Giao lưu trực tuyến với ca sĩ Tân Phương - Hành trình tìm về bến Chân Như

(Sóng trẻ) - Chiều ngày 2/12/2015, Ban biên tập trang tin điện tử Sóng trẻ đã tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến cùng ca sĩ Tân Phương với chủ đề: Tân Phương – Hành trình tìm về bến Chân Như. Tại buổi giao lưu, giọng ca "Về Bến Chân Như" đã chia sẻ những điều thú vị xung quanh niềm đam mê âm nhạc dân gian thính phòng, album đầu tay "Bến Chân Như" và những dự định nghệ thuật trong thời gian tới.


 
Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham dự của Thạc sĩ Trần Phương Lan - Trưởng Ban Biện tập trang tin Sóng trẻ, PGS.TS. Nhạc sĩ Cù Lệ Duyên - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt nam, nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long và Phật tử Phạm Nam Chung Ủy viên Ban Văn hóa TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam.  

Tân Phương là một ca sĩ của dòng nhạc dân gian thính phòng, từng tham gia nhiều cuộc thi âm nhạc uy tín cả trong và nài nước. Cô tốt nghiệp khoa Thanh nhạc trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khóa 2001 – 2009. Khi đang ngồi trên ghế nhà trường, cô đã đạt Huy chương Bạc cuộc thi hát dân ca toàn quốc năm 2005 và sau đó năm 2006, cô đạt giải nhất cuộc thi giọng hát hay Hà Nội. Bước ra từ các cuộc thi uy tín, Tân Phương không chọn hướng đi tự do mà quyết định trở thành giảng viên khoa Thanh nhạc trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung Ương. 

Gần đây, Tân Phương cho ra mắt album nhạc đầu tay “Bến chân như” gồm 8 ca khúc mang âm hưởng Phật giáo. Nhận xét về giọng hát của Tân Phương trong album này, PGS.TS Cù Lệ Duyên (Phó trưởng khoa lý luận, sáng tác, chỉ huy - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cho rằng đây là "giọng ca truyền cảm, thính giả dễ dàng cảm thụ được chất thanh cao thánh thiện của âm nhạc Phật giáo góp phần khơi dậy tâm hồn hướng thiện, hướng tới hạnh phúc và an lạc". 


9abd91155_i_9556.jpg
Ca sĩ Tân Phương tại giao lưu trực tuyến "Hành trình tìm về bến Chân Như"

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến:

Năm 2006, chị đạt giải nhất cuộc thi giọng hát hay Hà Nội - một trong những giải thưởng rất uy tín. Đã 9 năm trôi qua, tại sao đến giờ Tân Phương mới ra mắt album đầu tay? ([email protected]

Cũng như nhiều ca sỹ khác, sau 1 thành công của mình trong nghề, mọi người sẽ làm những liveshow để kỷ niệm, đánh dấu tên tuổi của mình, nhưng thực sự thời gian đó Tân Phương mới học thanh nhạc năm 4. Thời gian đó, Tân Phương cũng ấp ủ 1 CD riêng, cũng có duyên và phát hành 2-3 album chung với các bạn ở thời điểm đó.

"Bến chân như" là gì ạ? Tại sao album của chị lại có tên ‘Bến chân như’? ([email protected]

Tựa đề “Bến Chân Như” không phải do Tân Phương tự nghĩ mà là do sự hỗ trợ của Thượng tọa Thích Minh Hiền trụ trì chùa Hương. Sau khi tham gia rất nhiều chương trình ca nhạc của nhà chùa và toàn quốc, biểu diễn nhiều bài hát, khi đủ duyên đủ bài Tân Phương cũng đã xin thầy chắp duyên để ra đĩa kỷ niệm, xin thầy bố thí cho tên CD thì thầy đã ban cho Tân Phương cùng ê kíp cái tên "Bến Chân Như".

Chị từng chia sẻ thực hiện album Bến chân như là “hoàn toàn không nghĩ tới từ khi mới bắt đầu bước chân vào con đường ca hát”. Chị có thể nói rõ hơn về điều này được không ạ?  ([email protected]

Với chất giọng của mình, khi mới vào nghề,  Tân Phương đã được định hướng làm ca sỹ của dòng nhạc ca dao, thính phòng. Có một cơ duyên là mình cũng đã từng hát ở chùa, hát cho đồng bào nghe, nên rất là bất ngờ với Tân Phương là đã có 1 đĩa CD được đánh giá là chuyên nghiệp về mọi mặt.

Trong album có tổng cộng 8 bài nhưng đến 6 bài được tác giả Diệu Thiện Cù Lệ Duyên, người mở đầu cho một trường phái mới về Âm nhạc Phật giáo sáng tác dành riêng cho chị. Đây có phải là sự ưu ái đặc biệt hay là có một cơ duyên gì đó giữa hai người khi cộng tác?  ([email protected])

Đúng là một sự đặc biệt với Tân Phương. Tân Phương có 3 người mẹ đã ưu ái và hiểu về giọng hát của mình, có những cung bậc cả về tâm hồn và quãng giọng. Đây cũng là điều kiện thú vị nhất để Phương có được những bài hát ý nghĩa như vậy trong album.

Phương cũng thấy vinh dự khi đến với một gia đình có truyền thống, một gia đình lớn của Việt Nam. Phương nghĩ không thể diễn tả hết những cảm xúc, một ân huệ khi quen biết và làm con của tiến sỹ.

77146295e_i_1342.jpg
Tân Phương - giọng ca thanh cao thánh thiện của âm nhạc Phật giáo

Album có 8 bài hát: “Cung đàn Hương Sơn”, “Mẹ Quán Âm”, “Đóa hoa dâng Người”,“Về bến Chân Như”, “Việt Nam Phật tâm ca”, “Hương thu ca”, “Sám hối mười phương”và “Lạy Phật con về”. Tên mỗi ca khúc đều rất ý nghĩa. Chị làm thế nào để chọn ra 8 ca khúc này cho album của mình? (Mai Anh, 21 tuổi, Hà Nội)

Để chọn ra được 8 ca khúc trong album, Phương nghĩ điều quan trọng nhất là những bài hát này hợp với giọng mình và mình đã hát rất nhiều lần, đồng thời những sáng tác mà nhạc sĩ sáng tác riêng cho mình thì Phương cảm giác đây là những bài hát sinh ra dành riêng cho mình.

Em thấy ekip thực hiện album gồm nhạc sĩ, Phật tử Anh Quân, thiết kế mỹ thuật: họa sĩ Phật tử Trần Lưu Tuấn… Liệu có phải tất cả mọi người trong ekip đều là Phật tử? Và để thực hiện một album nhạc Phật cần đòi hỏi những người hiểu đạo Phật không ạ? ([email protected] )

Thực ra với album này cũng là 1 cái duyên, tất cả những người tham gia ê kíp sản xuất đều là phật tử, từ nhạc sĩ Anh Quân, nhạc sĩ Quang Minh, Sơn Thạch, Trần Mạnh Hùng,… đều là phật tử. Đây là những nhạc sĩ chuyên nghiệp hướng thiện để tạo ra những ca từ trong trẻo.

Đây là album đầu tay của chị, chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn. Chị nói album có sự trợ duyên của Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương. Đó là sự trợ giúp như thế nào? Có ý nghĩa gì giúp chị vượt qua những khó khăn? (Thu Hương, 24 tuổi, Hà Nội)

Với một người bình thường còn tham sân si nhiều như Phương, Tân Phương thấy còn khó để hát được những bài hát như vậy. nhưng khi đến cửa chùa thì sự giúp đỡ quan trọng nhất là để cho mình hiểu về những điều trong đạo Phật, như là ý nghĩa của sự cho đi và nhận lại, để cho điều gì đến tự nhiên thì mình phải biết cố gắng.

Khi được thầy đặt tên cho là Bến Chân Như, thầy đã giải thích Bến Chân Như là gì, hiểu được điều mình đang làm, và cả ekip, mọi người. Một khó khăn nữa là trong lúc thu thanh, mẹ Duyên sửa từng câu để bài hát hoàn chỉnh. Một vấn đề khó khăn nữa, khi mình hát 1 tác phẩm mới, để người nghe không còn thấy lạ thì cũng là một thử thách với Tân Phương. Tân Phương cũng may mắn khi học trong trường thì được rèn luyện về cách hát nhả chữ.

Sự cho và nhận trong cuộc sống rất là rộng lớn. Đối với Tân Phương, mình bao giờ cũng được nhận trước. Tác giả viết cho giọng của mình, phải đủ giọng để truyền đạt, thay lời tác giả truyền tải những bài hát ý nghĩa như thế. Không thể đếm được mình nhận lại những gì, có khi nhận lại những điều to lớn mà mình không rõ.

Chị đã bao giờ giới thiệu cho sinh viên của mình về album của chị và hỏi họ về cảm nhận của họ về sản phẩm âm nhạc của mình chưa? Ý tôi muốn biết suy nghĩ của người trẻ về dòng nhạc này? ([email protected] )

Tôi đã chia sẻ với sinh viên của mình về album “Bến Chân Như”. Các sinh viên cũng có những người rất có khả năng. Sinh viên của Phương có rất nhiều người muốn học tập và đi theo Phương để thu thanh album. Các sinh viên rất thích và mình rất vui vì trong cuộc sống bộn bề, càng ngày càng nhiều những người trẻ hướng thiện, muốn làm điều tốt.


7d93fea22_i_1383.jpg
Buổi giao lưu trực tuyến thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả

Sở hữu giọng hát nữ cao, đẹp và kỹ thuật, thích hợp với nhiều dòng nhạc. Tại sao chị lại chọn nhạc Phật để theo đuổi? ([email protected] )

Dòng nhạc chính nhất Tân Phương theo đuổi là dòng nhạc thính phòng. Còn CD nhạc Bến Chân Như này cũng là một cơ duyên, chứ không phải Tân Phương không phải là ca sỹ hát dòng nhạc Phật. Tân Phương chỉ hát những ca khúc nhạc đời, quê hương, hát theo yêu cầu của khán giả, còn đối với những đại lễ lớn của Phật Giáo thì Tân Phương hát những bài nhạc Phật. Vì mình là ca sỹ nên muốn hát những bài nhiều người thích nghe, Tân Phương luôn sẵn sàng hát.

Được biết chị vừa giảng dạy vừa đi hát, vậy làm thế nào để cân bằng giữa hai việc này? (độc giả Huyền Cao)

Đây là việc vừa khó lại vừa dễ. Trước khi giảng dạy Phương đã hướng cho mình là ca sĩ chuyên nghiệp, còn việc giảng dạy đến như 1 cơ duyên, truyền dạy lại những kinh nghiệm cho thế hệ sau. Do đặc thù giảng dạy của trường nên việc sắp xếp thời gian cũng được nhà trường rất tạo điều kiện, giúp mình hoàn thành các ước nguyện của bản thân.


cb0676c7f_i_1421.jpg
Ủy viên Ban Văn hóa TW Giáo hội Phật giáo VN Phạm Nam Chung tặng hoa ca sĩ Tân Phương

Là người hát nhạc Phật giáo lâu năm, theo chị, để hát được các ca khúc mang màu sắc Phật giáo cần phải có những tố chất gì?

Không có gì quá cao siêu để có thể hát nhạc Phật. Tân Phương cũng không phải người hát nhạc Phật quá lâu năm, từ khi theo mẹ nuôi đến chùa và cùng các nhạc sĩ khác tham gia các chương trình âm nhạc Phật giáo, Tân Phương nghĩ để hát nhạc Phật, nài yếu tố về giọng hát, ca sĩ cần có sự giản dị, không cầu kỳ hoa mỹ, có tâm hồn hướng thiện, trong trẻo muốn giúp đỡ người khác, phải buông bỏ những điều sân si, phiền muộn. Ngay khi viết bài hát này các nhạc sĩ có thể gửi  gắm những phiền muộn hoặc những tâm tư mình ấp ủ. Phương nghĩ cần phải buông bỏ để tâm hồn mình trong trẻo, thánh thiện thì sẽ có thể hát nhạc Phật.

Chị có nhận xét về sự phát triển của nhạc Phật hiện nay với các dòng nhạc khác? ([email protected] )

Với sự phát triển của bất kỳ dòng nhạc nào thì cũng đều phụ thuộc vào nhu cầu của khán giả. Tân Phương nghĩ nhạc Phật đã và đang phát triển. Dòng nhạc này mang lại cho người nghe cảm giác tốt và những điều thiện lành. Thế nhưng Phương nghĩ rằng “Bến chân như” là một sản phẩm âm nhạc chuyên nghiệp và cũng là sản phẩm âm nhạc có văn hóa. Tân Phương biết Tân Phương không phải là ca sỹ duy nhất hát nhạc Phật như ca sỹ Mỹ Linh, Tùng Dương,… Tân Phương chỉ là đàn em thôi. 

Hiện nay, nhiều ca sỹ nài tài năng còn cần đến yếu tố may mắn, có tri âm trong đời sống âm nhạc của mình. Vậy theo chị, chị có phải là một người  may mắn không? ([email protected])

Phương tự cảm thấy mình là người may mắn trong cuộc sống và sự nghiệp.

Hiện nay có nhiều ca sỹ thể hiện các sản phẩm âm nhạc của mình, nhưng họ lại chạy theo xu hướng phát triển thị trường mà không quan tâm đến chất lượng của nó. Vậy theo ca sỹ Tân Phương  quan điểm về nghệ thuật của chị cũng như nguyên tắc làm việc của chị như thế nào? ([email protected])

Tân Phương cũng chỉ chia sẻ quan điểm của riêng mình thôi. Mình biết mình đang làm gì và mình quyết tâm, dồn hết sự nghiêm túc của mình để tác phẩm mình hát lên được mọi người đón nhận. đã làm là làm tới cùng. Đó là giao ước của Tân Phương với nghề nghiệp của mình

Âm nhạc Phật giáo Việt Nam có chịu ảnh hưởng từ âm nhạc Phật giáo của nước nào khác trên thế giới không ạ? [email protected]

Tất cả ngành nghề trong xã hội đều chịu ảnh hưởng lẫn nhau, âm nhạc Việt Nam có ảnh hưởng từ opera thế giới, những bài hát của Việt Nam cũng có ảnh hưởng bởi những yếu tố của âm nhạc nước nài. Sự ảnh hưởng đó là đương nhiên. Những bài hát trong album nếu không có kỹ thuật cao thì không thể hát được, đây hòa quyện giữa tiếng Việt và những ảnh  hưởng từ nhạc thính phòng nước nài.

Chị thích ca sỹ Việt nào nhất? Trong dòng nhạc chị theo thi liệu có ca sỹ nào dẫn đường cho chị yêu thích và đam mê dòng nhạc này?

Ngày xưa khi còn bé, mỗi lúc thức dậy các bạn đều trải qua cảm giác như Tân Phương, sóng phát thanh phát những bài hát của các ca khúc tiền bối như NSND Quang Thọ, Thúy Hậu, Lê Dung,… Rồi khi lên nhạc viện học thì được gặp tận mặt nhiều người. Người thầy lớn nhất của Tân Phương là nhà giáo ưu tú Trần Diệu Thúy, là người nuôi Tân Phương trong nhà, dạy cả ý thức làm nghề và cuộc sống nói chung.

Em lên đại học bắt đầu tham gia khóa tu, cũng từ đó mới nghe nhạc Phật. Em thấy dòng nhạc này không có nhiều thị trường. Chị đã gặp những khó khăn gì khi theo đuổi 1 dòng nhạc kén người nghe như vậy và chị đã vượt qua như thế nào? ([email protected])

Mỗi dòng nhạc đều có thị hiếu và môi trường riêng. Nhạc Phật đúng là rất kén người nghe tuy nhiên kén hay không là tùy vào cảm xúc và sự quan tâm riêng của mỗi người. Tùy từng người cảm nhận, có khi với người này thì khi sinh ra mình đã theo cô, bác đến chùa , ăn lộc chùa. Ngày bé, Tân Phương cũng thế thôi, khi lên chùa nghe tưởng các thầy đang hát đang ca. Đối với người bình thường như chúng ta hát thì ca ngợi Đức Phật. Xa lạ hay gần gũi thì tùy vào mỗi người, mọi người hãy mở rộng lòng mình để cảm nhận.

b051982db_i_1453.jpg
Ca sĩ Tân Phương gửi tới hội trường ca khúc "Về bến Chân Như"

Trong tương lai chị có dự định sản xuất thêm album thứ 2 về nhạc Phật giáo không ạ? Liệu chị có đổi sang một dòng âm nhạc khác không ạ? ([email protected] )

Tân Phương là ca sĩ nhạc dân gian thính phòng, sau album Bến Chân Như thì bắt đầu nhạc Phật gây tiếng vang. Phương cũng hết mình với nghệ thuật như những người lao động nghệ thuật khác. Việc có ra album nữa hay không thì là tùy duyên. Nếu có duyên thì Phương sẽ ra album tiếp theo như một đứa con tinh thần, càng nhiều con thì càng nhiều phúc.

Tân Phương là ca sỹ của dòng nhạc thính phòng. Thời gian là ngày là đêm là lúc mình nghĩ, làm việc nọ việc kia sao cho nó đạt được bây giờ là cả một sự lao động không tính bằng thời gian. Bài gần đây Tân Phương hát là “Về bến chân như”, đó là cả một quãng thời gian lao động miệt mài. Trong quá trình thu âm thì là khoảng 5 tháng, anh Hùng cũng thu âm và mix bài, chỉnh sửa phần thu.

Là một người nghệ sĩ đồng thời cũng là một Phật tử thuần thành, chị quan niệm như thế nào về tình yêu nam nữ? (độc giả Hữu Đức)

Chỉ một cảm nhận với một từ là "Đẹp"

Chị là một Phật tử đúng không ạ? Em cũng theo đạo Phật nhưng không được gọi là Phật tử. Như thế nào mới được gọi là Phật tử và phải có điều kiện gì để trở thành Phật tử?  ([email protected] )

Điều này rất là đơn giản. Nếu bạn muốn làm Phật tử như Tân Phương, bạn hãy lên chùa gặp sư thầy. Sư thầy sẽ giải thích cho bạn thế nào là Phật tử, sau đó sẽ làm buổi lễ trang nghiêm, quy y Phật, Pháp, Tăng là bạn sẽ trở thành Phật tử.

Chị từng tốt nghiệp khoa Thanh nhạc Trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khóa 2001 - 2009, đạt Huy chương Bạc cuộc thi hát dân ca toàn quốc năm 2005, giải nhất Cuộc thi giọng hát hay Hà Nội năm 2006. Tại sao chị lại quyết định trở thành giảng viên thanh nhạc? ([email protected] )

Tân Phương cũng xin được bộc bạch, mới đầu bước vào con đường nghệ thuật học thanh nhạc cũng không nghĩ là mình trở thành giảng viên âm nhạc như người nghệ sỹ của mình. Cái đấy có vẻ xa vời với mình lắm. Sau 8 năm học nhạc viện, Tân Phương tốt nghiệp học viện ra trường. Trong thời gian Tân Phương làm sinh viên cũng được các thầy cô cho làm trợ giảng, nên sau khi ra trường cũng được làm ở các đoàn âm nhạc ca múa nhạc nhẹ Việt Nam.

Truyền thống gia đình của Tân Phương là nghề giáo. Ngày xưa Tân Phương cũng đã đỗ đại học sư phạm nhưng không theo ngành đó. Sau khi ra trường thì Tân Phương được may mắn giảng dạy ở trường, vận dụng những kỹ năng mà thầy cô truyền lại cho mình.

Chị thấy đâu là khó khăn nhất trong chặng đường nghệ thuật mà chị đã đi qua? (độc giả Kim Hoa)

Mỗi một chặng đường đều có thuận lợi và khó khăn riêng. Khi tốt nghiệp ra trường thì phải sắp xếp thời gian để chăm sóc gia đình, giảng dạy. Nghề nào thì cũng có khó khăn và thuận lợi, cũng đều cao quý cả. Vào buổi tối mọi người được nghỉ ngơi thì Tân Phương lại biểu diễn tới tận đêm mới kết thúc công việc của mình. Có khi 11h đêm đi diễn thì lại có lịch thu thanh đến sáng mới xong, nên giấc ngủ rất ngắn. rồi khi nhận công việc giảng dạy, khó khăn sắp xếp mọi thứ, đảm bảo giờ lên lớp. còn rất nhiều điều nữa, như em biết đấy, tuổi nghề, nhan sắc đều trôi đi.  Tranh thủ mình còn trẻ, còn hoạt động hết sức, dành thời gian cho việc giảng dạy. Những giai đoạn đều có khó khăn riêng của nó.

Kỷ niệm sâu sắc nhất của chị trong giai đoạn đầu đi diễn? (độc giả Thu Hà)

Kỷ niệm đầu tiên, khi lên Hà Nội đi học, bố mẹ gửi tiền theo tháng. Tân Phương nhớ mãi lần đầu đi hát và được nhận cát sê, cát sê bằng hẳn 1 tháng mẹ gửi, Phương rất bất ngờ và vui sướng. Vì nhà Phương cũng không có điều kiện nên chi phí của mình đều nằm gọn trong tính toán của mẹ bởi vậy khi đi diễn kiếm được tiền, Phương đã rất xúc động.

Một kỷ niệm khác của Phương đó là năm 2008, khi Phương hát bài hát Nhớ quê, rất nhiều người đã ôm Tân Phương khóc, lần đầu tiên mình thấy người khác khóc vì tiếng hát của mình, mình đã rất hoang mang và đã suy nghĩ mãi về cuộc sống, số phận của con người. Điều đó đã làm mình trưởng thành hơn, giúp mình góp nhặt những kinh nghiệm và cảm xúc trong cuộc sống. Đó là những kỷ niệm  rất xúc động của Tân Phương.

Trong hệ kỹ thuật âm nhạc, chị đánh giá như thế nhạc về nhạc Phật giáo trong hệ thống âm nhạc cổ truyền Việt Nam. (độc giả Cường Ngô)

Trong những tác phẩm trong CD “Bến chân như”, những bài hát mang âm hưởng dân gian sử dụng kỹ thuật âm nhạc thính phòng, rồi nhạc sỹ Mạnh Hùng cũng là nhạc sỹ cho dòng nhạc thính phòng. Những ca khúc như vậy phù hợp với giọng ca của mình. Tân Phương nghĩ rằng nó có tình cảm riêng, sự truyền tải riêng, có chỗ đứng cũng ngang bằng các mảng khác trong xã hội: đề tài tình yêu, đề tài lao động,… đức phật hướng con người ta những điều chân thiện trong cuộc sống.

Trước khi làm “Bến Chân Như”, chị vẫn thường nghĩ mình còn tham sân si. Sau khi hát “Bến chân như”, mình có trách nhiệm với người nghe để làm sao cầu mong cho những người nghe giác ngộ, tìm đến bình an, trải qua những nỗi buồn trong cuộc sống. Thông điệp gửi gắm của chị trong album này là mong mọi người tìm về bến Chân Như để hạnh phúc hơn.

Có ý kiến cho rằng, tình trạng âm nhạc ở Việt Nam hiện nay rất phức tạp, bên cạnh một vài sáng tác có giá trị nghệ thuật và giáo dục, có vô số những ca khúc dễ dãi và hời hợt, đầy dẫy những giai điệu cóp nhặt, bắt chước vay mượn, dậm dựt; ca từ sáo rỗng, vô duyên. Chị nghĩ sao về nhận xét này? (độc giả Phạm Hường)

Trong bất kỳ môi trường ngành nghề nào, bên cạnh những thứ tích cực sẽ có những thứ tiêu cực. Giới trẻ có quá nhiều luồng thông tin, để có thể định hướng đúng cũng là một vấn đề nan giải.
Các vấn nạn này chị nghĩ luôn tồn tại và vấn đề là chúng ta cần cố gắng để phân luôn đúng thông tin mình nhận được để bản thân không gặp phải những điều như thế.

Dòng nhạc phật khác với những dòng nhạc khác như thế nào? ([email protected])

Tất nhiên là rất khác. Là một ca sĩ, Phương biết mỗi dòng âm nhạc đều có một đặc trưng khác nhau và truyền tải những thông điệp khác nhau. Với nhạc Phật là để mọi người hướng tới những niềm hạnh phúc an lành, hướng thiện, lay động lòng người về tình yêu thương.

Chị nghĩ sao về vấn đề cách tân nhạc thính phòng ở Việt Nam hiện nay? ([email protected])

Vấn đề làm mới về nhạc thính phòng có nhiều quan điểm khác nhau. Làm mới như thế nào thì vẫn phải giữ nguyên tắc Tân Phương đối với âm nhạc. Còn làm thế nào để khán giả đón nhận, thích thú và hài lòng thì tùy từng người.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long luôn đồng hành trong các dự án âm nhạc của chị. Vậy trong tương lai chị có dự định tiếp tục kết hợp với nhạc sĩ Nguyễn Quang Long trong 1 dự án nào tiếp theo hay không ạ? ([email protected])

Anh Long có nhiệt huyết và Phương có đam mê. Nhưng về sự kết hợp này thì Phương xin phép giữ bí mật.

Dự định trong thời gian tới của chị? ([email protected])

Kế hoạch của Tân Phương trong cuộc sống đó là Phương sẽ tiếp tục giảng dạy về thanh nhạc. Trong thời gian gần nhất, trước hoặc sau tết, mình sẽ ra mắt 1 sản phẩm âm nhạc thính phòng về tình yêu quê hương đất nước, và một dự định quan trọng hơn là vun vén cho gia đình nhỏ của Phương.


24cd073ad_i_1492.jpg
Ca sĩ Tân Phương chụp hình cùng các khách mời tham dự chương trình

223bb26df_i_1502.jpg
Ca sĩ Tân Phương chụp hình cùng BBT Sóng trẻ


Buổi giao lưu trực tuyến kết thúc vào 15h40. Ban biên tập Sóng trẻ đã nhận được gần 100 câu hỏi từ quý vị độc giả. Tuy nhiên, vì thời lượng chương trình có hạn nên ban biên tập sẽ gửi các câu hỏi chưa được trả lời đến ca sĩ Tân Phương và cập nhật lên trang tin điện tử Sóng trẻ trong một chương trình hoặc bài viết thích hợp.  Cảm ơn quý độc giả đã quan tâm, theo dõi và ủng hộ chương trình! 

BBT Sóng trẻ





Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN