Giao lưu trực tuyến cùng Trang Hạ- "Chân dung người phụ nữ hiện đại"

(Sóng trẻ) - 14h, ngày 7/10, các độc giả của Sóng Trẻ đã có một buổi giao lưu hết sức thân mật với nhà văn- dịch giả Trang Hạ. Nhiều câu chuyện đời thường, chuyện nghề và cả tâm sự gia đình đã được khách mời chia sẻ hết sức cởi mở. Đây là sự kiện nhằm kỉ niệm ngày 20-10 sắp tới, hướng đến hình tượng người phụ nữ của thời đại.

6aa47d8c7_15221731860_0875ee3369_o.png

Không hề thất hẹn với các độc giả, Sóng trẻ đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến hết sức thành công với chủ đề: “Trang Hạ- Chân dung người phụ nữ hiện đại” nhằm hướng đến kỉ niệm ngày 20-10 vào lúc 14h, ngày 7/10 tại tòa nhà B7, Học viện Báo chí & Tuyên truyền.

Buổi giao lưu trực tuyến đã nhận được nhiều sự quan tâm của các độc giả, đặc biệt là có sự tham gia của TS. Trường Giang- Phó trưởng khoa PT-TH, Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Ngay trong thời gian diễn ra sự kiện, quý độc giả có mặt ngay tại hội trường đã có rất nhiều câu hỏi và được khách mời giải đáp tận tình. 

Nhiều câu chuyện nghề, chuyện đời và cả những tâm sự riêng tư cũng đã được nhà văn Trang Hạ chia sẻ. Buổi giao lưu trực tuyến đã diễn ra rất sôi nổi, ban tổ chức tin rằng buổi giao lưu trực tuyến đã đem lại được cho quý độc giả những thông tin bổ ích, khiến khoảng cách giữa quý độc giả với nhà văn Trang Hạ được rút ngắn hơn, hiểu nhau hơn.

Nội dung của buổi giao lưu:

b640499e5_10727128_974717682544255_2059723376_o.jpg
T.s Trường Giang tặng hoa cho khách mời trước buổi giao lưu

- Chị có quan niệm như thế nào về "người phụ nữ hiện đại"? (Đức Anh- BMĐT K31)

Bắt nguồn từ những gì mình viết thì mọi người đều nghĩ là mình viết văn, nhưng mình nghĩ là mình đang viết báo. Với 580 tản văn của mình, mình cho rằng đó là 580 đề tài báo chí hấp dẫn. 

Đó là tất cả quan điểm Trang Hạ về người phụ nữ Việt Nam. Người phụ nữ cô độc ở bất kì lứa tuổi nào. Ví dụ, khi học đại học bạn không được lắng nghe từ phía gia đình, khi tốt nghiệp rồi lập gia đình bạn phải gánh vác kinh tế, chăm sóc chồng con và hai bên gia đình. Rồi đến khi về già, bạn cô đơn vì thiếu người tri kỉ. 

Bi kịch của người phụ nữ Việt Nam đó là mặc dù suy nghĩ tân tiến nhưng lại có những hành vi rất bảo thủ. Ví dụ: Bạn có thể chấp nhận người yêu của bạn đã từng sống thử nhưng lại khóc lóc nếu bị người yêu chỉ trích vì đã mất trinh… Theo mình, người Phụ nữ hiện đại không phải họ thua kém mà họ đang cố gắng bước qua những lởm chởm của xã hội.

- Quan niệm của ngày xưa cho rằng: Phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước. Nhưng tại sao chị lại nhận định: “Càng nhiều phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà thì đất nước càng trì trệ” ?([email protected])

Thực ra nếu như theo dõi truyền thông trong thế kỷ XX của Mỹ, trong chiến tranh Thế giới thứ nhất, họ kêu gọi phụ nữ Mỹ phải đảm đang, làm được tất cả mọi thứ, thế nhưng sau đó đến thập kỷ 60, đời sống của Mỹ lên cao, họ kêu gọi phụ nữ Mỹ hãy thương lấy bản thân để đàn ông kiếm tiền, nâng cao tiêu dùng xã hội. Quay trở lại người phụ nữ của Việt Nam, đảm đang là sản phẩm của 50 năm chiến tranh từ chiến tranh chống Pháp, Mỹ nhưng khổ nỗi chiến tranh đã lùi qua 40 năm nay rồi. Vì thế theo quan điểm của tôi thì quan điểm đó không phù hợp, nó kéo lùi sự tiến bộ của xã hội, là một trong những thứ tồi tệ nhất của người phụ nữ tưởng tượng ra.

- Theo chị, thế nào là “gái nan”. Có nên quan niệm về “gái nan”, “gái hư” như người ta vẫn dùng làm thước đo để đánh giá người phụ nữ trong xã hội hiện đại? (Đỗ Dung- Bmđt 31)

Trong xã hội ai cũng có lúc thế này, thế kia. Khái niệm đó chỉ là cách dán lên trên trán cô ấy nhãn “gái nan” hay “gái hư” một cách hài hước. Trong tác phẩm “Đàn ông không đọc Trang Hạ” thì đàn ông quan niệm: Yêu gái hư, cưới gái nan. Bạn có thể nan với người này nhưng nổi loạn với người khác nên sẽ không có chuẩn mực nào là hư hay nan. Bởi dù sao bạn cũng cần tươm tất trước mắt người khác và đừng tự dán nhãn cho mình. Khi bạn yên tâm về bản thân mình.

- Em thấy chị là một người phụ nữ cá tính, mạnh mẽ và cứng rắn. Vậy trong cuộc sống gia đình với cá tính đó của mình có ảnh hưởng gì đến mối quan hệ trong gia đình không ạ? Chị đã dung hòa mối quan hệ đó như thế nào?(Vũ Tuấn Anh, Bắc Giang)

Mình luôn nhớ mẹ chồng mình có 1 câu nói mình tâm đắc “ai muốn làm số 1 thì cho họ làm số 1, còn mình chỉ cần làm số 2 mà thôi”. Đó là câu nói tâm đắc nhất mình học được từ mẹ chồng mình. Xã hội tiếp xúc với tôi trong công việc còn trong gia đình ông xã, con tôi tiếp xúc với tôi trong vai trò một người vợ, một người mẹ. Tiếp xúc xã hội là công việc, tôi đề cao hiệu quả, còn tiếp xúc gia đình tôi là một người vợ, người mẹ, tôi cần đến sự yêu thương.

4d8582678_anh_2.jpg
Nhà văn Trang Hạ chia sẻ và trả lời các câu hỏi rất chân thành

- Chị rất ít khi trải lòng về gia đình mình trên các phương tiện truyền thông, có phải chị sợ những chia sẻ của chị sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của mình không? (Đinh Thị Phương, Sinh viên Đại học Vinh)

Mình nghĩ bạn đã từng là độc giả của Trang Hạ trong vòng 5 năm hoặc 10 năm trước. Bởi hiện tại tất cả những gì mình viết đều lôi gia đình và bản thân ra làm bối cảnh. 

Từ khi mình làm công ty truyền thông thì tất cả yêu thương, trắc trở là chất dẫn trong những tác phẩm của mình. Có độc giả đã từng thốt lên: “Trời ơi, viết như thế này không sợ ông xã đọc được à?”. Hiện nay, ông xã mình đang là giám đốc của công ty gia đình, mình là trợ lí. Nhưng khó khăn nhất của hai vợ chồng là mỗi ngày phải lo cho việc đi học của 3 đứa con với nhiều lớp học khác nhau. Điều duy nhất mình dấu là chân dung ông xã mình đã được ghi lại trong 27 chương trong tác phẩm “Làng trong phố”. Đó là những câu chuyện mà ông xã mình đã từng trải qua.

- Chị là một người phụ nữ có gia đình, vừa là nhà văn, nhà báo, dịch giả, blogger… vậy chị sắp xếp thời gian như thế nào để vừa có thể chăm sóc gia đình, vừa đảm đương được những công việc đó, vừa có thể đi phượt, nhất là thói quen chỉ định ngày đi chứ không định ngày về? (Thùy Linh, Học viện báo chí và tuyên truyền)

Tôi cho rằng nếu khéo thu xếp thì mọi việc đều có thể làm được. Tôi may mắn còn có sự trợ giúp của ông xã, của những đứa con. Mùa hè này tôi có đi du lịch được rất nhiều biển Trường Sa, Hoàng Sa, đảo Lý Sơn, đi Philippin. Bảy món du lịch mạo hiểm ở Việt Nam tôi đã đi hết trong mùa hè này. Nếu không có được gia đình hỗ trợ thì sẽ rất khó. Vấn đề là bạn có dự định hay không, có muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực hay không? Vấn đề không phải là thời gian hay sức nặng gia đình, mà là do chính bạn!

- Những tác phẩm chị viết, cũng như những phát ngôn của chị về người phụ nữ hiện đại cá tính, táo bạo như vậy thì chị nhận được sự phán ứng như thế nào từ phía chồng chị ? Có lúc nào chồng chị ca thán là mình có một cô vợ “quá chua na” không? ([email protected])

Người Việt Nam có thói quen nói xấu người khác sau lưng, mình thì không nói chuyện về một người vắng mặt. Mình nghĩ khi viết các bạn phải luôn luôn nói thật, không nên tô hồng sự thật lên, thì dù là ông xã đọc, người trong làng đọc… những điều đó có thật thì mình không sợ họ đọc, vì đó là sự thật dù họ có không thích nhưng mình nói với giọng điệu hài hước nên dễ dàng chấp nhận được. Các bạn học báo thì sau này sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân, hài hước cứu vãn mình rất nhiều bàn thua.

- Theo em được biết chị đã có ba cháu, trong đó có một cháu gái đã lớn tuổi. Chị có mong muốn con gái mình lớn lên có cá tính mạnh mẽ giống như mẹ mình không? Chị dạy con gái chị và mong muốn con gái chị trở thành người phụ nữ như thế nào? (Diệu Linh, Cầu giấy, Hà Nội)

Tôi hy vọng 1 đứa làm thợ cắt tóc, 1 đứa làm thợ làm bánh và 1 đứa làm thợ may. Đó là những công việc hết sức sáng tạo, cần thiết trong xã hội. Những đứa trẻ sẽ có đất để thể hiện mình, khẳng định bản thân rất dễ dàng trong xã hội, nó phát triển một cách rất bền vững chứ không phải như ngành truyền thông mà tôi đang hoạt động, nó chỉ mang tính chất nhất thời. Tôi hy vọng những đứa trẻ nhà mình đi làm nghề, có sự sáng tạo chứ không phải là những nghề va vấp trong xã hội. Tuy là điều tôi mong nhưng thứ duy nhất tôi có thể can thiệp vào sự chọn lựa của các con tôi là ăn gì hôm nay. Còn ngay từ khi chúng sinh ra tôi đã không thể can thiệp vào giới tính của chúng và sau này là cả cá tính của chúng.

Những đứa trẻ không phải như những trang giấy trắng mình muốn viết gì thì viết. Tôi chỉ là một điểm trợ cho con, còn tất cả bọn trẻ sẽ quyết định.

e1eef43e5_anh_3.jpg
Buổi giao lưu diễn ra đầy sôi nổi

- Truyện ngắn “Đàn bà ba mươi” là cột mốc nào của chị viết về người phụ nữ? Với truyện ngắn này mục đích của chị muốn nhắn gửi điều gì tới những người phụ nữ hiện đại?Liệu sau “Đàn bà ba mươi” còn có Đàn bà với những con số lớn hơn không ạ? Ví dụ như “Đàn bà 50, 60” chẳng hạn? ([email protected])

Trong người phụ nữ truyền thống thì tuổi 30 là dấu mốc của tuổi xấu xí. Bởi: 

“Trai 30 tuổi còn xoan
Phụ nữ 30 đang đoan về già”

Xin lỗi mình không đọc tiểu thuyết, mình chỉ đọc truyện phi hư cấu và làm việc theo từ khóa. Năm 2003 đến 2006 từ khóa của Trang Hạ là: cảm động. Khi đó, có rất nhiều chương trình hài diễn ra như Gặp nhau cuối tuần,…mình nhận ra khóc và cười là hai trạng thái cơ bản của con người. Chính vì thế, mình muốn mang tiếng khóc đến công chúng thông qua một số tác phẩm như Xin lỗi em chỉ là con đĩ, Lỡ tay chạm ngực con gái,… Từ 2008-2011 tất cả những gì mình viết đều liên quan đến phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ hiện đại tự tập là điều mà  mình đưa lên tạp chí, talkshow, quảng cáo, ra sách, viết tản văn trong thời điểm đó. 

“Đàn bà 30” là một sản phẩm của chuỗi truyền thông đó. Mình muốn khẳng định phụ nữ hiện đại đừng sợ hãi tuổi 30 bởi khi đó bạn mới nhận ra vẻ đẹp mà mình có. Theo mình phong cách mà bạn có ở tuổi 30 sẽ theo bạn suốt đời. Sắp tới Trang Hạ sẽ làm truyền thông cho sức khỏe của người già, rất mong được mọi người ủng hộ.

- Chị đã dịch rất nhiều tác phẩm nổi tiếng về người phụ nữ như: “Lỡ tay chạm ngực con gái”, “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” hay “Mẹ Điên”… Chị lựa chọn tác phẩm dịch có theo một tiêu chí nào đó không hay chỉ vì sở thích? (Thanh Hải, Đại học giao thông vận tải thành phố HCM)

Mình đã nói với mọi người rồi, mình chọn từ khóa, cái từ khóa từ năm 2006 thì mình chọn từ khóa Cảm động, rơi nước mắt…; giai đoạn 2008 đến 2013 mình không dịch, còn đến bây giờ mình dịch trở lại: Các chương trình về người cao tuổi,… Mình không định trở thành một dịch giả, tất cả đều hướng tới một chí tiêu nào đó của mình. Mình đều có một ý đồ nào đó trong tác phẩm dịch, nếu nói về dịch giả ở Việt Nam thì mình là dịch giả ít nhất. Theo mình công tác tuyền thông của mình khá tốt, triển khai ý đố tốt và cuối cùng là người đọc Việt Nam luôn đói khát. Vì thế tác phẩm mình dịch mới có đất sống, mình tin cái mình làm tốt cho truyền thông.

- Người ta thường nói về "máu nghệ sĩ" để ám chỉ những tư chất có thể coi là "điên" một chút, khác người một chút của giới Văn nghệ sĩ. Đối với cuộc sống cũng như công việc của bản thân mình, chị cảm nhận thế nào về cái gọi là "máu nghệ sĩ" ấy? ([email protected]; Cao Bằng)

Tôi không phải là một người ngăn nắp, tôi có thể sẵn sàng bỏ việc để làm thơ. Cái tôi mong muốn nhất trong cuộc sống là sự tự do. Tôi rất sợ sự ngăn nắp vì tôi đã thấy có nhiều người là nô lệ của sự ngăn nắp. Có những đứa trẻ 8 tuổi đã có cá tính còn 25 tuổi tôi mới nhìn nhận thấy mình là một người cá tính. Đối với cá nhân tôi, tôi không quan trọng sự ngăn nắp, hay máu nghệ sĩ mà quan trọng là sự tự do, tự tại mà thôi. Ngăn nắp không liên quan đến máu nghệ sĩ hay sự tự do, với tôi tự do là tối thượng.

- Cơ duyên nào đưa chị đế với sự nghiệp văn học và trở thành một dịch giả? Công việc này  mang đến cho chị những niềm vui hẳn cũng đã mang đến cho chị những thử thách đúng không ạ? (Thanh Hoa, Học viện báo chí và tuyên truyền)

Ngày xưa mình học khoa nại ngữ nên không muốn xa rời chuyên môn. Cho nên trong suốt thời gian làm báo, mình có 2 năm làm phóng viên quốc tế tại Đài Loan. 

Khi mà blog xuất hiện thì mình bắt đầu dịch nhiều hơn. Năm 2006, mẹ chồng mình ốm nên mình bỏ việc để về nhà trông bà. Trong thời gian đó mình cho ra đời 2 cuốn sách ở viện E. 

- Chị có thần tượng một phụ nữ nào khác không ạ? Ví dụ như một người phụ nữ có nhiều điều để chị phải ngưỡng mộ chẳng hạn… ([email protected])

Ngày xưa hồi mình học cấp 3 mình rất thích cô Marie Curie, cô ấy có một ông chồng có chung sự nghiệp, hai người có trí tuệ, có tư duy… họ yêu nhau không chỉ nhìn vào mắt nhau mà nhìn về một hướng. Đó là nhân vật mình thân tượng trong một thời gian dài. Cho đến năm 2000 khi làm  một người mẹ, mình thấy nuôi con rất khó khăn, nên mình không thần tượng viễn vông nữa. Mình thấy yêu mẹ mình, khâm phục mẹ mình, ngày xưa mẹ mình rất khổ nhưng vẫn nuôi con trưởng thành, mẹ mình thích trồng cây, mẹ mình mất lâu rồi nhưng cây mẹ trồng vẫn còn sống. Thần tượng là một từ không nên có trong cuộc sống, nhưng từ này khiến mình không trưởng thành. Thỉnh thoảng trên trang mạng thường xuất hiện câu: Em rất ngưỡng mộ chị, những lúc ấy mình thấy rất có lỗi với xã hội.

- Chị đã từng trả lời phóng viên trên Giadinh.net rằng: “Vai trò của phụ nữ trong gia đình hiện nay là Tiêu tiền của chồng. Đẻ con cho mình. Mua nhà để đầu tư bất động sản. Sắm xe để khỏi thua chị kém em. Lên facebook để nâng cấp tâm hồn. Đọc nhiều báo mạng để có chuyện làm quà…”. Vậy chị có thể cho biết, đọc nhiều báo mạng để có chuyện làm quà là thế nào ạ? (Bạn Vũ Trọng Phú, quê ở Quảng Trị)

Mỗi một điều gì đó người phụ nữ làm thì luôn có mục đích cao hơn. Chỉ có người phụ nữ ngồi cạnh nhau mới nói thật được. Còn khi trên truyền thông thì không bao giờ được nói đến. 

Gần đây, mình có tâm sự cùng một cô giáo về việc  sinh viên báo chí lên fb nhiều hơn đọc báo, thời gian nhìn mặt giáo viên ít hơn màn hình điện thoại, laptop…Thực ra thì mình nghĩ Facebook là sản phẩm tương tác rất tốt nhưng bạn không nên từ bỏ việc giao tiếp hàng ngày.

Đối với mình, những lời lẽ trên facebook không hề làm cho mình hạnh phúc.

979ccb5d4_anh4.jpg
Nhiều câu hỏi của độc giả được khách mời trả lời nhiệt tình

- Chị Trang Hạ à, em hiện đang học Báo và năm tới sẽ tốt nghiệp, nhưng nhiều người lại khuyên em: “Ra trường học văn bằng hai đi, con gái làm báo làm gì cho khổ ra”. Chị có suy nghĩ như thế nào về nghề báo đối với một người phụ nữ? (Thanh Tuyền, Khoa báo chí, Đại học khoa học xã hội và nhân văn)

Mình nhớ là năm 2001, khi đó mình đang là phóng viên Giáo dục, mình đến một bản rất xa, đó là tỉnh Hà Giang, mùa xuân bùn nhão nhoẹt, nhân viên xã được phân công dẫn mình từ xã nhưng họ trốn, không đi với mình nữa, mình nghĩ nghề báo vất vả quá. Nhưng một hôm mình đến ở khách sạn, có một thằng… mò ra phòng mình, mình đẩy nó ra nài, không ngủ với nó, nó nói: "Tao tưởng mày làm báo mày quen với những việc như thế này rồi chứ". 

Nếu mình là nhân viên Bảo Việt, mình sẽ không bán hàng cho những người làm nghề báo vì nghề báo rất nguy hiểm. Nếu mình là một người mẹ mình sẽ không cho con mình theo nghề báo.  Nếu mình là một giáo viên mình sẽ cung cấp cho các bạn những kĩ năng, cách ứng xử, những cách vực dậy tinh thần khi bị vùi dập. Khi bạn bước vào nghề có thể là chưa viết được một tác phẩm nào nhưng đã bị mỉa mai với câu nói: Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm. Nhưng nhìn vào thực tế mình thấy nhiều nhà báo yêu nghề, có những tác phẩm, nên mình tin điều quan trọng là ở nỗ lực bản thân.

- Em có tìm hiểu thông tin về chị và được biết trước đây chị từng là phóng viên chính thức của báo Tiền Phong. Công việc tốt như thế sao chị là bỏ giữa chừng ạ? Và gần đây trên facebook chị có chia sẻ việc được giải thưởng báo chí, có phải chị bắt đầu trở lại nghiệp báo hay không? (Đức Chiến, hiện đang là phóng viên)

Có những Giải thưởng báo chí không dành cho những nhà báo chuyên nghiệp. Gắn bó với báo chí Việt Nam hơn chục năm nhưng thẻ nhà báo của mình không phải ở Việt Nam, mà là thẻ nhà báo quốc tế. Người quản lý tôi ở Thái Lan. Đơn vị quản lý tôi hiện nay là Yahoo Đông Nam Á, chức vụ của tôi là hỗ trợ nội dung cho Yahoo. Việc tôi nghỉ ở Tiền Phong là do cơ quan quản lý chứ không phải do người viết không có khả năng. Tôi đề cao sự cố gắng, nỗ lực cuả bản thân. Tôi nghĩ tôi là một thương hiệu pr khá tốt cho Tiền Phong! (cười)

3ae582f35_anh_5.jpg

MC nhận được rất nhiều câu hỏi của độc giả tại hội trường

- Từ khi còn học phổ thông tôi rất thích cây bút Trang Hạ trên báo Hoa Học Trò. Tôi cũng đặc biệt thích báo Hoa Học Trò ở thời điểm đó hơn thời điểm hiện tại. Chị có nghĩ báo Hoa Học Trò hiện tại không còn được đặc sắc như trước hay không? (Độc giả dấu tên)

Tôi thích hoa học trò bây giờ hơn là ngày xưa, lúc có Trang Hạ. Có rất nhiều phát ngôn, bài báo, nhân vật phát ngôn gây shock, những concept truyền thông cũng là của Trang Hạ mà bạn không thể biết. Ngày xưa báo Hoa Học trò bị công kích khi đưa lên những vấn đề như tình dục, giới tính… Ở giai đoạn đó người lớn nói Hoa Học Trò lố lăng, làm hư hỏng giới trẻ. Còn bây giờ Hoa Học Trò lại bị chì trích khi đưa quá nhiều thông tin về sao Hàn. Và năm năm nữa chắc chắn sẽ có một cái gì đó mà họ lại khó chấp nhận trên Hoa Học Trò.

 Ngày ấy tôi bị nhìn nhận là một nhà báo lố lăng. Cá nhân tôi rất thích Hoa học trò còn nếu cho những đứa trẻ nhà tôi đọc Hoa Học Trò thì không! Vì nếu như bạn đã có sự từng trải, gọt rũa trong tâm hồn thì Hoa Học Trò sẽ rất có ích nhưng đối với giới trẻ khi sự từng trải chưa nhiều thì sẽ rất dễ bị sa ngã, ảnh hưởng.

3bdd331c1_anh6.jpg
Rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến buổi giao lưu

- Chị quan niệm như thế nào về việc quan hệ tình dục trước hôn nhân? Trinh tiết quan trọng như thế nào đối với một người phụ nữ hiện đại ạ?

Trinh tiết là sự đảm bảo cho một cuộc hôn nhân hoàn hảo. Trinh tiết quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cảm xúc. Khi quan tâm đến trình tiết bởi đàn ông cho rằng đó là nhân phẩm của người phụ nữ, là hành trang để bước vào đám cưới. Nhưng mình nghĩ theo cách khác, mang cảm giác để đánh giá một người thì đó là hồ đồ. 

Mình không đồng ý tình dục trước hôn nhân nhưng đồng ý sống thử trước hôn nhân theo đúng nghĩa chứ không phải sống thử bóp méo như hiện nay chỉ là ăn ở cùng nhau thoải mái, chia tiền nhà, tiền sinh hoạt mà quần áo thì chỉ có người phụ nữ giặt giũ.

Sống thử là hành vi chung đụng không bừa bãi, pháp luật không thể quản lí. Mình nghĩ nên sống thử tiền hôn nhân khi có khả năng kiếm tiền, khả năng kết nối du lịch… chỉ thiếu tờ giấy kết hôn. Nên tránh xa những lời mời mọc tình một đêm.


Một vài hình ảnh trong buổi giao lưu:
9982dd978_anh8.jpg

9982dd978_anh9.jpg

9982dd978_anh10.jpg


Buổi giao lưu trực tuyến đã khép lại đầy thành công, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều câu hỏi từ các độc giả gửi về chưa được giải đáp. Sóng trẻ sẽ tiếp tục thông tin thêm để có câu trả lời thấu đáo cho các độc giả của Sóng trẻ. Mong sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn đối với những diễn đàn trực tuyến sắp tới! 

Sóng trẻ

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN