hên". Thầy nghĩ sao nếu có người nó rằng, những bức ảnh của mình là do may mắn có được? ([email protected])
Tôi nhìn nhận cái “hay” và cái “hên” nằm ở khoảnh khắc, chủ yếu có bắt được khoảnh khắc hay không. Rất nhiều người chụp ảnh thì tại sao họ bắt được khoảnh khắc mà người khác không bắt được.
Với tôi, cái khoảnh khắc để mà bắt được nó cần sự may mắn. May mắn phụ thuộc vào yếu tố thời điểm, nhưng đó chỉ là điều kiện đủ, điều kiện cần là vẫn phải lao động. May mắn chỉ đến với những người chăm chỉ.
Phóng sự gần đây nhất của thầy trên báo Lao Động là phóng sự “Ghé thăm nghề bác sĩ phẫu thuật” của các bác sĩ tại bệnh viện Saint Paul. Thông thường những ca mổ như thế này đòi hỏi sự tập trung cao độ từ các bác sĩ, việc thì việc thầy tham gia chụp ảnh có ảnh hưởng tới ca phẫu thuật không?
Bộ ảnh "Bác sĩ phẫu thuật" của James Duong
Bộ ảnh này là một trải nghiệm rất khó quên của tôi. Đó là lần đầu tiên được nhìn trực tiếp vào sọ người nhưng cũng không có gì nguy hiểm cả.
Sự tập trung của các bác sĩ cực kỳ cao độ. Sự hiện diện của tôi các bác sĩ biết nhưng họ không để làm ảnh hưởng tới công việc của họ. Về phía tôi tôi có sự thăng hoa cảm xúc. Tôi cảm thấy các bác sĩ ở đó giống như các thiên thần đang nhảy múa giữa xung quanh là máy móc, chỉ có một chút ánh sáng đèn chiếu vào mà thôi. Lúc đó, tôi thực sự thấy thăng hoa.
Xin thầy chia sẻ thêm về quá trình thực hiện phóng sự này?
Qúa trình thực hiện tôi chỉ mất thời gian ở công đoạn liên hệ. Tôi có quen với bác sĩ Dương Trung Kiên là bác sĩ trực tiếp thực hiện ca ghép sọ này và việc này phụ thuộc vào e kip. Khi mình vào bên trong, mặc đồ khử trùng như mọi người thì quá trình thực hiện rất dễ dàng.
Hiện nay rất nhiều bạn sinh viên đang gặp khó khăn trong việc chú thích ảnh. Vậy thầy có bí quyết nào để chú thích được đúng và trúng không? ([email protected])
Chú thích ảnh rất là khó vì mình đưa một bức ảnh lên kèm với chú thích thì chúng ta đang thực hiện 2 loại truyền thông: hình ảnh và văn tự.
Cái khó của nó là mình phải có đủ thông tin để cung cấp qua bức ảnh đó vì không thể đưa chú thích trùng với nội dung mà bức ảnh đang diễn tả. Vì vậy, bí quyết ở đây là thu thập được càng nhiều thông tin càng tốt. Chú thích ảnh là đưa ra những thông tin mà bức ảnh chưa thể hiện được như nhiếp ảnh hay có câu “hình nói nhưng tiếng không nói”.
Nhiều phóng sự ảnh của thầy rất chất lượng, tuy nhiên thầy rất ít gửi tham dự các cuộc thi. Phải chăng thầy thích giữ chúng cho riêng mình? (Bạn Ngân Đan, Bắc Ninh)
Trên thế giới có vài cuộc thi thôi. Nếu mình đi thi thì nên tập trung vào cuộc thi đó vì bây giờ thi thì nhiều lắm, có hẳn những website chỉ phục vụ cho việc cung cấp thông tin các cuộc thi thôi. Tôi cũng không có nhiều thời gian để sa vào những cuộc thi ấy, vì công việc rất nhiêu, chạy theo các cuộc thi mất khá nhiều thời gian. Nếu có sản phẩm tốt thì mình sẽ gửi tham gia. Ví dụ như năm nay tôi đã gửi bức ảnh “ Nhảy lửa” tới khá nhiều cuộc thi.
Cá nhân em thấy chụp ảnh báo chí khó hơn chụp ảnh bình thường rất nhiều, nhất là khi gặp những đối tượng đặc biệt như người nghèo, người khuyết tật... họ không muốn vào ảnh, càng không muốn lên báo. Những lúc như vậy phải xử lí thế nào ạ?
Khách mời chia sẻ cách tiếp cận nhân vật
Đã bao giờ thầy bị ai đó chê tác phẩm của mình chưa? Lúc đấy thầy phản ứng như thế nào? (Bạn Trường Kiên, Hà Nội)
Tôi thường xuyên bị chê tác phẩm. Điều ấy cực kỳ quan trọng, nó sẽ giúp mình tiến bộ. Khi bắt đầu ai cũng rất cần lời khen, lời chỉ dẫn cái đúng cái hay. Khi thạo nghề rồi làm tương đối đúng rồi thì họ cần những người chỉ ra những thứ họ chưa làm được để hoàn thiện.
Thầy cảm nhận thế nào về sự phát triển nhiếp ảnh của bản thân từ lúc bắt đầu tới nay ? Điều gì là khó khăn nhất mà thầy phải vượt qua trong sự nghiệp của mình? (Bạn Phạm Hương, Hà Nam)
Tôi luôn có cảm giác tôi bắt đầu sự nghiệp ngày hôm qua vì so với các đồng nghiệp thì tôi là người đi sau. Bản thân có hơn chục năm cầm máy rồi thì cái sự nhận thức nhiếp ảnh của bản thân đi từ kỹ thuật tới mỹ thuật tới nôi dung và cuối cùng là yếu tố tác động. Đó là một quá trình dài rèn luyện.
Khi đi làm các phóng sự ảnh thầy có bao giờ bị từ chối và khi bị từ chối thầy đã làm cách nào để họ giúp đỡ? ([email protected])
Bị từ chối là điều khá đương nhiên. Phóng sự ảnh báo chí thành công hay thất bại 70% nằm ở giai đoạn tiền lỳ: tư duy đề tài, tìm kiếm nhân vật, tiếp cận nhân vật. Cách tiếp cận cũng tùy đối tượng, thời điểm và nhạy cảm từng người.
Ý tưởng khi đi thực hiện một bộ ảnh bắt nguồn từ sở thích của thầy hay do thầy chịu sự chi phối từ các cơ quan báo chí nơi thầy làm việc? (Bạn Phạm Dịu, Hải Dương)
Nhiếp ảnh là tình yêu mà tình yêu thì không thể kiểm soát. Đôi khi cấp trên giao phó nhưng mình cũng phải hài hòa để thực hiện nhiệm vụ cho tốt nhất.
Có ý kiến như sau: “Thực tế ảnh báo chí Việt Nam hiện nay chắc phải có 98% là có sự sắp đặt, tác động đến chủ thể và không phản ánh đúng bản chất vốn có của nó”. Liệu dàn dựng và sắp đặt có đánh mất cái thật. Quan điểm của thầy như thế nào? (Bạn Văn Cương, Thái Nguyên)
Quan điểm của mỗi người là khác nhau, quan điểm của tôi kể cả không làm báo chí đi chăng nữa, tôi vẫn thích tóm được những khoảnh khắc tự nhiên, bởi nó khó. Vì nó khó nên khi chụp được những khoảnh khắc ấy mới sướng. Còn đối với sự sắp đặt, đối với ảnh báo chí là không chấp nhận được bởi vì khi mình sắp đặt thì sản phẩm báo chí ấy là đưa thông tin giả, là bán hàng fake, hàng đểu cho khách hàng. Tôi không bao giờ sắp đặt, bởi bản thân vấn đề đã hay rồi không cần sắp đặt. Ví dụ, mình chụp ảnh thương mại quảng cáo, ảnh cưới, dàn dựng có thể dàn dựng. Một khi đã làm phóng sự tuyệt đối không sắp đặt, khoảng khắc tự nhiên là đẹp nhất.
Hiện tại, số lượng phái yếu làm báo rất nhiều, mọi người thường cho rằng nữ giới làm báo khó khăn...thầy suy nghĩ thế nào về vấn đề này? Thầy có chia sẻ hay gợi ý gì cho nữ giới khi làm báo cũng như chụp được những bức ảnh đẹp? ( Bạn Mai Ly, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Bạn nói rất đúng. Cái đặc biệt của báo ảnh là thu thập thông tin trực tiếp, tức là muốn ghi hình, muốn có thông tin mình phải có mặt tại hiện trường, không phải gọi điện thoại được. Đôi khi báo viết một số cái có thể gộ để hỏi được thông tin. Khi làm báo ảnh mình phải có mặt hiện trường để chụp, để hỏi thông tin.
Theo cái nghề này, người ta tổng kết có ba yếu tố: yếu tố đầu tiên là phải có sức khỏe, không sức khỏe không làm được. Sức khỏe ở đây là sự dẻo dai, bền bỉ của con người. Yếu tố thứ hai, đó là sự đam mê. Không có đam mê, bạn không thể theo đuổi đến cùng vấn đề. Điều gì thôi thúc bạn cầm máy, đó không phải chỉ có sở thích bởi đam mê là sự kết hợp giữa sở thích và sự hi sinh, mà còn cao hơn nữa là sự đánh đổi nhiều thứ. Yếu tố thứ ba, chính là bản lĩnh. Một bức ảnh nó có sức mạnh giống như là một minh chứng. Khi mà bức ảnh ấy đưa ra, mình phải có trách nhiệm với nó. Mình phải chấp nhận điều đó, đương đầu với điều đó. Ba yếu tố: sức khỏe, đam mê, bản lĩnh để có thể đi với nghề.
Các bạn sinh viên lớp Đa phương tiện k34 chăm chú lắng nghe chia sẻ của khách mời.
Trong thời đại công nghệ số như hiện nay thì một công dân bình thường cũng có thể chụp được bức ảnh báo chí thậm chí còn nhanh, thông tin còn hay hơn phóng viên ảnh. Vậy điều này đặt ra vấn đề gì cho một phóng viên ảnh? ( Bạn Đào Hiền, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Câu hỏi của bạn rất hay. Câu hỏi của bạn nói về bản chất của báo chí, công cụ truyền tải thông tin. Bây giờ, mọi người hầu hết đều có phương tiện truyền tải thông tin trên facebook, instagram,…Các bạn nên nhớ là, chưa cần nói đến chụp như thế nào, chụp cái gì, chụp xong có lấy hay không. Đối với các tòa soạn, các cơ quan báo chí thì nguồn ảnh từ nhân dân rất quan trọng. Bây giờ không ít cơ quan báo đi rình trên facebook lấy hình ảnh từ đấy. Đối với cá nhân của người cầm máy thì thế nào? Bà con có thể cầm máy quay, cầm máy chụp nhưng bà con không thể bắt được những khoảnh khắc hay được, kỹ thuật cũng không thể tốt hơn dân chuyên nghiệp. Thứ hai, các cơ quan báo chí có thêm chức năng nữa là kiểm chứng, xác nhận thông tin, tạo nên sự khác biệt rất lớn giữa báo chí chuyên nghiệp với người bình thường.
Ảnh báo chí – ảnh nghệ thuật: hai phạm trù khác nhau nhưng rất dễ nhầm lẫn, nhất là trong môi trường ảnh nghệ thuật phát triển như hiện nay. Là người hoạt động trong lĩnh vực này, thầy có thể phân tích điểm khác biệt của hai loại hình này được không ạ? ([email protected])
Khách mời phân biệt ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật
Sự phát triển của công nghệ hiện đại, các công cụ chỉnh sửa ảnh như photoshop có ảnh hưởng đến tính trung thực của một bức ảnh báo chí không? (Bạn Như Ý, Hà Nội )
Các bạn thấy trên thế giới không hiếm phóng viên ảnh bị đuổi việc vì dàn dựng, vì photoshop. Theo quan điểm của tôi, thật ra photoshop là tên phần mềm, là công cụ nằm trong chuỗi quá trình sản xuất hình ảnh. Nếu nó không là cái gì, tại sao mọi người lại dùng nó. Vấn đề ở đây là sử dụng như thế nào cho hợp lý. Riêng việc chụp xong về chỉnh size, giảm kích cỡ hình ảnh cũng là photoshop. Chúng ta phải làm rõ cái gì được làm, cái gì không được làm. Đối với ảnh báo chí, những thứ được làm như chuyển ảnh sang màu đen trắng, nhiều cơ quan báo chí in đen trắng không sử dụng màu. Hay sử dụng công cụ “cut” để giảm kích cỡ hình ảnh. Nhưng tuyệt đối không được sử dụng photoshop trong ảnh báo chí. Đó là, cắt ghép các chi tiết không có trong bức ảnh mà mình ghép vào cho có hoặc ngược lại.
Khách mời chia sẻ về ảnh hưởng của công cụ chỉnh ảnh với ảnh báo chí
Thưa thầy, làm thế nào để thể hiện cảm xúc của người chụp trong một bức ảnh báo chí ạ? (Bạn Nhỏ Doãn)
Khi mình làm việc, mình muốn sản phẩm đó có sự tác động. Muốn có sự tác động thì sản phẩm đó phải đảm bảo hai yếu tố: thông tin và cảm xúc. Yếu tố cảm xúc rất vô hình và mỗi người có cảm nhận khác nhau tùy vào trải nghiệm cá nhân. Cách tốt nhất để thể hiện cảm xúc trong tác phẩm là tác giả phải có cảm xúc về tác phẩm của mình.
Hiện nay, báo chí phát triển theo hình thức báo chí Đa phương tiện rất mạnh, ảnh báo chí hiện cũng có sự kết hợp yếu tố Đa phương tiện (slide show, audio show, Interactive Feature. Với tư cách là giảng viên dạy môn ảnh báo chí, thầy có phổ cập xu thế này không? Hay thầy nghĩ điều này không cần thiết? ([email protected])
Ảnh báo chí hiện nay hướng dẫn công cụ hỗ trợ như slide show, audio show, Interactive Feature nó rất cần thiết. Nhưng với tư cách cá nhân thì tôi nghĩ những yếu tố đó chỉ là yếu tố kĩ thuật, cái cốt lõi là nội dung bức ảnh như thế nào và nội dung bức ảnh càng chân thật càng tốt.
14h45, buổi giao lưu trực tuyến với nhiếp ảnh gia James Duong kết thúc.
Mặc dù vẫn còn khá nhiều độc giả quan tâm gửi câu hỏi đến hòm thư điện tử nhưng do thời gian của buổi giao lưu có hạn nên BBT sẽ tiếp tục cập nhật các câu hỏi chưa được giải đáp trực tiếp đến khách mời và cập nhật những giải đáp trên trang tin điện tử Songtre.
Xin chân thành cảm ơn đến khách mời James Duong đã dành thời gian đến giao lưu và chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm đằng sau ống kính.
Cảm ơn Ths Đinh Hồng Anh trong thời gian qua đã luôn quan tâm đồng hành, tư vấn cho BBT thực hiện buổi giao lưu trực tuyến này.
Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi, quan tâm và ủng hộ chương trình.
BBT Sóng Trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận